Butyrate, chế độ ăn uống và ung thư

BS. TRẦN XUÂN SÁNG| 08/03/2017 10:37

Khoa Học Phổ Thông, khoa học, tạp chí, tin tức

KHPT-Bằng cách tương tác với tế bào, các vi khuẩn có thể đóng góp hoặc ngăn chặn quá trình phát sinh ung thư... Tuy nhiên, những điều này lại có mối liên quan vô cùng mật thiết với chế độ ăn uống. Mà đã nói đến ăn uống, tức là phải nói đến vai trò chủ đạo của hệ vi sinh vật trong bộ ruột của chúng ta. Mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và hệ vi sinh vật đường ruột là rất quan trọng vì chỉ cần mối liên hệ này bị mất cân bằng là sẽ có thể góp phần vào tiến trình phát sinh ung thư.

Các nghiên cứu y học mới nhất cho thấy rằng những gì mà chúng ta ăn vào có ảnh hưởng rất lớn đến thành phần của 40.000 tỷ vi khuẩn bên trong bộ ruột cùng với các chất chuyển hóa mà chúng sản xuất. Một trong số các chất chuyển hóa này có vai trò đặc biệt quan trọng: butyrate. Đây là một acid béo có chuỗi ngắn, được sinh ra từ quá trình lên men của chất xơ do các vi khuẩn trong đại tràng. Butyrate có đặc điểm vừa là chất bảo vệ chống ung thư vừa là chất dẫn xuất ung thư.

Các nghiên cứu trên chuột đã cho thấy rằng butyrate, nguồn năng lượng chính cho tế bào của biểu mô ruột, bên cạnh tác dụng chống viêm, còn có tính chất kháng lại khối u vì nó ức chế sự tăng sinh tế bào. Trong khi đó, tình trạng viêm mãn tính là một yếu tố quan trọng sinh ung thư vì nó gây ra sự gia tăng việc tái tạo tế bào.

Nhưng, ngược lại, một nghiên cứu khác lại cho thấy rằng butyrate, dùng ở liều thấp nơi chuột đã được biến đổi gen làm cho dễ mắc ung thư đại tràng, có thể thúc đẩy sự phát triển khối u bằng cách kích thích sự tăng sinh tế bào.

Vì vậy, có vẻ như rằng sự tăng trưởng khối u phụ thuộc vào cả hai yếu tố: tỷ lệ butyrate và hồ sơ di truyền của chủ thể. Chính vì vậy mà một trong các tác giả nghiên cứu, GS. Wendy Garrett tại Trường y khoa của Đại học Harvard (Boston, Mỹ) đã phát biểu rằng “Các kết quả nghiên cứu này đã gây ra cho chúng tôi nhiều khó khăn trong việc chuyển dịch các dữ liệu nền tảng về thực phẩm, hệ vi sinh vật đường ruột và chất gây ung thư trở thành các khuyến nghị về dinh dưỡng thích hợp để giảm nguy cơ ung thư”.

Tuy nhiên, lại có một điểm đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu: việc tiêu thụ quá nhiều acid béo bão hòa (saturated fatty acid - SFA) sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. SFA không chỉ được tìm thấy trong chất béo từ động vật (bơ, phô mai, thịt, thịt chế biến) mà còn cả trong các bữa ăn sẵn, bánh ngọt và croissant (bánh sừng trâu).

Một nghiên cứu của Đức trên chuột đã được biến đổi di truyền làm tăng khả năng bị ung thư đại trực tràng cho thấy chế độ ăn uống làm mất cân bằng trong các thành phần của hệ vi sinh vật đã gây thúc đẩy phát triển ung thư đường ruột.

Ngoài ra, khi khối u bắt đầu xuất hiện thì mức độ butyrate trong phân cũng giảm đáng kể. Ngược lại, khi áp dụng chế độ tăng butyrate, quan sát thấy có giảm đáng kể sự xuất hiện của ung thư. Không chỉ trong đại tràng, butyrate còn thay đổi luôn cả thành phần vi sinh vật trong ruột non với tác dụng bảo vệ luôn cho phần ruột này.

Một nghiên cứu khác của Đại học kỹ thuật Munchën (Đức) cũng đã xác định được mối quan hệ mật thiết giữa vi sinh vật và ung thư, được công bố năm 2015 trên tạp chí Nature. Trong cuộc nghiên cứu này, các nhà khoa học đã cấy hệ vi khuẩn trong phân của những con chuột bị ung thư gây ra do tiêu thụ SFA quá mức qua cho các chú chuột khỏe mạnh khác, kết quả là các chú chuột cũng bị lây bệnh ung thư đại trực tràng, cho dù đang khỏe mạnh và được cho ăn uống điều độ.

Do vậy, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng một chế độ ăn uống ít SFA sẽ có ảnh hưởng tốt đến hệ vi sinh vật đường ruột và làm giảm nguy cơ ung thư. Lưu ý là theo công cuộc nghiên cứu dịch tễ học mới đây của WHO, việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ có liên quan với tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng do trong thịt đỏ có chứa nhiều chất sắt heminic, là tác nhân ung thư, tác động nhiều nhất trên tế bào ruột.

Để hiểu rõ về cơ chế gây nguy cơ ung thư này, cần phải biết rằng các tế bào nơi ruột được bao phủ bảo vệ bằng một lớp chất nhầy. Do vậy, các tế bào này vừa có công năng bôi trơn thành ruột cho phân dễ đi qua, vừa có tác dụng bảo vệ cho niêm mạc ruột. Nhưng một khi tiêu thụ nhiều thịt đỏ, cũng đồng nghĩa với việc hấp thu nhiều chất sắt heminic, thì heminic sẽ thâm nhập vào chất nhầy, tiếp cận thành ruột và sinh sôi nảy nở.

Nhằm xác định điều này, mới đây một cuộc thử nghiệm trên người đã được thực hiện. Tham gia thử nghiệm gồm có 20 người Mỹ gốc Phi, là những người vốn ăn theo chế độ nhiều SFA, cơ thể luôn chứa nhiều chất béo và protein động vật, cùng với 20 người dân châu Phi sống tại vùng nông thôn, là những người vốn ăn theo chế độ carbohydrat phức tạp và nhiều chất xơ. Hai nhóm được hoán chuyển chế độ ăn với nhau trong hai tuần. Sau đó, tất cả họ được sinh thiết đại tràng để xác định tỷ lệ tăng sinh tế bào và viêm đường ruột, là hai chỉ số liên kết với nguy cơ tiềm ẩn cao của bệnh ung thư.

Kết quả: nơi nhóm những người Mỹ gốc Phi, cả hai chỉ số nguy cơ này đều giảm đáng kể, tỷ lệ nồng độ butyrate trước đây thường thấp, nay tăng gấp 2,5 lần, trong khi nơi nhóm dân châu Phi bị tụt mất một nửa. Sự thâm hụt butyrate gây gia tăng các acid mật thứ cấp, tác nhân ung thư, nay cũng giảm 70%, trong khi nơi các người dân châu Phi thì lại tăng lên đến 400%!

Chính vì vậy, hiện các nhà khoa học đang kêu gọi chúng ta hãy quan tâm áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải, là chế độ ăn ít chất béo nhưng nhiều chất xơ từ thảo mộc (ngũ cốc, các loại đậu, rau, trái cây) nhằm điều chỉnh một hệ vi sinh vật đường ruột có thể sản xuất một tỷ lệ butyrate cân bằng chống lại ung thư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Butyrate, chế độ ăn uống và ung thư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO