Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2020

TUYẾT MAI| 29/07/2020 22:04

KHPTO - Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND thành phố cho rằng, bối cảnh khó khăn của nền kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, giá dầu thô giảm… đã tác động đến tình hình kinh tế cả nước nói chung và thành phố nói riêng trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Về quy mô, thành phố vẫn đóng góp khoảng 25% GDP, khoảng 27% ngân sách của cả nước. An sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo; hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các hoạt động đối ngoại tiếp tục được thực hiện chu đáo, trọng thị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến thành phố ước giảm 69,3% so cùng kỳ, tổng doanh thu du lịch ước giảm 58,1% so cùng kỳ. Việc triển khai thực hiện chủ đề năm 2020: “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” còn chậm, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm của thành phố (kể cả dự án đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, vướng mắc, chậm tiến độ dẫn đến tăng vốn đầu tư và làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thực hiện chậm so với kế hoạch. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý tài nguyên đất công còn hạn chế, khó khăn...

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ của TP.HCM từ nay đến cuối năm 2020 là “nhiệm vụ kép” - vừa ngăn chặn Covid-19, không để bùng phát mạnh mẽ, cũng không được chủ quan trong phòng chống Covid-19, vừa kết hợp phục hồi kinh tế sau dịch.

Theo ước tính, lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 90% tại TP.HCM, trong khi đó, doanh nghiệp có quy mô lớn trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm 2,14%. Các doanh nghiệp trên nếu bị ảnh hưởng thì kéo theo sự ảnh hưởng rất đáng kể đến sự tăng trưởng kinh tế thành phố. Vì thế, lãnh đạo các địa phương cần trao đổi, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp. Báo cáo thường vụ những giải pháp thuộc thẩm quyền giải quyết, nếu phạm vi vượt quá thẩm quyền thì phải đề xuất báo cáo giải quyết. “Phải cùng chia sẻ những lúc khó khăn với những hành động, giải pháp cụ thể, chủ động hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp không ngưng hoạt động. Với doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động thì thành phố phấn đấu đến cuối tháng 8 tới đây sẽ hoàn thành việc hỗ trợ”, ông Phong nhấn mạnh.

Về giải ngân, do đây là vấn đề quyết định tổng cầu kinh tế, các địa phương cần rà lại các dự án chưa báo cáo, nếu cần thiết phải điều chuyển vốn. Cần rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2015, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, phấn đấu đến cuối năm tỷ lệ giải ngân đạt từ 95% trở lên. Giao cho Sở kế hoạch - đầu tư phải báo cáo trước ngày 15/10 những dự án nào sẽ khởi công và những công trình nào sẽ bắt tay khởi công giai đoạn bắt đầu từ cuối năm 2020 - đầu năm 2021.

Đẩy mạnh du lịch nội địa, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tăng cường kết nối giữa thành phố và các tỉnh.

Triển khai Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Giao Sở thông tin và truyền thông phải chủ trì và thống kê lại những ngành nào có kinh tế số phát triển và phát triển mạnh mẽ như thế nào.

Tập trung triển khai thực hiện giai đoạn 2 kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO