Thảm rễ thực vật khử nước nhiễm độc

HOÀNG XUÂN PHƯƠNG| 21/08/2009 15:36

Nước nhiễm thạch tín trở thành vấn đề y tế nghiêm trọng do gây ra nhiều chứng bệnh mãn tính và giảm tuổi thọ. Trong số hàng triệu người phải uống nước này có các dân nghèo ở Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, và cư dân trong vùng khai thác quặng mỏ. Các kỹ thuật khử độc thạch tín hiện nay còn rất đắt. Nhưng nhiều loài thực vật như bồn bồn có khả năng hút bớt thạch tín làm cho hàm lượng còn lại trong nước xuống đến dưới mức an toàn 0,01 mg/lít.

Nước uống lấy từ giếng khoan bị nhiễm thạch tín (arsenic) có thể được xử lý hiệu quả bằng lớp rễ bồn bồn tức cây cỏ nến loài Typha latifolia (<_st13a_country-region w:st="on">Bangladesh) hay Typha orientalis (Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam). Kết quả thực nghiệm nhiều năm được TS. J.D. Jackson công bố trên tờ Civil Engineering, theo đó bộ rễ cỏ nến hấp thụ đến 89% thạch tín và hàm lượng trung bình trong nước chỉ còn trên dưới 38 microgram (an toàn).

Ở Hàm Tân (Bình Thuận), Nhơn Trạch (Đồng Nai), Đồng Tháp hay vùng Tứ giác Long Xuyên, bồn bồn mọc hoang như thể cây sậy, với chiều cao ít khi vượt quá 2 mét, và bộ hoa đặc trưng hình nến mà ngành đông y khai thác dưới tên vị thuốc hương bồ. Thân ngầm cùng bộ rễ của loài cây này phát triển rất mạnh, nhất là ở nơi thường xuyên nước ngập lưu thông.

TS. Jackson đề nghị làm các bộ lọc quy mô gia đình là loại ống tròn đúc bằng bê tông có đường kính 1 mét, ở đáy đổ cát sạch dày hơn 0,5 mét, trên mặt trồng khoảng 12 bụi cây cỏ nến. Nước giếng nhiễm độc arsenic được bơm lên mặt bể và lấy ra mỗi ngày một lần khoảng 50 lít để dùng ăn uống thông qua lỗ khóa ở gần sát đáy.

Để xử lý nước nhiễm độc arsenic hay kim loại nặng quy mô cấp nước cộng đồng cho nhiều gia đình hay một thôn xóm, người ta xây loại bể lọc dài hơn, rộng hơn. Nước giếng được bơm ngập bể tạo thành hồ chứa, thấm dần xuống nền cát sỏi thông qua lớp rễ dày đặc, và được thu lấy để dùng từ một vòi xả. Các cây cỏ nến trong bể được cắt định kỳ và đem đi đốt để cô lập kim loại, trong khi tầng cát và sỏi có thể được thay sau mỗi 5 hay 10 năm.

Loại bể lọc này có tên là wetland, trước đây đã dùng xử lý nước thải nhà máy ở giai đoạn cuối trước khi cho chảy ra sông. Người ta chọn lựa loài cây thích hợp với nhu cầu lọc của từng nhà máy. Rất tiếc đến nay nhiều nhà máy công nghiệp nước ta, đặc biệt trong ngành chế biến thủy sản, đã không bố trí bể lọc loại này: nước bẩn chỉ được xử lý cấp một cho hết cặn bã rồi đổ ra sông, mang theo độc chất, các mùi hôi thối và các mầm bệnh!

Gần đây một kỹ thuật môi trường mới gọi là thảm nổi (floating reed bed) được dùng xử lý các sông rạch bị ô nhiễm quá nặng. Người ta tạo bộ thảm rễ bằng cách đem trồng các loài cây có khả năng khử trừ ô nhiễm như sậy, cỏ nến, cỏ năn, cỏ bàng hay lục bình trong khung bè nổi có kích thước đều đặn (2 m x 2 m) gọi là tế bào. Để xử lý nước người ta kéo nổi một số tế bào đến lắp đặt nơi vùng ô nhiễm và lưu lại đó đủ lâu để nước trong trở lại. Phần rễ vươn ra trong nước hoạt động như một nhà máy, thúc đẩy các chất lơ lửng mau lắng xuống đáy, cải thiện chỉ số BOD, loại bỏ amoni, và hấp thụ các kim loại nặng cùng chất độc hại.

HOÀNG XUÂN PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảm rễ thực vật khử nước nhiễm độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO