Sinh viên bị rối loạn hành vi do sử dụng internet quá mức

Như Quỳnh| 16/10/2010 19:04

Một bà mẹ đến gặp BS. Nguyễn Văn Siêm, Bệnh viện tâm thần trung ương I, yêu cầu cho lời khuyên và giúp đỡ người con trai của chị, N.V.T sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học lớn. Trước đây T là một học sinh giỏi, thi đậu đại học điểm rất cao, nhưng từ khi thích chơi với “bạn ảo” hơn bạn thật, T học hành sa sút, thường xuyên bị điểm thấp, sức khoẻ yếu. BS.Siêm đã tiến hành nghiên cứu sâu trường hợp này để trả lời cho nhiều câu hỏi mà giới khoa học vẫn đang còn bàn luận. Có một điều đáng chú ý là không chỉ game online mới gây nghiện, trong trường hợp này, các “bạn ảo” trên các diễn đàn cũng làm cho T không thể xa rời.

Nghiện game online và cả bạn ảo

Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm hiểu một số biểu hiện lâm sàng của rối loạn nghiện Internet, ảnh hưởng của nó đến hành vi của người nghiện. Điều đầu tiên nhận thấy là T không công nhận mình bị nghiện và tìm cách né tránh gặp bác sĩ. Tuy nhiên, bằng cách biện pháp thuyết phục khéo léo, BS. Siêm đã khuyên được T chấp nhận trao đổi.

T biết sử dụng Internet từ khi học cấp II, nhưng chỉ sử dụng nhiều khi vào đại học, do yêu cầu tìm hiểu nhiều kiến thức sâu của một số chuyên ngành mà T quan tâm. Dần dần T chơi game, đồng thời bị cuốn hút bởi các nhân vật trực tuyến, tham gia nói chuyện phiếm trực tuyến, số giờ dùng Internet ngày càng tăng lên, khoảng 30 giờ / tuần. T cảm thấy không thể nào thiếu các quan hệ trực tuyến, quên cả ăn uống, thường chơi đến 2 – 3 giờ đêm, thậm chí suốt đêm. Buổi sáng ngủ đến 9 – 10 giờ mới dậy, bỏ buổi học sáng. Kết quả học tập rất kém, thường xuyên phải thi lại. Đặc biệt, trong quan hệ với “người thật”, nhất là với bạn bè, thầy cô, T cảm thấy “ngượng”, xa cách, thường tìm cách tránh né họ. Ngay trong gia đình, đối với người thân, T cũng cảm thấy khó khăn khi giao tiếp, thậm chí sợ họ. Aên ngủ thất thường, tâm trạng bất ổn khiến sức khoẻ T rất yếu, gầy đi, thường xuyên đau nhức cổ và khuỷu tay.

Sau 10 buổi trao đổi với bác sĩ tâm lý, T đã bắt đầu nhận thức được việc dùng Internet như thế nào là thích hợp và có hiệu quả. Đồng thời cũng nhận ra những tác dụng tiêu cực của Internet, đặc biệt là game online. Đặc biệt, T đã tự tin cho rằng mình sẽ điều chỉnh được hành vi đối với Internet, không bị nó chi phối.

Qua trường hợp nghiên cứu này, BS.Siêm đã tóm tắt các triệu chứng của người nghiện như sau: sử dụng Internet và game online là hoạt động nổi trội lấn át các hoạt động khác trong ngày; dùng Internet lâu hơn thời gian dự định (mất làm chủ việc sử dụng thời gian như thông lệ); chơi ngày càng lâu hơn, đến mức ảnh hưởng đến các nhiệm vụ quan trọng khác mà bản thân có nghĩa vụ phải hoàn thành (học tập, gia đình, bạn bè...); khi sắc thay đổi: cảm giác trầm buồn, bứt rứt, muốn tức tốc tìm ngay sự tiêu khiển với các nhân vật ảo trực tuyến; khi không được dùng Internet và chơi game, có cảm giác cô đơn, khó chịu, cáu gắt; có những thay đổi hành vi nặng nề (trốn học, kết quả học tập sút kém, bê trễ việc gia đình và các sinh hoạt xã hội, ảnh hưởng về thể chất khá nặng nề (mệt mỏi, giảm cân, đau cổ và khuỷu tay...).

Giúp người nghiện tự nhận ra vấn đề

Tổng kết phân tích các báo cáo khoa học trên thế giới, BS.Siêm nhận thấy nghiện Internet có những tác dụng tiêu cực trong 5 phạm vi: học tập, việc làm, quan hệ liên cá nhân, tài chính và thể chất. Trường hợp của T chỉ bị tác động ở 3 phạm vi: học tập, quan hệ và thể chất.

Theo BS.Siêm, bản thân máy vi tính và Internet không gây nghiện, nhưng chúng tạo ra điều kiện tương tác và trao đổi ý tưởng phong phú, sẵn có ở mọi nơi, nhất là khu vực thành thị, dễ dàng truy cập nhiều loại thông tin kích thích tính hiếu kỳ, nhất là đối với thanh thiếu niên. Những điều kiện đó dễ làm cho họ đam mê sử dụng. Những người bị nghiện thường là người cô đơn, buồn chán, ít quan hệ rộng rãi, sống khép kín, họ dùng những mối quan hệ ảo để tìm cảm giác dễ chịu trong một “quần xã”, một nhóm người cùng có sở thích chung.

Theo BS.Siêm, các nhà khoa học tâm lý trên thế giới cho rằng, điều quan trọng nhất trong can thiệp điều trị là việc tự điều chỉnh của chính những người nghiện, hạn chế thời gian dùng Internet, thay vào đó là tham gia vào các hoạt động xã giao với người thật, ngoài ra nên đọc sách, tìm các sở thích khác. Cần gíao dục người nghiện vì họ thường không nhận ra hành vi của mình là nghiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên bị rối loạn hành vi do sử dụng internet quá mức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO