Thành phố Hồ Chí Minh: Mô hình nuôi lươn không bùn thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường

AN HUY| 09/07/2021 05:25

KHPTO - Nuôi lươn trong bể xi măng với hệ thống xử lý nước tuần hoàn không chỉ giúp đảm bảo chất lượng thương phẩm, mà còn thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đô thị.

Trong khoảng từ 2 - 3 năm gần đây, tại một số huyện ngoại thành của TP.HCM, mô hình nuôi lươn không bùn đã được nhiều hộ sản xuất triển khai và bước đầu ghi nhận thành công đáng khích lệ. Mô hình này đã khai thác triệt để không gian chuồng trại tại nhiều địa phương vốn dĩ phải giảm thiểu việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm tuân thủ các quy hoạch chung về phát triển đô thị.

Về cơ bản, lươn là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và cũng có giá trị kinh tế ổn định, thị trường tiêu thụ lớn tại nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước. Bên cạnh lươn thịt thương phẩm, thì nhu cầu con lươn giống cũng được bà con nông dân tìm mua để mở rộng quy mô nuôi, đặc biệt ở các tỉnh khu vực miền Tây.

Còn được gọi là nuôi lươn trong bể xi măng, mô hình nuôi lươn còn có ưu điểm là không đòi hỏi diện tích vùng sản xuất phải lớn. Thay vào đó, các hộ sản xuất ở mọi quy mô có thể tận dụng không gian tại chỗ, diện tích dao động từ 5 - 10 m2 là hoàn toàn có thể triển khai. So với nuôi lươn ngoài đồng, mô hình nuôi lươn thương phẩm (cả lươn thịt lẫn lươn giống) có thể xem là phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại, bởi lươn nuôi trong nhà được đảm bảo sống trong môi trường sạch và ổn định về nguồn nước, thực phẩm.

Hiện nay, với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các mô hình nuôi lươn trong nhà (hay nuôi lươn không bùn) được các hộ nuôi lươn chủ động bổ sung các giải pháp phụ trợ, như che màng chống nắng, sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn để giám sát tuyệt đối nguồn nước trong bể nuôi cũng triệt tiêu các nguồn vi sinh, mầm bệnh có hại cho con lươn.

Theo một chuyên gia tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn), các mô hình nuôi lươn không bùn có sử dụng hệ thống nước tuần hoàn ngoài việc giúp hạn chế thay nước (chỉ bổ sung khi nước trong bể nuôi bị hao hụt) và giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, thì môi trường tự nhiên còn được đảm bảo tuyệt đối vì nhiều giải pháp tuần hoàn nước hiện nay có khả năng tự động tách lọc kim loại nặng. Hơn nữa, một số loại chất thải hòa tan cũng sẽ được đưa qua các hệ thống xử lý lọc sinh học trước khi nguồn nước được xả thải ra môi trường bên ngoài, nếu thực sự cần thiết.

Cũng theo chuyên gia này, lươn nuôi trong nhà có năng suất cao và con lươn giống cũng có sức khỏe đảm bảo, ít bệnh và khả năng phát triển tốt. Nhờ vậy, bà con nông dân sản xuất ổn định, tạo ra giá trị kinh tế cao cho con lươn thương phẩm, đáp ứng mọi tiêu chí của nhu cầu tiêu thụ trong nước, thậm chí xuất khẩu con lươn giống.

Được biết, với một bể nuôi lươn thịt diện tích cỡ 60 m2 với 4 khay nuôi, thì sau 28 ngày nuôi, tỷ lệ lươn sống đạt từ 98 - 99% và năng suất đạt 50 kg lươn thịt cho mỗi mét vuông. Còn với mô hình nuôi lươn giống trong bể xi măng không bùn, thì theo số liệu được công bố gần đây của nhóm chuyên gia ngành nuôi trồng thủy sản tại TP.HCM, một khay nuôi có kích thước 0,4 x 0,6 mét có thể đảm bảo việc nuôi lên đến 2.000 con giống.

Chưa dừng lại ở đó, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng cũng giúp nhiều hộ nông dân tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để làm đầu vào thức ăn cho con lươn, từ đó tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp vừa hiện đại, vừa khép kín và gắn liền với nhiệm vụ tăng cường công tác vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Mô hình nuôi lươn không bùn thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO