Stress do chuyển từ trường quốc tế sang trường công lập

07/12/2010 13:14

H. muốn bỏ học, trong tâm trạng chán chường và mệt mỏi, không hẳn vì học kém, càng không phải là do áp lực học tập. Điều giản đơn chỉ là một số bạn bè và thầy cô giáo có định kiến về việc H. từng học ở trường quốc tế. H. bảo chỉ trong có một tuần mà không biết bao nhiêu điều xảy ra. Ngày đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm có vẻ “ép cung” khi yêu cầu H. giải trình về việc không tiếp tục học trường quốc tế mà chuyển sang trường “bình thường”. Tiếp tục đó là những lời xì xào và võ đoán của bạn bè trong lớp: chắc là vì nhà hết tiền, hay là bị đuổi học, hay là học không nổi vì dốt tiếng Anh...

Sự việc không dừng lại ở đó: hai ngày sau khi kiểm tra kiến thức môn sử đầu năm, H. lúng túng đến mức trở thành người ít điểm nhất lớp. Thế là những lời đồn đại lại được khơi dậy...

Chúng tôi yêu cầu H. chia sẻ tất cả những bức xúc của mình. H. không biết nguyên nhân vì sao mẹ phải chuyển trường cho mình. H. bảo rằng chính những lời trêu ghẹo và những suy nghĩ tiêu cực của bạn bè là nguyên nhân chính làm H. luôn cảm thấy bất ổn về tâm lý. Để giải tỏa tâm lý cho H., phải tạo sự tự tin cần thiết để hòa nhập cũng như xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực trong suy nghĩ...

Không thể không đề cập đến những khác biệt nhất định cần phải thích ứng khi chuyển trường. Ở trường quốc tế hoặc bán quốc tế thường đề cao tính độc lập của học sinh. Khi vào môi trường mới chắc chắn cần phải có sự điều chỉnh, thích nghi. Mặt khác, lượng kiến thức của học sinh từng học ở môi trường bình thường có vẻ “nhiều hơn” so với học sinh trường quốc tế, dù rằng “độ dày” của kiến thức không đo được bằng số lượng. Cũng không thể không đề cập đến những khác biệt về thói quen làm việc, học tập và sinh hoạt. Tuy vậy sự khác biệt trên không đáng kể mà chính những suy nghĩ có phần cảm tính, đặc biệt là suy nghĩ thiếu khách quan của một vài thầy cô giáo và cả bạn bè cùng lớp là nguyên nhân chính yếu có thể dẫn đến sự căng thẳng của những học sinh chuyển trường. Việc quy gán rằng năng lực kém mới phải chuyển trường hay có vấn đề về đạo đức hoặc thâm hụt về tài chính mới xa rời môi trường quốc tế... là những áp lực đích thực lên sự tải trọng về mặt tâm lý của trẻ. Cũng trên cơ sở này chắc chắn rằng không ít học sinh sẽ không thể thích ứng hay không thể “nhập” vào môi trường học mới, từ đó dẫn đến những sự căng thẳng như đã nói.

Chán học vì không thể thích nghi, có ý muốn bỏ học vì cảm thấy mình không thể tiếp tục, suy nghĩ tiêu cực là nên rời xa hoặc “tự bế” là những “điểm đến” trong tư duy khi chính mình cảm nhận được sự mệt mỏi trong quá trình học tập...

Giải quyết vấn đề cần nhất là sự chuẩn bị tâm lý đầu tiên cho trẻ. Bên cạnh đó, nhất thiết cần phải có sự điều chỉnh ngay lập tức về suy nghĩ, hành vi và thái độ cho các thầy cô giáo cũng như các học sinh trong môi trường học đường. Chính những nhà quản lý giáo dục cần thực sự quan tâm đến vấn đề này để có những tác động thích hợp nhằm đảm bảo sự thích ứng tâm lý của những học sinh chuyển môi trường học tập. Đó cũng chính là tầm nhìn và cũng chính là thái độ thực sự nhân văn trong giáo dục nhằm tạo đầy đủ những điều kiện để mỗi con người sẽ thực sự phát triển và hoàn thiện chính mình một cách tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Stress do chuyển từ trường quốc tế sang trường công lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO