Sức xuân trong trò diễn bài chòi

VŨ HÀO| 25/06/2019 22:29

KHPTO - Tháng 12/2017, nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam - một hình thức biến chuyển đã được Đại hội đồng UNESCO nhóm họp tại Hàn Quốc công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại. Theo nhiều nghiên cứu, loại hình nghệ thuật này xuất phát từ những trò chơi dân gian độc đáo, để giải trí mỗi dịp xuân về, tết đến.

Nghệ thuật trò chơi dân gian

Tên gọi bài tới lấy từ tiếng gọi “kết quả” của người thắng ván bài thường nói “tới rồi, tới rồi”; đây là bộ bài gồm có 30 cặp quân (con bài), 6 người chơi được chia làm hai đội, mỗi người được chia 10 quân bài. Các quân bài (từng cặp) sẽ được người đánh (tiếng Huế thường gọi là đi) đọc tên, người nào có quân bài như thế sẽ nối tiếp nhau đi quân bài mới, người nào hết bài trước là tới (thắng). Ván bài tới của những người cao tuổi trước khi đánh quân bài nào, bắt buộc người chơi phải hò vài câu ca dao đối đáp để người chơi đối diện bắt quân bài nhận dạng được; như nghe câu “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không rời” là quân bài “con trò”. Các quân bài màu đỏ đặc biệt như tử, ầm, mỏ, người chơi không được đánh sau, bắt buộc phải đánh ra trước các quân bài khác. Tùy theo số người, bộ bài tới còn dùng để chơi các loại bài khác như bài ghế, bài thai, bài nọc (nhiều người), bài phu, bài đôi (hai người).

Hiện nay, ở làng Địa Linh (xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế) chỉ còn duy nhất gia đình bà Ngô Thị Bê (tức Tuyết) là còn lưu giữ bản khắc gỗ để sản xuất bài tới. Cuối năm 2018, gặp tôi, bà Ngô Thị Bê (năm nay 68 tuổi) cho biết: “Gia đình đã làm bài tới bán dịp tết từ xa xưa, lúc bà chưa ra đời. Bộ mộc bản bà đang sử dụng để in các quân bài là do ông nội bà để lại”. Mỗi quân bài tới có một bài vè nói lên ý nghĩa của nó nhưng đến nay đã thất truyền. Thú vị nhất của trò chơi bài tới là người chơi sẽ hò đối đáp (theo điệu hò giã gạo miền Trung) thông qua các quân bài. Hàng năm, gia đình bà Bê sản xuất hơn 10 ngàn bộ bài cung cấp cho người dân các tỉnh miền Trung mua dùng dịp tết.

Xem bà Bê làm, tôi thấy ban đầu những bản giấy in (chứa được 15 con bài) được cắt nhỏ cho khớp với mộc bản, dùng mực xạ đổ vào mộc bản rồi tra giấy vào khuôn. Mặt sau của quân bài được dán giấy họa tiết đỏ để trang trí, quân bài tới được in trên 2 khuôn. Mỗi khuôn in 15 con bài. Hai khuôn mới đủ cho 1 bộ bài 60 con. Khuôn được khắc đẽo trên gỗ cây thị để đủ độ dẻo. Mực in được chế từ muội than khói đèn. Bài được in từ giấy dó nên phải thêm công đoạn dán nhiều lớp để bài cứng rồi đem hong gió cho khô rồi mới cắt xén cho ra bộ. Trong những tháng cuối năm như thế này, trung bình mỗi ngày bà làm được 100 bộ bài tới để bỏ sỉ cho các chợ và ai có nhu cầu tìm đến mua lẻ. Mỗi bộ bài tới có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng, tùy theo độ dày mỏng của giấy.

Bộ bài tới ở Huế gồm có ba pho: văn, vạn, sách và ba cặp yêu. Pho văn gồm các quân bài: gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn có các quân bài: học trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bông, thầy. Pho sách có các quân bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp yêu là: ông ầm, thái tử, bạch tuyết. Các quân bài được in trên giấy bản bồi cứng dài 12 cm, rộng 3 cm, bìa lưng màu đỏ. Tên gọi và hình vẽ các quân bài rất trừu tượng, in bằng kỹ thuật in mộc bản thô sơ.

Bài tới là một trò chơi dân gian độc đáo, để giải trí khi xuân về tết đến. Hết ba ngày tết là đốt bỏ, tết sau mua dùng bộ bài mới; theo phong tục nếu giữ lại bộ bài cũ trong nhà, công việc làm ăn sẽ trì trệ, không đổi mới. Vì thế, bài tới gieo một ấn tượng sâu sắc, một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với tâm hồn người Việt; trong chợ quê xuất hiện hàng bán bài tới là mọi người biết tết Nguyên đán sắp về.

Bài chòi mùa xuân

Chơi bài chòi cũng sử dụng bộ bài tới; nhưng các quân bài được dán lên cái thẻ tre cắt mỏng và dài, hình dạng tương tự như cái mái chèo thu nhỏ. Bài chòi theo nghĩa đen là người đánh bài ngồi trong chòi. Ngày xưa ở miền Trung, bài tới được mọi lứa tuổi ưa thích; tết đến, khi phải lên nương rẫy canh giữ cọp, heo rừng về phá hoại, người ta không quên đem theo bộ bài tới, chơi giải trí, giết thời gian. Họ đều ngồi trên chòi cao để tránh thú dữ, chỉ chọn một người nhanh tay, lẹ miệng vừa phân chia quân bài, vừa rao, hò ván bài. Bây giờ trong bài chòi gọi là người “chạy hiệu”. Bài chòi phổ biến ở miền Trung trong những ngày tết. Mỗi nơi có một lối chơi riêng, bài chòi Huế có điểm khác biệt, so với lối chơi bài chòi ở Bình Định và Quảng Nam. Sự khác biệt thể hiện ở câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một ván bài. Cơ bản trò chơi bài chòi dựa trên bộ bài tới, cũng 30 cặp quân bài. Khi người chơi thắng ván bài, cũng nói lớn: Tôi “tới rồi”.

Ở Huế, trong tháng chạp, các vị bô lão thường chọn trong làng một nơi trung tâm, cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát; thường là sân chợ quê, sân đình... Ngày cuối năm, trai tráng sẽ dựng lên nơi đó 11 cái chòi nhỏ (có sàn cách mặt đất), vuông vức khoảng 1 mét vuông/chòi, cột bằng tre mái lợp tranh. Chính giữa là chòi lớn nhất dành cho những người tổ chức cuộc chơi, gọi là chòi trung ương. Hai bên 10 chòi nhỏ, chia ra tả hữu 5 chòi, là nơi ngồi của người tham dự cuộc chơi. Mở đầu cuộc chơi, một người giữ chân chạy cờ, thường gọi là “chạy hiệu” đánh một hồi trống, mời các người chơi lên chòi. Bài chòi dùng bộ bài tới gồm 56 quân bài (không sử dụng hai cặp bạch tuyết và nọc đượng), mỗi quân bài tới được dán vào thẻ tre cứng cáp. Mỗi chòi, kể cả chòi trung ương, đều được phát 5 thẻ, còn 1 thẻ để cho anh chạy hiệu “đi chợ” hô lớn: “Hai bên lẳng lặng mà nghe con bài đi chợ là con...”. Chòi nào có quân bài thứ 2 trùng với tên quân bài đi chợ thì trả lời “có” lấy ra đưa kèm 1 quân bài khác. Cứ chơi như thế, đến khi có người gõ lên cái mõ tre treo ở chòi mình, miệng hô lớn: “Tôi tới rồi! tới rồi!”. Bài chòi chơi tất cả 10 ván/hội; những người xem đều có thể tham gia. Cũng giống như bài tới, bài chòi chỉ được tổ chức trong khoảng một tuần, khi hạ cây nêu là chấm dứt.

Ngày nay, nhiều làng cổ như Dương Nổ, Mậu Tài, An Truyền, Dạ Lê, Truồi, Hương Cần, Thủ Lễ, Phước Tích ở Thừa Thiên Huế thường tổ chức chơi bài chòi dịp tết Nguyên đán. Nổi tiếng nhất, thu hút đông đảo du khách là bài chòi chợ quê “Cầu ngói Thanh Toàn” thuộc xã Thủy Thanh, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

ANH_1_ba_Ngo_Thi_Be

Bà Ngô Thị Bê là người duy nhất sản xuất bài tới ở Thừa Thiên Huế.

ANH_2_In_moc_ban

In mộc bản xong, đến cắt xén, tô bồi giấy cứng và sau cùng đóng bộ bài tới.

ANH_6_bo_bai_toi_duoc_in_lua_dep_hon_ngay_xua

Các quân bài đặc biệt, đẹp mắt.

HAT_BAI_CHI_O_QUANG_NAM

Hát bài chòi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức xuân trong trò diễn bài chòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO