Tăng cường quản lý thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm

THÀNH CÔNG| 09/04/2015 09:13

Kể từ ngày 11/5/2015, cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân có hoạt động trực tiếp hoặc có liên quan đến nhập khẩu, kinh doanh thủy sản sống dùng làm thực phẩm phải thực hiện các quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BNNPTNT ngày 10/3/2015 của Bộ NN và PTNT.

Thông tư cũng nêu rõ có 2 phương pháp đánh giá rủi ro, thứ nhất là đánh giá theo phương pháp chuyên gia, là phương pháp thu thập và xử lý những đánh giá dự báo bằng cách tập hợp và hỏi ý kiến các chuyên gia, qua đó đưa ra những kết luận khách quan về đối tượng thủy sản sống nhập khẩu làm thực phẩm. Phương pháp thứ hai là đánh giá dựa vào hồ sơ do tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá rủi ro cung cấp về đặc điểm sinh trưởng, sinh sản, tập tính sống, tính ăn và bệnh thường gặp trên đối tượng được đánh giá so với các tài liệu về đặc điểm sinh học của đối tượng đánh giá rủi ro đã được công bố rộng rãi.

Về yêu cầu quản lý chung, các hoạt động nhập khẩu, kinh doanh thủy sản sống dùng làm thực phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, xử lý và khắc phục rủi ro trong Kế hoạch quản lý giám sát hàng nhập khẩu được Tổng cục thủy sản phê duyệt. Trường hợp xảy ra rủi ro trong các hoạt động nhập khẩu, kinh doanh thủy sản sống, dẫn tới loài thủy sản của lô hàng nhập khẩu có khả năng trở thành vật dữ, xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại, cơ sở nhập khẩu, vận chuyển, bảo quản, lưu giữ, chế biến, tiêu thụ lô hàng phải kịp thời báo cáo cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương và Tổng cục thủy sản để có biện pháp xử lý. Nếu phát hiện việc xâm hại hoặc nguy cơ xâm hại ở các quốc gia khác trên đối tượng thủy sản sống dùng làm thực phẩm đã được cấp phép nhập khẩu, cơ sở đăng ký nhập khẩu có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương và Tổng cục thủy sản để có biện pháp xử lý báo cáo Bộ NN và PTNT.

Cụ thể, thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm phải được vận chuyển, lưu giữ cách ly, bảo quản, chế biến, tiêu thụ trong điều kiện phù hợp với từng đối tượng thủy sản sống và không để thất thoát ra ngoài môi trường. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân nhập khẩu có trách nhiệm kiểm tra, kiểm kê định kỳ và kết quả phải được lưu giữ trong hồ sơ ghi chép của cơ sở; không được gây nuôi, phát tán thủy sản sống dùng làm thực phẩm ra môi trường tự nhiên và môi trường nuôi trồng thủy sản. Trường hợp xảy ra thất thoát trong quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, tổ chức, cá nhân phải triển khai ngay các biện pháp để thu hồi tất cả số lượng thủy sản sống bị thất thoát và xử lý bằng biện pháp phù hợp, đồng thời chậm nhất trong vòng 2 ngày làm việc phải báo cáo cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương và Tổng cục thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý thủy sản sống nhập khẩu dùng làm thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO