Thành phố Hồ Chí Minh: Khơi thông điểm nghẽn để hợp tác xã kiểu mới phát triển

MAI DUNG| 28/06/2020 07:55

KHPTO - Tính đến thời điểm ngày 1/6/2020, tổng số lượng hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phốlà 667 HTX, tăng 30,27% so với thời điểm năm 2011 (512 HTX); sốlượng liên hiệp HTX giảm từ 8 xuống còn 6 LH HTX. Nhiều chuyên gia đánh giá, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, khu vực KTTT, HTX cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về cạnh tranh thị trường; chất lượng nguồn nhân lực; dễ bị ảnh hưởng cũng như tác động bên ngoài; trình độ nhân lực không đủ năng lực thích ứng với tình hình mới và bị tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ; tác động của biến đổi khí hậu...

Dự báo về xu hướng phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2030, ông Trần Ngọc Hưng - chủ tịch Liên minh HTX thành phố cho rằng, yêu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm là xu thế tất yếu của người tiêu dùng trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, xu thế phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tập trung đòi hỏi đẩy mạnh việc thực hiện liên kết ngang giữa người sản xuất và liên kết dọc theo chuỗi giá trị sản phẩm cần được phổ biến và tuyên truyền rộng rãi hơn nữa đến các HTX, liên hiệp HTX nắm bắt thực hiện.

Từ đây theo ông Hưng, nhằm khơi thông điểm nghẽn để hợp tác kiểu mới phát triển, các cơ quan chức năng cần bắt tay xây dựng, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt và về lâu dài, cụ thể như:

- Về nhà, đất các HTX đang thuê của Nhà nước: tổ chức khảo sát lại các địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hiện nay do HTX đang quản lý, sử dụng trên cơ sở xem xét, nghiên cứu về mục đích sử dụng.

- Về vốn: tăng nguồn vốn của Quỹ trợ vốn thành viên HTX. Phấn đấu đến năm 2030, quỹ có nguồn vốn hoạt động đạt xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Tiếp tục làm cầu nối giữa các tổ chức tín dụng và các HTX, đồng thời thống kê nhu cầu vay vốn của các HTX để gửi về Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố.

Trong kế hoạch phát triển KTTT hàng năm, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP.HCM, Sở tài chính, Liên minh HTX và các sở, ngành có liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX được hưởng chính sách tín dụng về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố; chính sách vay tín chấp và tiếp cận các khoản vốn ưu đãi của Chính phủ về phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Về chính sách cán bộ và nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế HTX: hàng năm, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chức danh hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, kế toán trưởng, cán bộ quản lý nghiệp vụ HTX theo chỉ tiêu bình quân 1.500 lượt người/năm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý HTX, các chính sách của Nhà nước cho cán bộ tư vấn, cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế HTX tại các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã. Kinh phí do ngân sách thành phố, quận, huyện hỗ trợ theo quy định.

Xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế HTX đến năm 2030. Trong đó, triển khai các chính sách đãi ngộ (về lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...) để thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, cán bộ trẻ có năng lực, trình độ về làm việc tại các HTX.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý có trình độ đại học, cao đẳng làm việc tại các HTX nông nghiệp, xây dựng chương trình, chính sách hỗ trợ cho các HTX phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế HTX thành phố, cụ thể như: tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động phát triển HTX; chú trọng tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương phát triển kinh tế HTX của Đảng, Nhà nước và Luật HTX, các nghị định của Chính phủ, các thông tư của các bộ, ngành về chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế HTX. Tổ chức sâu rộng các đợt thi đua trong khu vực kinh tế HTX; giới thiệu, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế HTX do Chính phủ và thành phố ban hành.

Sở kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX, các sở, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế HTX hàng năm, trình UBND thành phố ban hành. UBND quận, huyện xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế HTX của ngành, địa phương.

Liên minh HTX thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành trong các khâu xúc tiến thương mại; ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ; xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển sản xuất kinh doanh và tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế HTX...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Khơi thông điểm nghẽn để hợp tác xã kiểu mới phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO