Sốt xuất huyết Dengue trong thai kỳ dễ gặp nguy nếu có biến chứng sốc và trùng hợp có chuyển dạ

THIÊN CHƯƠNG| 28/10/2022 15:43

Đã có thai phụ tử vong do mắc sốt xuất huyết và nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng muộn. Căn bệnh không xa lạ nhưng đã khiến nhiều thai phụ phải gặp nguy hiểm. TTND.PGS.TS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Khoa học phổ thông - Thời sự Y học xung quanh vấn đề này.

PGS.TS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang.

Có hay không chuyện cơ thể mẹ bầu sẽ bị muỗi đốt nhiều hơn?
Trên thực tế vẫn có chuyện trong vùng có muỗi, có người bị đốt, có người không bị. Gần đây ghi nhận người mà da có nhiều acid carboxylic do vi khuẩn tạo ra từ bã nhờn ở da sẽ thu hút muỗi nhiều hơn. Trước đây, người ta thấy rằng có vẻ như da của mỗi người là việc mạch máu, sức nóng có khác nhau, tức phải tỏa ra sức nóng và dường như đàn ông dễ bị thu hút muỗi hơn phụ nữ. Tại trên da phụ nữ thường mát lạnh hơn, da đàn ông nóng ẩm hơn. Cho nên người nào hệ thống mạch máu ngoại biên đang vận hành nhiều thì có vẻ thu hút muỗi, chứ không phải bà bầu là bị muỗi đốt. 
Với bà bầu, chúng ta thường hay nói vui “Các chỉ có một thứ nhiều hơn người khác là thể tích người to hơn. Cho nên từ thể trạng to hơn này có thể dễ thu hút muỗi hơn”. Ngoài ra, về chuyển hóa cơ bản, người phụ nữ mang thai đang vận hành để nuôi thêm một cơ thể khác cho nên có thể là nguyên nhân để tỏa nhiệt nhiều hơn. Còn về mặt cơ học, một người không có mang bụng bầu thì việc dùng tay đánh con muỗi là muỗi chết, còn người mang bụng bầu thì bụng to nên cản trở việc đuổi muỗi. Riêng nếu ai đó nói mùi cơ thể bà bầu gây thu hút muỗi, hay cơ thể bà bầu tiết ra hormon gây thu hút muỗi thì tới giờ này vẫn chưa ai chứng minh có liên quan.
Có một vấn đề quan trọng hơn cần quan tâm, đó là tại sao gần đây ngành y tế ghi nhận số thai phụ bị sốt xuất huyết tăng và số trường hợp diễn tiến nặng tăng. Sốt xuất huyết Dengue được ghi nhận có 4 type, không có miễn dịch chéo, cho nên về lý thuyết, trong đời mình, mỗi người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết với 4 type virus khác nhau. Cùng con muỗi mang mầm bệnh, đốt người này không sao nhưng người khác lại bị phản ứng. Đã vậy hiện chưa có vắc-xin hiệu quả nên ai cũng có thể bị mắc. Bà bầu không ngoại lệ.
Ngược dòng thời gian 10 năm về trước, sốt xuất huyết Dengue chỉ có ở những trẻ em dưới 15 tuổi, nhưng 10 năm gần đây, sốt xuất huyết Dengue đã tác động trên cả người lớn. Ở người lớn khi đã không có thể phản ứng với siêu vi Dengue thì thôi, nhưng phản ứng thì thường nặng. Người ta ghi nhận, dạng phản ứng dẫn đến tổn thương hệ thống mao mạch nhỏ gây tiêu hao tiểu cầu, trong khi tiểu cầu là thành tố quan trọng trong máu, có vai trò giúp che lại những vết thương nhỏ trên mao mạch. Để có thể hình dung một người lớn trưởng thành, nếu lấy hệ thống mạch máu nối lại thì có thể bao phủ vòng quanh Trái đất, vì vậy khi tổn thương hệ thống mao mạch thì không có lượng tiểu cầu nào có thể chịu nổi. 
Người ta đo trong cơ thể có trung bình khoảng 150.000 - 300.000 tiểu cầu trong 1 ml máu. Ở người bị nhiễm sốt xuất huyết Dengue, số tiểu cầu có thể giảm xuống dưới 50.000 (mức độ giảm tiểu cầu nặng). Như vậy khả năng nguy hiểm xảy ra nếu có nguyên nhân chảy máu thì không cầm máu được. Với ngành sản, trong khi sinh đẻ, cho đến hiện nay tỷ lệ thai phụ chết nhiều nhất vẫn là do băng huyết sau sinh trên thế giới và cả Việt Nam. Do vậy, một thai phụ mắc sốt xuất huyết Dengue biến chứng giảm tiểu cầu do sốt xuất huyết, lại rơi vào lúc sinh con thì nguyên nhân chết tăng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, không phải bà bầu nào bị muỗi cắn cũng sốt xuất huyết nhưng khi đã biến chứng thì nguy hiểm tăng lên nhiều lần.

Liệu bà bầu có dễ mắc sốt xuất huyết Dengue hơn người không mang thai?
Hiện chưa có thống kê liệu bà bầu có khả năng mắc sốt xuất huyết cao hơn người thường. Hiện ngành y tế chỉ thu thập số ca thai phụ bị sốt xuất huyết, do sốt có nhiều nguyên nhân gây sốt, xuất huyết cũng có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết, nhưng sốt xuất huyết phải kèm theo do virus “Dengue”. Muốn sốt do Dengue thì phải có minh chứng (bằng cách làm xét nghiệm NS1, IgG và IGM Dengue) bệnh nhân có chính xác bị sốt xuất huyết hay không (tìm xem bệnh nhân mới mắc, hay đã mắc bệnh qua một thời gian).
Tóm lại, hiện ngành y tế nói chung và bệnh viện nói riêng không tính tỷ lệ sốt xuất huyết trên tổng số ca sốt mà chỉ tính số ca sốt xuất huyết Dengue ghi nhận mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng là bao nhiêu.

Khi một thai phụ bị sốt thì lời khuyên của bác sĩ là gì?
Thai phụ bị sốt vì bất kỳ nguyên nhân gì thì cũng nên đến y tế để được hỏi đầy đủ thông tin nhằm nắm thông tin dịch tễ (khu vực đang có nhiều ca bệnh), tìm hiểu được các nguyên nhân khác gây sốt. Tại TP.HCM, thai phụ có thể đến tất cả các cơ sở y tế nhưng ngay cả các cơ sở y tế trong thời điểm có dịch thì phải lưu tâm đến sốt xuất huyết Dengue. Về nguyên tắc, những cơ sở y tế có thể xét nghiệm máu (có phòng xét nghiệm) thì có thể làm được xét nghiệm sốt xuất huyết Dengue. Sốt xuất huyết Dengue chưa thể làm xét nghiệm tại nhà.
Khi báo chí truyền thông cung cấp thông tin cần tuyên truyền cho rõ. Với sốt xuất huyết Dengue, bà bầu là cần cẩn trọng, cảnh giác, không được chủ quan nhưng không phải cứ trường hợp nào sốt thì đều đến làm xét nghiệm. Điều này sẽ dẫn đến quá tải xét nghiệm không cần thiết. 

Thai phụ hết sức cẩn trọng nếu bị sốt trong khi dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp.

Trường hợp nào cần điều trị nội trú và ngoại trú?
Theo phác đồ của Bộ Y tế, toàn bộ thai phụ nếu đã được xác định nhiễm sốt xuất huyết Dengue đều phải nhập viện để điều trị nội trú. Khi vào bệnh viện tùy vào trường hợp mà sẽ có hướng xử trí khác nhau. 
Theo sinh lý bệnh, ngày thứ 3, ngày thứ 5 và ngày thứ 7, trong đó ngày thứ 5 thì rất dễ gặp chuyện (diễn biến xấu, vào sốc). Trường hợp vào bệnh viện ngày bắt đầu lên cơn sốt thứ 3 thì tiếp tục theo dõi và nếu nhẹ thì cao nhất khoảng 7 ngày sẽ được cho xuất viện. Chẳng may mắn là các thai phụ mắc sốt xuất huyết vào ngày thứ 5 diễn tiến nặng khiến cơ thể vô cơn chuyển dạ (phản ứng để bảo vệ cơ thể mẹ), lúc này người mẹ sẽ đối diện với hai nguy cơ là băng huyết sau sinh do sinh đẻ và chảy máu do giảm tiểu cầu của sốt xuất huyết. Đây chính là vấn đề nguy hiểm nhất.
Hiện các nghiên cứu có quy mô, có minh chứng về sốt xuất huyết Dengue trên thai phụ chưa được thực hiện nên chưa có phác đồ điều trị. Hướng dẫn chi tiết về sốt xuất huyết trên thai phụ còn phụ thuộc vào kinh nghiệm điều trị lâu năm của các cơ sở y tế. 
Một câu chuyện chuyên môn hiện vẫn là vấn đề cần bàn luận nhiều, đơn cử thai phụ nhập viện ngày thứ 5, vô chuyển dạ mà chưa có cơ hội đẻ ngay nhưng em bé có vấn đề, buộc phải mổ. Nếu mẹ không sốt xuất huyết Dengue mà em bé có vấn đề thì đương nhiên sẽ mổ cứu con, nhưng khi mẹ có sốt xuất huyết Dengue và rơi vào ngày thứ 5 có sốc sốt xuất huyết Dengue, thì mổ bắt con có thể khiến mẹ tăng thêm nguy cơ chảy máu từ các đường rạch thành bụng và cơ tử cung ngoài chỗ nhau bám trong lòng tử cung (nếu sinh ngả tự nhiên)... tức nguy cơ nguy hiểm tăng lên không chỉ gấp đôi, cho dù có thể bổ sung các chế phẩm từ máu như tiểu cầu đậm đặc... Câu hỏi đặt ra lúc này là chọn lựa sinh ngả âm đạo với nguy cơ cho con nhiều hơn nhưng bà mẹ bớt nguy cơ hơn hay mổ lấy em bé mà mẹ gặp nhiều nguy hiểm? Lúc này các thầy thuốc không thể quyết định thay, quyết định thuộc về thai phụ và người nhà. Xu hướng hiện nay nếu có thể trong tình huống này, sinh ngả âm đạo là chọn lựa thích hợp nhất. 
Thường trước những tình huống khó, bác sĩ luôn cân nhắc việc cứu mẹ hay con, nói nôm na là cứu mẹ như cứu khu rừng và con như cứu cái cây. Cứu rừng quan trọng hay cứu cây quan trọng? Việc xử trí lúc này đôi khi tùy thuộc vào bên nội hay bên ngoại của thai nhi. Bên ngoại luôn muốn cứu thai phụ vì thai phụ là máu mủ của họ. Bên nội lại luôn muốn ưu tiên cứu bé, vì nó là cháu nội của mình. Bà mẹ lúc này bị dồn vào thế khó nhưng nếu sức khỏe tinh thần còn tỉnh táo thì thai phụ vẫn được ưu tiên quyết định.
Thực tế những ca không thể cứu được thường trụy mạch, xuất huyết toàn cơ thể, tổn hại hệ thống. Nhiều trường hợp bù cả triệu tiểu cầu vào cơ thể trước khi mổ, trong lúc mổ nhưng vẫn như muối bỏ bể nếu rơi vào ngày thứ 5, diễn tiến nặng. Về xác suất thống kê thì chỉ có thể làm hết sức, làm tối đa nhưng vẫn không thể tránh khỏi những trường hợp đáng tiếc xảy ra. 
Trong những năm qua, có 3 trường hợp mổ và cả 3 trường hợp đều mất cân bằng động, tổn thương đa cơ quan, trụy mạch do rơi vào diễn tiến biến chứng giảm tiểu cầu nặng. Trong bối cảnh suy đa cơ quan, suy tim, suy thận còn có thể dùng máy móc để can thiệp nhưng chức năng gan suy giảm cấp thêm vào thì khả năng tử vong rất cao.
Trong trường hợp “cứu rừng”, bác sĩ sẽ cho sinh ngả âm đạo, hạn chế tối đa việc chảy máu ở mạch máu trung bình và mạch máu lớn. Em bé trải qua cuộc chuyển dạ ở thai phụ sốt xuất huyết Dengue dễ dẫn đến khả năng thiếu oxy, suy thai, tuy nhiên đa phần do có phối hợp hiệu quả với bác sĩ sơ sinh các bé sau khi sinh thường thành công để có thể được nuôi sống. Với bác sĩ, mục tiêu cao nhất vẫn là cố gắng cứu cả hai, nhưng nếu có được sự thấu hiểu của gia đình thì tâm lý bác sĩ sẽ thoải mái hơn. Bác sĩ luôn muốn cứu bệnh nhân nhưng nếu làm hết khả năng mà chẳng may, thì thường bị trách.

Những ca sốt xuất huyết nặng ở thai phụ có nhiều không?
Điều may mắn những ca diễn tiến nặng là rất ít. Tỷ lệ chết bà mẹ cho tất cả các nguyên nhân tính trên 100.000 ca sinh sống tại Việt Nam là khoảng hơn 47 - 50 trường hợp. Như vậy tại Việt Nam ước tính một năm có hơn 500 trường hợp tử vong mẹ/1 triệu trường hợp sinh sống. Riêng tại Bệnh viện Hùng Vương, tỷ lệ thai phụ tử vong chỉ khoảng 4/100.000 ca sinh sống (ngang với các nước phát triển, trừ mùa dịch Covid-19).

Em bé có bị ảnh hưởng không, thưa bác sĩ?
Em bé có thể bị lây truyền dọc nhưng thường không bị nặng như mẹ do sốt xuất huyết Dengue, tuy nhiên bé thường bị ảnh hưởng bởi cuộc chuyển dạ, bị suy hô hấp, thiếu oxy, thiếu máu, xuất huyết não. Đây mới là điều ảnh hưởng quan trọng nhất.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho các thai phụ?
Đã sốt xuất huyết Dengue trong thai kỳ và rơi vào tình huống biến chứng thì con của bác sĩ cũng có thể chết, khi đã vô thể nặng thì làm cách gì cũng chỉ có thể là điều trị theo đuôi. Vì vậy nguyên tắc quan trọng nhất của toàn xã hội là không để muỗi đốt và diệt muỗi. 
Với thai phụ không được chủ quan khi sốt vì sốt xuất huyết Dengue có thể bị ở người lớn và bị ở thai phụ, những thể nặng là có thể gặp nguy hiểm. Trong khi đó nếu phát hiện sớm, tỷ lệ tử vong là rất thấp. Các xét nghiệm ngày nay chỉ cần bệnh viện tuyến huyện đã có thể làm được, nhanh thì vài giờ, chậm thì khoảng 1 ngày. 

TR
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sốt xuất huyết Dengue trong thai kỳ dễ gặp nguy nếu có biến chứng sốc và trùng hợp có chuyển dạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO