Thẩm định sách giáo khoa lớp 6

N. HOA| 24/07/2020 07:32

KHPTO - Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức tập huấn cho gần 190 ứng viên hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 6. Các ứng viên gồm: nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học/ hoạt động giáo dục cấp trung học cơ sở có kinh nghiệm, uy tín.

Các ứng viên được ban tổ chức cung cấp thông tin những điểm mới, điểm cần chú ý trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các vấn đề về dân tộc, chống định kiến giới trong sách giáo khoa (SGK). Đồng thời, ứng viên được giới thiệu cụ thể các chỉ báo trong thẩm định SGK; hướng dẫn chi tiết một số nhiệm vụ của hội đồng quốc gia thẩm định SGK; quy trình thẩm định; cách tổ chức và hoạt động của hội đồng theo quy định trong Thông tư 33.

Thông tư 33 đưa ra 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí, Bộ GD&ĐT đã cụ thể thành 40 chỉ báo để thẩm định SGK. Từ tài liệu khung, áp dụng cho tất cả các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 này, ứng viên tham gia tập huấn sẽ thảo luận nhóm theo từng môn học, thảo luận chung để thống nhất cách hiểu, cách tiếp cận khi đánh giá SGK. Từng môn học cụ thể sẽ xây dựng hệ thống minh chứng cần đạt làm căn cứ thẩm định.

Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, thời gian qua, ngành giáo dục đào tạo đã nỗ lực thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT. Theo đó, nhiệm vụ rất quan trọng là tạo chuyển biến căn bản, hiệu quả GDPT, góp phần chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.

SGK triển khai chương trình GDPT, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình GDPT về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh. SGK định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Nội dung và hình thức SGK không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội... Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 33 và chương trình GDPT tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; các nhà xuất bản đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức biên soạn SGK. Từ kết quả thẩm định của hội đồng quốc gia thẩm định SGK, 46 bộ SGK lớp 1 của đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đã được bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở GDPT, kịp tiến độ triển khai chương trình GDPT.

“Giờ chúng ta phải chuẩn bị tiếp SGK cho lớp 2 và lớp 6 để phê duyệt, lựa chọn, in ấn, phát hành kịp tiến độ áp dụng chương trình GDPT mới cho hai lớp học này vào năm học 2021 - 2022”, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Hiện nay, các tổ chức cá nhân đã cơ bản hoàn thiện bản mẫu SGK lớp 6. Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và tổ chức thực hiện công việc này. Chất lượng thành viên hội đồng quyết định quan trọng chất lượng hoạt động thẩm định SGK, theo đó là chất lượng các SGK. Do đó, việc tổ chức tập huấn cho ứng viên hội đồng hiểu rõ các nội dung, quy định, tiêu chí... trong thẩm định SGK là vô cùng cần thiết.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng thẩm định SGK, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý thành viên hội đồng cần làm tốt một số việc. Cụ thể, thành viên cần nắm chắc từ nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT tổng thể, chương trình môn học và hoạt động giáo dục mình tham gia thẩm định để đánh giá được SGK nào cụ thể hóa được chương trình GDPT. Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định, quy trình thẩm định SGK theo Thông tư 33 và các luật khác có liên quan, cũng cần hiểu rõ để thực hiện đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm định sách giáo khoa lớp 6
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO