Thành phố Hồ Chí Minh: Chính sách hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi

KIỆN BÌNH| 26/12/2019 05:55

KHPTO - Nhằm thúc đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, TP.HCM xây dựng chính sách đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi thành phố nói riêng giải quyết được tình trạng thiếu lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Để triển khai có hiệu quả và mở rộng ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi, UBND TP.HCM ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho việc ứng dụng cơ giới hóa. Đó là Quyết định 257/QĐ-UBND ngày 19/1/2017 nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi) thành phố giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Đối với bò sữa, đến năm 2020, phấn đấu 50 - 60% doanh nghiệp, hộ nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi, trong đó cơ giới hóa trong khâu vắt sữa bò là 90%, chế biến thức ăn cho bò là 40 - 50%, cơ giới hóa chuồng trại chăn nuôi là 70%, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn và quản lý giống. Đến năm 2025, 70 - 80% hộ chăn nuôi ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, trong đó: khâu vắt sữa bò là trên 95%, khâu chế biến thức ăn là 70 - 75%, cơ giới hóa chuồng trại là 80%.

Đối với heo, đến năm 2020, tăng tỷ lệ sử dụng chuồng lạnh lên 30%, chuồng sàn là 60%, tăng tỷ lệ sử dụng máng ăn, máng uống tự động. Đến năm 2025, 50% số hộ chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh và 80% sử dụng chuồng sàn trong chăn nuôi heo.

Đối với bò thịt, tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn, phấn đấu đến năm 2020, 50% hộ sử dụng máy băm, xắt cỏ và trộn thức ăn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn và quản lý giống theo chương trình tiên tiến (BHI) tại các đơn vị sản xuất giống. Đến năm 2025, trên 70% hộ sử dụng máy băm, xắt cỏ và trộn thức ăn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn và quản lý giống theo chương trình tiên tiến (BHI) tại các đơn vị sản xuất giống. Vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi, nâng cao tỷ lệ sử dụng hầm biogas và ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi lên 70% tổng số hộ chăn nuôi.

Thời gian qua, người chăn nuôi bò sữa cùng với sự hỗ trợ từ chính sách đã đầu tư lắp đặt hệ thống làm mát chuồng trại cùng thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm chuồng trại… Cơ giới hóa trong khai thác và bảo quản sữa, các trạm trung chuyển sữa tươi đã được đầu tư, hệ thống bảo quản lạnh, thiết bị kiểm tra chất lượng nhằm đảm bảo chất lượng sữa theo đúng tiêu chuẩn.

Trong chăn nuôi heo hiện nay nhiều trang trại đã xây dựng hệ thống chuồng nuôi kín (điều tiết nhiệt độ chuồng nuôi), thay cho chuồng hở, hệ thống chuồng lạnh để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi trong điều kiện nhiệt độ cao, đồng thời sử dụng thiết bị máng ăn, máng uống tự động, bán tự động. Đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi thịt thương phẩm.

Để tạo điều kiện cho người dân và các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa chăn nuôi, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 655/QĐ-UBND ngày12/2/2018. Theo đó, thành phố hỗ trợ lãi vay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi, khi được tổ chức cho vay đồng ý cấp tín dụng đối với các phương án sản xuất khả thi.

Các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ chăn nuôi sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất. UBND TP.HCM quyết định hỗ trợ lãi vay đối với các trường hợp đề nghị hỗ trợ lãi vay đối với mức vay từ 10 tỷ đồng trở lên. UBND quận, huyện quyết định hỗ trợ lãi vay đối với các trường hợp đề nghị hỗ trợ lãi vay đối với mức vay dưới 10 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Chính sách hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO