Sôi động thị trường công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp

THIÊN THÀNH| 18/11/2020 11:05

KHPTO - Nông nghiệp phát triển tạo ra thị trường công nghệ sôi động, thu hút các nhà khoa học, các công ty sản xuất và cả chính người nông dân tham gia. Nhiều sản phẩm khoa học nông nghiệp hiện đại đã được đưa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Sản phẩm khoa học giúp cơ giới hóa nông nghiệp

Thiết kế, chế tạo thành công máy xới đất, PGS.TS. Nguyễn Huy Bích, khoa cơ khí công nghệ, Trường đại học nông lâm TP.HCM đã giúp ích rất nhiều cho nông dân trong việc xới đất, chăm sóc cây ăn trái… Đặc biệt là máy được thiết kế, chế tạo trong nước, với khả năng sử dụng để chăm sóc được nhiều loại cây ăn trái (như xoài, nhãn, vú sữa…).

Canh tác bằng máy xới đất đã đáp ứng tốt các yêu cầu canh tác trong nông nghiệp: dễ dàng luồn lách dưới các tán cây ăn trái; dễ quay đầu và có thể xới đất vòng quanh gốc cây với bán kính dưới 1 mét; độ sâu xới đạt trên 10 cm và tạo đất cục đáp ứng cho đặc điểm chăm sóc cây ăn trái; xới được đất cứng, ngay cả vào mùa khô.

Ưu điểm của máy là dễ vận hành, trọng lượng nhỏ, chất lượng xới tốt hơn và xới toàn mặt đồng giúp cây trồng phát triển đồng đều, giá máy thấp, phù hợp với bà con nông dân. Sử dụng máy sẽ giảm đáng kể cường độ lao động, giải quyết được tình trạng khó khăn do thiếu nhân công. Canh tác thực địa cho thấy, khi xới đất bằng máy xới, hiệu quả đạt được khá rõ, với lợi nhuận trực tiếp là 5,11 triệu đồng/ha. Thời gian thu hồi vốn ngắn: khi đầu tư máy xới đất (giá khoảng 30 triệu đồng) chỉ canh tác xới đất khoảng 6 ha là thu hồi đủ vốn.

Trong thị trường công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp còn có thể kể đến xe phun thuốc trừ sâu tự hành. Sản phẩm làm ra xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực tế của người nông dân và quay trở về phục vụ cho người nông dân, được họ chấp nhận, đó là hạnh phúc của những người làm khoa học. Quan điểm này được TS. Trần Viết Thắng, Phân viện nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa tại TP.HCM chia sẻ. TS. Trần Viết Thắng cho biết, ngay từ đầu khi thực hiện đề tài, các yêu cầu kỹ thuật thiết kế xe phun thuốc đã được nhóm nghiên cứu khảo sát thực tế, đặc biệt là dựa trên các yêu cầu và kinh nghiệm sử dụng của người nông dân. Vì vậy, các kết quả đạt được có thể áp dụng chế tạo hàng loạt cung cấp ra thị trường, mang lại lợi ích cho người sử dụng.

Xe phun thuốc trừ sâu tự hành có nhiều ưu điểm như: vận hành linh hoạt trên mọi loại hình ruộng lúa, kể cả ruộng lúa nước có bùn sụt lún, không làm nát lúa; đảm bảo năng suất phun từ 25.000 - 30.000 m2/giờ; xe hoạt động ổn định, cân bằng từ khi thuốc đầy bình chứa đến hết; có khả năng tự hành theo đường thẳng và điều khiển từ xa với bộ điều khiển có khả năng chống nhiễu điện trường từ động cơ xăng, tầm xa điều khiển 250 mét…

Mô hình trồng cây công nghệ cao.

Hệ thống sấy hồng ngoại thông minh của TS. Nguyễn Tấn Dũng, Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng là một điểm nhấn của thị trường công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công nghệ do Việt Nam làm chủ nên hoàn toàn có đủ năng lực triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất, thay thế máy móc thiết bị ngoại nhập. Sản phẩm giúp nâng cao giá trị hàng hóa nông sản sấy khô, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, giúp ổn định đầu ra và phát triển. Các thông số công nghệ được kiểm soát rất chặt chẽ (nhiệt độ môi trường sấy, vận tốc tác nhân sấy, thời gian sấy và cường độ bức xạ hồng ngoại) bằng chương trình trên máy tính, giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, độ ẩm đạt yêu cầu, kéo dài được thời gian sử dụng, đồng thời giảm tối thiểu chi phí năng lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại

Tham gia thị trường công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có các sản phẩm cơ giới hóa nông nghiệp mà còn có các mô hình, quy trình công nghệ sản xuất hiện đại. Trong đó có thể kể đến mô hình trồng cà chua bi trong nhà màng tưới nhỏ giọt của Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Quy trình được sản xuất trong nhà màng, do đó ít phụ thuộc vào thời vụ trồng, giảm sâu bệnh gây hại nên giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm an toàn cho người sử dụng, tăng giá trị sử dụng trên 1 đơn vị diện tích, giảm ô nhiễm môi trường. Phân bón được cung cấp theo hệ thống tưới giúp cây trồng dễ hấp thu. Tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Tạo sản phẩm đạt an toàn, có độ tin cậy cao đối với người tiêu dùng, tăng khả năng thâm nhập thị trường và tăng hiệu quả cạnh tranh. Lợi nhuận đem lại khi trồng cà chua bi trên giáthể, áp dụng tưới nhỏgiọt, trồng trong nhàmàng khoảng 40 - 50 triệu đồng/1.000 m2/vụ (tương đương 600 - 700 triệu đồng/ha/năm), nhờ đó giá cả và đầu ra ổn định. Mô hình bước đầu cho thấy có hiệu quả rõ rệt nên khả năng nhân rộng rất lớn. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi nhu cầu sản phẩm rau an toàn ngày càng cao. Bên cạnh đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu thì đây là mô hình rất phù hợp.

Không dừng lại ở đó, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn tham gia thị trường với mô hình thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và chế biến nấm rơm, nấm bào ngư. Mô hình giúp gia tăng thời gian bảo quản nấm, hạn chế được tỷ lệ nấm hư hỏng, tạo được nguồn sản phẩm nấm muối và nấm sấy khô đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Áp dụng được tại các hợp tác xã doanh nghiệp vừa và nhỏ trở lên, thiết bị máy móc đơn giản dễ thực hiện, có thể nhân rộng ra nhiều nơi trên cả nước. Sản phẩm từ nấm bảo quản được lâu, giữ được chất lượng dinh dưỡng cao làm tăng giá trị kinh tế của nấm từ 2 - 3 lần.

Ở quy mô hộ gia đình: với nguồn nguyên liệu và lao động sẵn có, mức đầu tư để mua các vật tư bảo quản nấm chỉ khoảng 40 triệu đồng, diện tích nhà bảo quản khoảng 80 m2 sẽ tạo được thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng/người làm việc.

Ở quy mô trang trại: với công suất 1.000 kg/ngày, đầu tư lán trại khoảng trên 1.000 m2 , tủ sấy, phòng bảo quản, cho doanh thu trung bình khoảng 1,1 tỷ đồng/năm (lãi ròng trên 100 triệu đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sôi động thị trường công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO