Nông nghiệp Israel: Bài học cần ứng dụng

Nguyễn Minh Hải, TP.HCM| 24/02/2023 14:50

Nhiều người quen thuộc tên Israel vì quốc gia này là một trong những nơi thường xảy ra bạo lực do các cuộc xung đột với người Palestine. Thế nhưng Israel hiện là nước có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới.

“Thung lũng Silicon” của thế giới trong nông nghiệp

Israel là một nước nhỏ nằm ở khu vực Trung Đông, trên bờ nam của Địa Trung Hải và bờ bắc của biển Đỏ. Nhưng có lẽ không nhiều người biết, Israel hiện là nền kinh tế thứ 17 thế giới và là nước có nền nông nghiệp phát triển bậc nhất thế giới. Nước này chỉ rộng hơn 20.700km2, dân số chưa đầy 9 triệu người, lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước.

Chỉ với 2,6% trong tổng 2,7 triệu lao động làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD nông sản và nông nghiệp chiếm 2,8% GDP (khoảng 7,6 tỷ USD). Những sản phẩm rau quả từ Arava - một trong những nơi khô cằn nhất thế giới - chiếm tới trên 60% tổng sản lượng xuất khẩu rau của Israel và 10% tổng sản lượng hoa xuất khẩu. “Thiên đường nông nghiệp” tại Arava gắn liền với một kỳ công: bể chứa nước khổng lồ Shizaf có khả năng dự trữ 150.000m3 nước sạch, vừa cấp nước sạch cho sinh hoạt và tưới tiêu. Bể có hệ thống cung cấp nước từ các giếng khoan có độ sâu đến 1,5km và có khả năng chống bốc hơi.

Từ những đặc điểm dưới đây, ta càng thấy rõ sự quản lý ngành nông nghiệp của Israel hiệu quả đến như thế nào: đất đai phần lớn là sa mạc và núi đá; không có nguồn nước phong phú (hiện nước sinh hoạt chủ yếu được lấy từ sông Jordan và từ biển); nước tưới nông nghiệp lấy từ 75% nước thải sinh hoạt và nước mưa được trữ lại để tái sử dụng; lượng mưa trung bình vào khoảng 500mm/năm (lượng mưa trung bình năm của Việt Nam là 1.500 đến 2.000mm); nhiệt độ nhiều khi đến 450C.

Tối ưu hóa nguồn nước và phương pháp quản lý

Yếu tố quan trọng của nông nghiệp nước này là sử dụng nguồn nước có hiệu quả. Hiện nay, hệ thống tưới tự động nhỏ giọt của Israel được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao, là phương pháp tưới rất tiết kiệm nước mà vẫn đảm bảo cây trồng phát triển tốt. Gần như không bỏ phí một giọt nước nào, 75% hệ thống nước sử dụng trong nông nghiệp của Israel áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, 25% còn lại tưới nước bằng ống dẫn và vòi tưới các loại phun mưa nhỏ, không có chế độ tưới ngập nước.

Gần như không bỏ phí một giọt nước nào, 75% hệ thống nước sử dụng trong nông nghiệp của Israel áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, 25% còn lại tưới nước bằng ống dẫn và vòi tưới các loại phun mưa nhỏ. Ảnh minh họa

Israel cũng phát minh ra hệ thống tưới nước nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính, kết hợp với các thiết bị kiểm soát độ ẩm trong đất, có thể tính toán chính xác nhu cầu nước và tiết kiệm tối đa. Cũng nên nói thêm rằng, nước biển của Israel là biển Chết - tài sản địa lý chung của Israel và Jordan, nước biển có chất dầu và độ mặn gấp 10 lần nước biển thông thường, nên việc lọc thành nước ngọt cũng khá phức tạp và tốn kém...

Về mặt quản lý, nông nghiệp Israel được tổ chức thành các kibbutz - "tổ hợp" hay là "hợp tác xã" - vốn ra đời từ đầu thế kỷ XX, là mô hình kinh tế đặc biệt, trong đó tài sản và các phương tiện sản xuất được sở hữu chung và mọi quyết định được hội đồng các thành viên bỏ phiếu tán thành. Trong kibbutz, các thành viên có trách nhiệm và tận tụy với cộng đồng, họ được đáp ứng mọi nhu cầu từ lúc sơ sinh đến khi về già. Ngoài kibbutz, mô hình hợp tác xã ở Israel còn có các moshav, là làng nông nghiệp, trong đó mỗi một gia đình đều duy trì trang trại của mình.

Hợp tác giữa các thành viên trong moshav được áp dụng trong việc mua bán, tiếp thị và cung cấp các dịch vụ cho cộng đồng. Cả hai hình thức lao động tập thể này đều được tạo ra để hiện thực hóa giấc mơ cộng đồng nông nghiệp dựa trên bình đẳng xã hội, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau. Ngày nay, sản lượng nông nghiệp của các hợp tác xã này vẫn chiếm đa số trong sản xuất nông nghiệp, kể cả phục vụ thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Ứng dụng khoa học công nghệ rộng khắp

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ (cơ khí hóa, tự động hóa, điện tử hóa) ra đời, được áp dụng nhanh chóng và rộng rãi. Đặc biệt là các máy móc, thiết bị phục vụ trồng trọt, chống xói mòn, các máy gieo hạt, thu hoạch và các thiết bị phù hợp cho thâm canh tăng vụ, tưới tiêu… Nhiều thiết bị tự động khác cũng được sử dụng trong chăn nuôi như máy vắt sữa, máy thu hoạch trứng, cho ăn, máy phân loại sản phẩm, máy đóng gói, hệ thống kho trữ và đặc biệt là hệ thống vận tải chuyên biệt.

Những công nghệ phát triển trong nước cũng chú trọng tới việc kiểm soát bón phân tự động hóa (thông qua hệ thống máy tính), có thể bón phân qua nước tưới, tạo môi trường trong lành cho trồng hoa, các thực phẩm trái mùa… Ảnh minh họa

Những công nghệ phát triển trong nước cũng chú trọng tới việc kiểm soát bón phân tự động hóa (thông qua hệ thống máy tính), có thể bón phân qua nước tưới, tạo môi trường trong lành cho trồng hoa, các thực phẩm trái mùa… Nhờ vậy, năm 1950, một nông dân Israel cung cấp thực phẩm đủ cho 17 người, hiện đã là hơn 90 người. Một hecta đất hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ; một con bò cho tới 11 tấn sữa/năm - mức năng suất cao bậc nhất thế giới.

Bài học cần được ứng dụng

Bài học quản lý nông nghiệp đó xem ra vẫn là một bài học lớn mà không phải ngày một ngày hai để bất kỳ nước nào có thể học được! Đối với Việt Nam, bài học về tổ chức nông nghiệp của Israel cần được quan tâm ứng dụng.

Đó là tổ chức các mô hình hợp tác từ cơ sở. Ở nước ta, việc hợp tác trong sản xuất nông nghiệp phải được quan tâm nhiều hơn nữa, ngay từ cơ sở, với thành tố là các hộ gia đình.

Đó là các tổ hợp, các nhóm, các câu lạc bộ, các hợp tác xã… với các thành viên là những hộ gia đình sản xuất cùng mặt hàng hoặc các mặt hàng có liên quan, để giúp đỡ lẫn nhau, phối hợp thay vì cạnh tranh với nhau, cả trong sản xuất, tiêu thụ; những điều này có thể thực hiện tại TP.HCM. Chẳng hạn, trong sản xuất, sự phối hợp để xác định ở một thời điểm nhất định sẽ sản xuất loại nông sản gì, sản lượng bao nhiêu, chất lượng thế nào… Chính sự phối hợp đó sẽ tạo nên sự gắn kết bền chặt để có thể tiến hành sản xuất quy mô lớn dần lên và ít lệ thuộc vào các yếu tố khách quan.

Cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp là một đòi hỏi tất yếu trong tiến trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiến kịp với nông nghiệp thế giới. Ảnh minh họa

Đó là thực hiện cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cơ khí hóa là một đòi hỏi tất yếu trong tiến trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiến kịp với nông nghiệp thế giới. Việc đầu tư cơ khí hóa phải có sự phối hợp giữa nhà nước và nông dân; nhà nước hỗ trợ vốn, tổ chức hướng dẫn sản xuất hoặc nhập khẩu, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng…; nông dân cần xác định rõ điều kiện của mình (vốn, quy mô sản xuất, khả năng sử dụng…), nhu cầu của thị trường để chọn hình thức phù hợp. Đặc biệt, với nền nông nghiệp đô thị và đang từng bước ứng dụng công nghệ cao, TP.HCM cần phải quan tâm nhiều hơn đến cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp. Sau cơ khí hóa phải đẩy mạnh điện tử hóa.

Đó là triệt để sử dụng nước tưới có hiệu quả. Việc sử dụng nước tưới trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay chưa hợp lý, kém hiệu quả, nếu không muốn nói là rất lãng phí. Trong điều kiện hiện tại, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa có vẻ gì là khan hiếm, nhưng nếu không thực hiện việc tiết kiệm nước thì mươi năm nữa, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Do đó, trong quá trình cơ khí hóa phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng các thiết bị hiện đại nhằm sử dụng nước tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn. Chẳng hạn, ở các vườn lan tại TP.HCM, cần sử dụng đại trà hình thức tưới phun sương theo nhu cầu từng thời điểm của lan và theo nhiệt độ, độ ẩm…, chứ không phải tưới theo định kỳ.

Bài học về tổ chức nông nghiệp của Israel có thể khó áp dụng rộng rãi cho nông nghiệp cả nước vốn điều kiện có nhiều khác biệt, nhưng riêng với TP.HCM lại có nhiều điểm tương đồng, nên việc vận dụng cần được nghiên cứu thấu đáo và sớm thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp Israel: Bài học cần ứng dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO