Sơ cấp cứu mùa hè

07/04/2006 21:49

Trong những ngày nóng nực, chúng ta có khuynh hướng sinh hoạt ngoài trời, đi nghỉ mát, ra bãi biển hoặc cùng gia đình đi picnic ở công viên... Nhưng cũng từ đó mà một số tai nạn, tai biến dễ xảy ra hơn. Vì thế, bạn cần nắm biết một số nguyên tắc và kiến thức sơ cấp cứu cơ bản.

PHỎNG NẮNG

Da chuyển sang màu đỏ có nghĩa là bị phỏng nhẹ do phơi nắng. Có thể dùng một loại kem làm dịu, nhưng tốt hơn là ngưng ra ngoài nắng, nhất là từ 12 giờ đến15 giờ. Khi cần đi ra ngoài, nhớ đội mũ, mặc áo tay dài.

Nếu có bóng nước thì đó là phỏng độ 2: đừng nên tự mình chọc thủng mà hỏi ý kiến bác sĩ. Trẻ em có da mong manh hơn nên cần đặc biệt quan tâm; phỏng nắng lặp đi lặp lại lúc nhỏ tuổi có thể gây tổn thương da tích tụ và làm tăng nguy cơ ung thư da sau này.

Phản ứng và dị ứng với tia nắng

Một số người có thể bị “quang viêm” - nổi sần (mề đay) hoặc chàm da do dị ứng với tia nắng - cần phân biệt với dị ứng mỹ phẩm, cây cỏ và thuốc chữa bệnh. Da đặc biệt dễ bị dị ứng ánh nắng khi người ta đang sử dụng một số dược chất - kháng viêm, thuốc an thần gốc phenothiazin, một số kháng sinh, thuốc trị vảy nến, thuốc chống loạn nhịp tim (amiodaron)… Có thể thoa kem kháng histamin như diphenhydramin, Istamyl, Allerga cream (không dùng promethazin/Phenergan). Không tự ý ngưng thuốc chữa bệnh (hỏi ý kiến bác sĩ).

Choáng nóng

Các dấu hiệu của choáng nóng (“cảm nắng”) bao gồm: nhức đầu, ớn lạnh, rồi buồn nôn, khó chịu… - thường xảy ra dưới nắng gắt. Điều phải làm là: ngồi nghỉ hoặc nằm trong bóng mát, chỗ thoáng; lau mình bằng khăn ướt, uống nước mát từng ngụm nhiều lần. Nếu nạn nhân bất tỉnh, cần cho nằm gác chân lên cao; nếu không tỉnh lại thì cho nằm nghiêng, và gọi cấp cứu.

Vết thương

Nều trầy nhẹ: rửa bằng nước lạnh và dùng một thuốc sát trùng không gây đau (như thuốc tím loãng), che lại bằng băng cá nhân hay miếng gạc vô trùng. Với các vết thương ở bàn tay, cổ tay, cùi chỏ, đầu gối, ngón chân, mi mắt hay môi, phải cho bác sĩ xem xét khả năng tổn thương mạch máu, dây thần kinh hay dây gân. Nếu máu chảy nhiều, dùng gạc hoặc khăn tay sạch đè mạnh lên. Không dùng cồn để rửa vết thương. Xin ý kiến bác sĩ về việc tiêm vaccin và huyết thanh kháng uốn ván.

Chó cắn

Bác sĩ sẽ xem xét khả năng tổn thương mạch, thần kinh, gân; sát trùng vết thương và cho dùng thuốc. Các vết chó cắn ở đầu - mặt và chi trên là đặc biệt nguy hiểm. Nếu con chó chưa được tiêm phòng dại (hoặc không rõ), tìm cách đưa nó tới thú y sĩ. Nếu không quản lý được chó, phải tới ngay Viện Pasteur (hay cơ sở trực thuộc) để điều trị đặc hiệu (với vaccin và huyết thanh). Dạy cho trẻ không được vồ vập hoặc tiến về phía các con chó (dù to hay nhỏ).

Ong chích

Ong chích thì đau nhưng thường không để lại hậu quả quan trọng. Dùng nhíp để nhổ kim nọc, rửa bằng thuốc sát trùng, dùng túi nước đá và khăn sạch áp vào để giảm đau và sưng phù. Có ba trường hợp ong chích có thể trở thành nghiêm trọng - vết chích ở họng và miệng, dị ứng với nọc, và bị nhiều vết chích cùng lúc - phải đưa ngay đến bác sĩ.

Rắn cắn

Bệnh cảnh rắn độc cắn thay đổi nhiều: đau dữ dội, phù, bầm máu, khó chịu, buồn nôn, đau bụng, hạ huyết áp, tim đập nhanh, v.v… Phải bình tĩnh, không được hốt hoảng, ngồi hay nằm yên, tháo áo quần chật, giày, nhẫn hay vòng đeo, nhằm tránh bị thắt khi sưng phù. Rửa vết thương bằng nước, xà bông hay thuốc sát trùng. Không gí thuốc lá đang cháy vào vết thương, không hút bằng miệng… Giữ tay, chân bất động bằng nẹp. Chuyển nạn nhân tới ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơ cấp cứu mùa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO