Thành phố Hồ Chí Minh: Bảo tồn nghề, làng nghề suốt chặng đường dài

TIỂU YẾN| 28/10/2020 16:32

KHPTO - Trong suốt thời gian dài (2011 - 2020), nhờ kiên trì bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, TP.HCM đã giúp nhiều làng nghề hoạt động hiệu quả, một số làng nghề dần khẳng định vị thế của mình.

Hiện nay, người dân sản xuất muối của làng nghề xã Lý Nhơn và Thạnh An, huyện Cần Giờ có cuộc sống khấm khá hơn nhờ thu nhập tăng so với trước kia, có hộ thu nhập tới 1 tỷ đồng/năm (hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố). Ông Nguyễn Văn Đổi, ấp Kiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là một điển hình: “Người dân ấp Kiềng Liềng sống chủ yếu bằng nghề làm muối, nhưng ít có mô hình hiệu quả. Bản thân gia đình tôi, nhờ được Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM hỗ trợ triển khai mô hình muối kết tinh trên nền bạt, làm hồ trữ nước chạt trên diện tích 400 m3. Từ đó, năng suất muối tăng lên 30 - 40%. Để tận dụng thời gian nhàn rỗi trong mùa mưa, gia đình tôi kết hợp làm 1 vụ muối, 1 vụ tôm. Mô hình kết hợp này giúp chúng tôi thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động với mức lương 6 - 8,5 triệu đồng/lao động/tháng”, ông Nguyễn Văn Đổi phấn khởi cho biết.

Những năm qua, UBND huyện Cần Giờ đã quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề muối Lý Nhơn. Theo đó từ năm 2013 đến nay, đã hỗ trợ 55 hộ trải bạt nhựa, 7 hồ chứa nước chạt, 1 máy lăn khuôn với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, phê duyệt cho 254 hộ diêm dân vay vốn lên tới 19 tỷ 880 triệu đồng. Hàng năm, UBND huyện còn phối hợp với Chi cục phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức đào tạo nghề muối, quy trình sản xuất muối trải bạt và hồ trữ nước chạt cho diêm dân. Huyện cũng phối hợp với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở công thương tìm đối tác tiêu thụ muối cho diêm dân. Kết quả, có 3 đến 9 công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến muối đã ký kết hợp đồng tiêu thụ muối cho diêm dân. Từ đó, làng nghề muối khởi sắc hơn, các con số về quy mô, thu nhập đều tăng so với 10 năm trước. Cụ thể, nếu như năm 2011, chỉ có 25 hộ, 120 lao động, 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh muối, thì đến năm 2020 có tới 688 hộ, 2.330 lao động và 6 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh muối. Doanh thu muối cũng tăng lên đáng kể, từ 59,45 tỷ đồng (năm 2011) lên 100 tỷ đồng (năm 2020), thu nhập từ nghề làm muối cũng tăng từ 3 lên 6 triệu đồng/lao động/tháng.

Không riêng nghề muối, một số làng nghề xe nhang, bánh tráng, hoa kiểng, đan lát... cũng có mức tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2011. Có kết quả trên, do từ năm 2011 đến nay, TP.HCM triển khai Quyết định 3891, trong đó bảo tồn vàphát triển 8 làng nghề trong suốt giai đoạn 2013 - 2015 và đến năm 2020. Cụ thể, thành phố đã hỗ trợ cho vay vốn, tín dụng ưu đãi, trả lãi vay cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề (theo các Quyết định số 36, 13, 04 và hiện nay là Quyết định 655). Qua triển khai, từ năm 2011 đến nay, UBND thành phố và các quận huyện đã phê duyệt hàng chục dự án hỗ trợ lãi vay cho các khoản vay lên đến 1.121 tỷ 199 triệu đồng cho các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn (chiếm khoảng 14,78% tổng vốn vay theo Quyết định 655). Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cho nhiều hộ dân thuộc các làng nghề muối Lý Nhơn, đan lát Thái Mỹ (Củ Chi); đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (Hóc Môn); xe nhang Lê Minh Xuân (Bình Chánh); hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với sản phẩm ngành nghề nông thôn. Đồng thời, thành phố còn triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (Quyết định số 385/ QĐ-UBND ngày 28/1/2019), nhằm phát triển bền vững và hiệu quả 6 sản phẩm (đan lát, mành trúc, đan giỏtrạc, xe nhang, bánh tráng, muối) của 6 làng nghề truyền thống và 3 sản phẩm ngành nghề nông thôn (khô cá dứa Cần Giờ, khô cá sặt Củ Chi, tổ yến Cần Giờ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Bảo tồn nghề, làng nghề suốt chặng đường dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO