Sự thật về việc trẻ bú ngón tay

ĐAN LY (Theo NYT)| 01/11/2016 19:18

(KHPT) Y học đã biết được rằng trẻ mút ngón tay cái ngay từ khi còn trong bụng mẹ nhiều tuần trước khi sinh ra đời.

Nhưng khi thấy trẻ bốn, năm, thậm chí đến mười tuổi mà vẫn còn mút ngón tay thì phần lớn cha mẹ ai cũng đều lo ngại, lo ngại về mọi thứ, từ cái nhìn của xã hội cho đến các vấn đề về vi khuẩn có hại…

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, thói quen mút ngón tay ở trẻ em lứa tuổi 5 - 11 thực sự có thể tăng tiếp xúc với vi khuẩn, nhưng điều đó không phải là hoàn toàn có hại. Theo tác giả Stephanie Lynch tại Trường Y khoa Dunedin, New Zealand, những trẻ em thường có thói quen mút ngón tay, sau này khi lớn lên sẽ ít bị các chứng dị ứng về da. Stephanie Lynch đã có ý tưởng nghiên cứu tìm ra mối liên hệ giữa việc mút ngón tay và sự mẫn cảm với dị ứng.

Để thực hiện công trình nghiên cứu, Stephanie Lynch đã khảo sát và thống kê 1.037 trẻ em sinh năm 1972 tại Dunedin, một thành phố thuộc miền duyên hải của New Zealand, và theo dõi đến tận bốn mươi năm sau. Kiểm tra các em ở các độ tuổi 5, 7, 9, 11 và 13 về việc có tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng thông thường như bụi bặm, cỏ, lông mèo, chó, ngựa… thấy 31 % trẻ em có thói quen thường xuyên mút ngón tay hay cắn móng tay hoặc cả hai. Và 31 % trẻ em này, cho đến tận độ tuổi 32, vẫn ít bị các bệnh dị ứng về da hơn những em không có thói quen này.

Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, có một mối liên hệ giữa các chứng dị ứng về da (thực ra đây là sự khởi động của hệ thống miễn dịch cơ thể chịu trách nhiệm về eczema, hen suyễn, dị ứng…) và sự thiếu tiếp xúc ban đầu với các thế giới vi khuẩn khác nhau trong cuộc sống. Chính sự tiếp xúc với thế giới vi khuẩn, đã giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ lập trình chống lại bệnh tật chớ không phải là phát triển dị ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thật về việc trẻ bú ngón tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO