Sự sinh noãn

27/06/2009 17:02

Sự phát triển của buồng trứng và sự sinh noãn hoàn toàn khác với sự phát triển của tinh hoàn và sự sinh tinh trùng. Chúng ta nên tìm hiểu rõ các hiện tượng sinh lý này để thấy được cách ngừa thai hoặc những trục trặc có thể xảy ra trong quá trình phóng noãn (rụng trứng) trong chu kỳ kinh nguyệt, sự thụ tinh, làm tổ của trứng và sự phát triển của bào thai sau này.

Từ vài triệu... còn 400 trứng

Ở đàn ông, nơi tinh hoàn, các tế bào nguyên thủy có sẵn từ trong bào thai (trước khi bé trai sinh ra), nhưng chỉ bắt đầu phát triển từ tuổi dậy thì để trở thành tinh nguyên bào gốc và các giai đoạn khác trong dòng tinh để thành tinh trùng và tiếp tục như thế cho đến khi người đàn ông qua đời không kể là bao nhiêu tuổi. Ngược lại, ở buồng trứng, các tế bào nguyên thủy ngay từ trong bào thai ở trong bụng mẹ, đã phân chia thành noãn nguyên bào gốc rồi thành noãn bào cấp I (tương ứng với tinh bào cấp I). Số noãn bào cấp I ở buồng trứng, trước khi bé gái được sinh ra đời nhiều vô kể, nhưng cuối cùng chúng bị giảm đi rất nhiều và tuyệt nhiên sau khi bé gái sinh ra đời, buồng trứng của bé gái không còn những noãn bào gốc (tế bào nguyên thủy) nào để có thể sinh thêm được những noãn bào cấp I nữa (hình 2 trong bài “Sự sinh tinh trùng”, xem Chuyên đề Sức khỏe số 178).

Người ta ước lượng vào tháng thứ 5 của bào thai, số noãn bào cấp I của hai buồng trứng có đến 6 triệu rưỡi.Thế nhưng đến khi sinh ra, bé gái chỉ còn độ 2 triệu và đến tuổi dậy thì số noãn bào cấp I ấy tiếp tục bị hủy, chỉ còn độ trên dưới 400 cái có thể phát triển đến phóng noãn (rụng trứng) mà thôi. Thế nhưng cũng may là từ nay cho đến tuổi mãn kinh không phải tất cả số noãn nhỏ nhoi này đều cho thành bào thai!

<_st13a_place>Chu kỳ sinh noãn

Từ tuổi dậy thì trở đi, mỗi tháng, dưới tác động của kích thích tố tuyến yên FSH (follicle-stimulating hormon), có một số noãn bào cấp I nói trên phát triển, lớn lên, nhưng chỉ có một noãn trội nhất trở thành nang Graaf. Nang Graaf lớn dần, nó tiết ra kích thích tố nữ oestrogen làm niêm mạc tử cung tăng sinh, dày lên.Giai đoạn này được chia thành 2 thời kỳ: “thời kỳ khô”: từ ngày sạch kinh đến 3 - 4 ngày sau, tử cung, âm đạo và cửa mình khô ráo và “thời kỳ ẩm”, từ đấy đến ngày rụng trứng: các tuyến ở âm đạo, tử cung nhất là ở cổ tử cung tiết ra chất nhờn deo dẻo, rịn ra khiến cửa mình hơi ẩm hoặc chảy ra chút đỉnh chất nhờn deo dẻo, trong trong như lòng trắng trứng, không hôi mà người ta gọi là “huyết trắng sinh lý” (tự nhiên chứ không phải là bệnh). Huyết trắng sinh lý này càng đến gần ngày rụng trứng càng nhiều và càng lỏng ra, đến ngày rụng trứng là nhiều nhất. Nhưng khi trứng đã rụng rồi thì dịch nhờn này đặc dần lại và 24 giờ sau là không còn nữa (chuyển sang thời kỳ khô thứ hai, cho tới khi đường kinh xuất hiện). Trong thời kỳ ẩm, nang Graaf tăng trưởng nhanh dần, mọng nước hết mức rồi vỡ ra, phóng thích noãn bào cấp II (cũng gọi là noãn hay trứng). Đó là sự rụng trứng. Liền khi đó nang Graaf (còn lại) nhiễm mỡ, biến thành hoàng thể là tuyến nội tiết sản xuất ra kích thích tố progesteron làm cho tử cung tăng sinh (để nếu có sự thụ tinh, sẵn sàng đón trứng thụ tinh di chuyển về làm tổ, biến thành bào thai sau này). Chính progesteron cũng làm thân nhiệt tăng lên từ khi trứng rụng cho đến cuối chu kỳ kinh nguyệt (hình 2, xem lại bài “Ngày rụng trứng”, Chuyên đề Sức khỏe số 160).

Khi trứng (noãn) rụng, liền được loa vòi trứng hứng lấy để di chuyển theo ống dẫn trứng lần về tử cung (xem hình). Sự di chuyển của trứng là do các lông chuyển ở mặt trong ống dẫn trứng lùa về phía tử cung một cách nhịp nhàng cùng với sự co thắt của ống này. Nếu không gặp tinh trùng (không có sự thụ tinh) thì 24 giờ sau khi rụng, noãn sẽ bị thoái hóa, mất khả năng thụ tinh và 14 ngày sau khi trứng rụng, hoàng thể thoái hóa không còn tiết progesteron nữa (xem hình) nên niêm mạc tử cung bị sụp đổ, tróc ra thành máu kinh. Đó là sự hành kinh. <_st13a_place>Chu kỳ sinh noãn này cũng chính là chu kỳ kinh nguyệt xảy ra hàng tháng ở người phụ nữ. Nếu có sự thụ thai ở ngày rụng trứng thì chính trứng thụ tinh ngăn cản không cho sự sinh noãn tiếp tục.

Trong bài “Sự sinh tinh trùng” ở số kế trước, chúng ta đã thấy sự sinh sản của đàn ông có tính cách liên tục, nghĩa là ngày nào cũng có tinh trùng mới được sinh ra nên kể từ khi dậy thì, lúc nào người đàn ông cũng có thể gây thụ thai được. Ngược lại, sự sinh sản ở phụ nữ có tính cách gián đoạn, nghĩa là, trong mỗi chu kỳ (mỗi tháng) chỉ có một ngày có thể thụ thai được mà thôi, đó là ngày rụng trứng. Hiểu biết về điều này rất quan trọng trong việc sinh con hay không sinh con theo ý muốn sau này (xem lại Chuyên đề số 160 và 177).

Về tuổi của noãn (trứng) cũng khác với tinh trùng. Nếu ở người đàn ông lúc nào cũng có tinh trùng trẻ khỏe mới sinh ra (phát triển từ tinh bào cấp I đến tinh trùng chỉ độ 4 tuần), thì tuổi của noãn (trứng) lúc được phóng ra (khi rụng trứng) có cùng tuổi với người phụ nữ lúc đó. Thí dụ ở chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tuổi dậy thì, tuổi của trứng cùng tuổi với tuổi của cô gái, nghĩa là 13 - 15 tuổi, thì ở tuổi 35 khi trứng rụng, trứng ấy đã được 35 năm tuổi rồi... Chính vì thế mà nếu có con trễ, nhất là sau 35 tuổi, vì trứng đã già cỗi, dễ bị trục trặc khi gián phân giảm nhiễm lúc rụng trứng, nên khả năng cho ra đứa con lành mạnh bị giảm đi rất nhiều (dễ bị dị tật bẩm sinh).

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh noãn: sức khỏe của người phụ nữ, môi trường sống và thuốc ngừa thai…

Trong quá trình sinh noãn, bạn đọc có nhiều thắc mắc về các điểm sau:

<_st13a_place>Chu kỳ kinh nguyệt không đều có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và sắc đẹp không?

Ta biết rằng trong chu kỳ sinh noãn, khi nang De Graaf bắt đầu phát triển, nó tiết ra kích thích tố nữ estradiol ngày càng tăng dần và cao nhất vào ngày trước khi trứng rụng và khi trứng rụng, nó giảm xuống vài ngày rồi lại tăng lên lại nhờ hoàng thể cũng tiết ra chất này nên đường biểu diễn estradiol (E2 trong sơ đồ) tăng lên đỉnh thứ nhì vài ngày trước khi đường kinh xuất hiện. Nang De Graaf cũng tiết ra kích thích tố nữ progesteron (đường P trong sơ đồ) nhưng chỉ khi hoàng thể phát triển mạnh mới tiết được nhiều mà đỉnh cao nhất là những ngày cuối chu kỳ. Estradiol là kích thích tố nữ tạo nên “bề ngang” và làm tích mỡ tạo nên những đường cong tuyệt mỹ nữ giới. Progesteron là kích thích tố nữ làm phát triển nhũ hoa và niêm mạc tử cung. Người ta nói không ngoa rằng estradiol và progesteron là hai chiếc đũa thần đã biến người thiếu nữ roi roi mảnh khảnh mà bề ngoài không khác con trai bao nhiêu lúc trước tuổi dậy thì, thành “cô gái” diễm kiều đầy sức sống nữ tính sau tuổi dậy thì. Điều này khẳng định rằng chu kỳ sinh noãn tức chu kỳ kinh nguyệt có ý nghĩa quyết định đối với sức khỏe và sắc đẹp của phụ nữ. Nghĩa là nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc bị rối loạn thì nhứt định sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sắc đẹp và hạnh phúc của phụ nữ. Tuy nhiên ta cũng nên biết rằng có rất nhiều nguyên nhân làm cho chu kỳ kinh nguyệt không đều mà ta cần được chẩn đoán đúng và điều chỉnh cơ thể cho đúng nguyên nhân đó thì kinh mới đều lại chứ không phải cứ uống đại một hiệu thuốc điều kinh nào đó là được!

(Trong một số sau, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này).

Sự thụ tinh

Khi có sự xuất tinh vào âm đạo, tinh trùng sẽ lập tức đổ xô về các đường ngách sinh dục nữ: từ âm đạo vào cổ tử cung, tử cung rồi chia làm hai ngã theo hai ống dẫn trứng. Nếu chúng gặp noãn rụng đang di chuyển về, tại vị trí 1/3 ngoài của ống dẫn trứng, thì một tinh trùng nhanh nhẹn nhất sẽ chui vào noãn, phối hợp với noãn để cho ra trứng thụ tinh. Trứng thụ tinh bắt đầu phân chia nảy nở và di chuyển dần về tử cung làm tổ và phát triển thành bào thai tại đó.

Trong sự thụ tinh ta cần lưu ý mấy điểm sau đây:

- Noãn bào cấp I tuy có thể tồn tại trong buồng trứng suốt 15, 20, 30... hay 40 năm nhưng khi đã biến thành noãn bào cấp II tức là noãn (trứng) lúc phóng noãn (rụng trứng) thì nó chỉ tồn tại và có khả năng được thụ tinh trong vòng 24 giờ mà thôi tức trong ngày trứng rụng phải gặp tinh trùng thì mới thụ tinh được.

- Tinh trùng một khi được xuất tinh vào âm đạo chúng sẽ lập tức đổ xô vào các đường ngách sinh dục nữ.Khả năng tồn tại của tinh trùng trong các đường ngách sinh dục nữ như thế có thể từ 1 đến 3 ngày, có trường hợp cá biệt đến 6 ngày. Như thế các lần sinh hoạt vợ chồng xảy ra trong vòng 3 - 4 ngày trước ngày rụng trứng và nhất là trong ngày rụng trứng đều có thể gây thụ thai.

- Noãn (hay trứng) lúc rụng mang 22 nhiễm sắc thể (NST) thường và 1 nhiễm sắc thể giới tính X. Cho nên người ta tượng trưng trứng bằng dấu hiệu X. Tinh trùng thì có hai loại: một loại mang 22 NST thường và 1 NST X (tượng trưng X) và 1 loại mang 22 NST thường và 1 NST Y (tượng trưng Y).

Nơi người đàn ông khỏe mạnh, tinh dịch của họ chứa số lượng tinh trùng X và Y gần bằng nhau. Tuy nhiên cũng có khoảng 6% đàn ông mang tinh trùng X nhiều hơn Y và khoảng 6% đàn ông mang tinh trùng Y nhiều hơn X.Điều giải thích tại sao có cặp vợ chồng sinh nhiều con trai hoặc có người sinh nhiều con gái. Người ta cũng nhận thấy những người sinh dày quá (năm một chẳng hạn) thường dễ cho những đứa con cùng phái tính với nhau hơn.

Trong đường ngách sinh dục nữ, tinh trùng Y nhỏ hơn tinh trùng X, có khuynh hướng chạy nhanh hơn tinh trùng X. Ngược lại tinh trùng X tuy di chuyển chậm hơn nhưng lại có khả năng tồn tại trong đường ngách sinh dục nữ lâu hơn Y. Những sinh hoạt vợ chồng thường xuyên quá cũng làm cho tinh dịch loãng và tinh dịch loãng chứa nhiều tinh trùng X hơn.

- Mỗi lần xuất tinh trọn vẹn, khoảng 2 - 3 cc (centimet khối) tinh dịch trong đó có từ 100 tới 350 triệu tinh trùng được bắn vào âm đạo, nhưng khi di chuyển cho đến nơi gặp trứng (1/3 ngoài của ống dẫn trứng) số lượng tinh trùng chết đi rất nhiều (đa số bị chết). Vì thế tuy chỉ cần có một tinh trùng gặp trứng là đủ nhưng người đàn ông phải có tinh dịch chứa một lượng tinh trùng tối thiểu nào đó mới có thể có con được. Theo hội nghị quốc tế về nam khoa tại Ý các nhà khoa học xác nhận là đàn ông có số lượng tinh trùng từ 100.000 đến 1.000.000/ml tinh dịch đều có thể làm vợ có thai. Tuy nhiên, thường tối thiểu cần có 60 triệu tinh trùng/ml tinh dịch mới có khả năng gây thụ thai dễ dàng. Lẽ dĩ nhiên cơ may làm thụ tinh cho trứng ở những người đàn ông này có ít hơn.Vì thế những đàn ông khó có con, cần phải để dành tinh dịch (ngưng quan hệ vợ chồng từ 7 đến 10 ngày) và phải cho xuất tinh trong ngày rụng trứng của vợ mình.

Ngược lại, nơi đa số đàn ông, khả năng gây thụ thai rất lớn vì số lượng tinh trùng của họ rất nhiều và khả năng tồn tại của tinh trùng trong đường ngách sinh dục nữ cũng rất lâu, để chờ trứng rụng. Vì thế họ phải áp dụng các biện pháp tránh thai chặt chẽ mới tránh có thai được.

Từ những điều cơ bản nêu trên về sự sinh tinh trùng, sự sinh noãn và sự thụ tinh, chúng ta sẽ biết cách để sinh con hoặc tránh thụ thai để đảm bảo hạnh phúc gia đình và góp phần kiểm soát dân số. Những hiểu biết đã nêu và những điều sẽ nêu trong những số sau sẽ giúp bạn có được hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình có một số con theo ý muốn.

BS. HOÀNG PHƯỚC

DS. DIỆU PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự sinh noãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO