Tập trung xây dựng thương hiệu nông sản Việt

ĐỨC ANH| 21/07/2019 15:52

KHPTO - TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, người đồng hành cùng nhiều chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam cho biết, sở dĩ việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt chưa thành công như ý muốn bắt đầu từ vấn đề sản xuất.

Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không đồng bộ thời gian, sản phẩm không đồng nhất, chưa đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, rồi bảo quản sau thu hoạch, đóng gói… nên để bắt tay xây dựng thương hiệu còn khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta chưa chú ý xây dựng thương hiệu, chưa có đội ngũ làm thương hiệu tốt cho nông sản Việt cũng như chính sách cho lĩnh vực này.

Thương hiệu xuất phát từ chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, từ đó xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu và giữ uy tín cho thương hiệu đó. Theo thời gian, chúng ta sẽ có thương hiệu được khách hàng tin dùng. Hiện phong trào xây dựng thương hiệu cho nông sản bùng phát, nhất là các chương trình khởi nghiệp, bước đầu tạo được niềm tin người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc gia, thương hiệu nông sản Việt trên trường thế giới còn yếu kém.

Nếu xét về sản lượng, nông sản của Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia sản xuất nông nghiệp nào. Việt Nam luôn đứng top đầu thế giới về xuất khẩu gạo, trà, hồ tiêu, điều, cao su... nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu nên ít người tiêu dùng biết đến, dẫn tới giá trị thu về thấp. Nông sản Việt xuất dưới dạng thô cho nước ngoài, từ đó họ chế biến và đóng gói dưới nhãn hiệu của họ. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng, thiếu chiến lược trong việc xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu trên thế giới.

Ngành gạo Việt Nam, dù xuất khẩu đứng nhì và ba thế giới nhưng mãi đến nay vẫn chưa có thương hiệu xứng tầm. Dù Việt Nam xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, gạo Việt Nam có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, thế nhưng các sản phẩm gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng tại các nước biết đến hay ghi nhận thương hiệu cho gạo Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan nổi tiếng với thương hiệu gạo thơm Hom Mali, Campuchia dù đi sau nhưng thương hiệu gạo Phka Romdoul của nước này đã được nhiều nước trên thế giới biết đến và nằm trong top thương hiệu gạo ngon nhất thế giới. Tương tự đối với mặt hàng trà, dù xuất khẩu nằm trong top đầu thế giới vẫn xuất dưới dạng thô hoặc mang thương hiệu nước ngoài. Mặt hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu cũng không chú ý thương hiệu, nhất là trái cây có lượng xuất khẩu lớn như thanh long, chuối, khóm, xoài….

Nhiều nông sản Việt Nam sau khi xuất đi được các công ty nước ngoài đóng gói, bao bì theo nhãn mác riêng của họ hoặc sau khi nhập về, thương hiệu Việt bị lờ đi bằng cách dán nhãn cả đơn vị nhập khẩu. Nhiều thương hiệu Việt đang bị đăng ký sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài như câu chuyện cà phê Buôn Ma Thuột nhưng nhãn hiệu lại bị đăng ký bởi công ty ở Quảng Châu (Trung Quốc), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng nhà sản xuất lại từ Hồng Kông (Trung Quốc), hay phở Việt Nam hiện bán rất chạy ở Mỹ nhưng lại "made in Thái Lan”…

Những thương hiệu trà Thái Nguyên, vải thiều Lục Ngạn, bưởi da xanh Bến Tre, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, xoài cát Hòa Lộc… từng bước xâm nhập thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng cần được ổn định, nâng cao uy tín hướng đến giữ vững thương hiệu là rất cần thiết. Để bắt tay xây dựng thương hiệu nông sản, điều cần thiết là xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, gắn với xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhằm góp phần củng cố cho thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung xây dựng thương hiệu nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO