Sáng kiến: Bao nguyên cây để bảo vệ quả cam

Bài và ảnh: Minh Tuấn| 19/11/2017 20:54

KHPTO - Bà con ở Nghệ An đang lan truyền tin tốt về mô hình bảo vệ quả cam Xã Đoài bằng cách bao nguyên cây bằng vải tuyn, thứ vải may mùng chống muỗi cho người (ảnh). Việc “trùm mùng” nguyên cây cam 24/24 giờ trong 90 ngày cuối của quả cam trên cây được bà con xóm giềng ghi nhận là tuyệt vời. Không có hoặc có không đáng kể trái cam bị hư, rụng vì bị “bướm ma mắt đỏ châm trái nào rụng trái đó” và ruồi đục quả chích.

Đây là một sáng kiến bao trái do nhà nông Nghệ An phát kiến, tự áp dụng trong vườn trồng cam thương phẩm, đáng được tổng kết, ghi nhận kết quả để khuyến cáo ra diện rộng.

Vùng có truyền thống trồng cam:

Ở một số tiểu vùng thuộc Nghệ An có truyền thống trồng cam từ hàng trăm năm qua. Một số nông trường như Đông Hiếu, Tây Hiếu đã từng đưa cam Pháp vào trồng cách nay sáu bảy chục năm. Thời hoàng kim, vào những tháng cuối năm cam chín đỏ rực trải dài từ đồi này sang đồi khác. Sản lượng cam trồng ở những tiểu vùng thuộc Nghệ An đã từng đạt con số hơn hai chục ngàn tấn mỗi năm. Ngoài “phân phối” trong tỉnh Nghệ An đã cung cấp cam cho Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Khoảng cuối thập niên 60, đầu 70 thế kỷ trước, khi cam Pháp lão hóa và dịch bệnh cây có múi tràn vào Việt Nam, sản xuất cam trong nông trường bị ảnh hưởng nặng, phải chuyển sang trồng cà phê, cao su, nhưng sản xuất cam nông hộ vẫn tồn tại và còn duy trì đến nay. Cam Xã Đoài, cam Vinh là những giống cam nổi tiếng của Nghệ An trồng vườn trong các khu dân cư. 

Trùm mùng ngăn bướm hại cam:

Nói về dịch bệnh, ngoài bệnh vàng lá gân xanh (bệnh grening) từ nước ngoài tràn vào, cam xứ Nghệ còn bị bướm đêm và ruồi đục quả tấn công. Qua việc theo dõi sâu bệnh, bà con xác định loài bướm đêm có cặp mắt đỏ bắt ánh sáng đèn - “bướm ma mắt đỏ” hễ châm trái nào, trái đó rụng. Phòng nông nghiệp nghe phản ánh đã lần ra dấu tích côn trùng xâm hại và đưa ra kết luận: Loài bướm đêm chọn những quả cam đã vào già, dùi lỗ trên vỏ đẻ trứng vào, ấu trùng sau khi nở bài tiết dịch trộn với nước quả làm thức ăn, khiến trái cam có vết thương lớn trong quả. Những trái cam bị thương tích này chảy nước, tạo ra nguy cơ nhiễm nấm, trái có một đốm thối đen lớn, vàng rụng hàng loạt.

Từ suy nghĩ miềng giăng mùng tránh được muỗi đốt thì giăng mùng cho cây có thể tránh được bướm, ong chích, một số nhà vườn đã dùng mùng cũ trùm lên những cây cam sai quả nhất và kết quả y như dự đoán, ít có trái cam nào còn bị ong bướm châm hư.

Chuyện giăng mùng cho một vài cây cam quýt có từ lâu như thế nhưng không thể nhân rộng bởi mỗi cái mùng mua cũng nhiều tiền mà bà con sắm mùng cho người và trâu bò đã là khó.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, trong dự án khắc phục bệnh grening khôi phục vườn cam, quýt của tỉnh các loại bao trái cũng đã được đề cập. Tuy nhiên khi dự án kết thúc thì việc cung cấp bao trái cũng dừng. Dựa theo kiểu bao tari1 dự án, bà con tận dụng những chiếc mùng cũ cắt, may làm thành túi bao từng trái, cũng ngăn được bướm đêm và chống ruồi đục quả hại trái cam khá hiệu quả nhưng tốn nhiều công may và bao.

Gần đây một số chủ trang trại phát triển cam nghĩ đến thâm canh, bao trái, sản xuất cam sạch. Cây cam cho nhiều trái, việc bao từng trái sẽ là khó khăn khi thiếu lao động hoặc giá thuê công cao. Một số gia đình đã thử may mùng bằng vải tuyn – nguyên liệu may màn ngủ cho người có chiều rộng, dài ứng với chiều cao, chiều rộng của tán cây mà bao toàn cây.

Nghĩ rằng, ngoài việc chống ong bướm hại trái, trùm mùng còn chống được nhiều loài côn trùng khác hại cây cam, ông Thắng ở xã Thanh Đức (Thanh Chương, Nghệ An) là người đi đầu trong việc này.

Trong khoảng 1.000 gốc cam các loại của trang trại, ông Thắng cho trùm mùng bảo vệ quả của khu vực 100 cây cam Xã Đoài trồng từ năm 2012 đã cho quả kha khá. Những chiếc mùng được trùm từ ngọn đến gốc khi quả trên cây đã lớn hơn cườm tay. “Chỉ ít ngày nữa thôi những trái cam vào già sẽ tỏa mùi thơm, thu hút nhiều loại côn trùng tụ tập về để hút chích, phải giăng mùng trước khi chúng đến” anh Thắng nói.

Trong năm cuộn vải tuyn mua về, ông Thắng mới may được mùng cho 100 cây cam Xã Đoài, số vải còn lại, nay mai rảnh sẽ may tiếp. Sau 3 tháng được trùm mùng, những cây cam Xã Đoài phát triển bình thường và vừa cho thu hoạch hơn một tấn quả, với số trái rụng không có, màu vỏ quả đẹp, chất lượng thơm ngon. Quả của những cây cam trùm mùng không bị cháy xém nắng, dính thuốc trừ sâu hay vế sâu bọ chích.

Vợ ông Thắng, bà Phan Thị Lai rất vui kể rằng, từ khi trùm mùng ngoài việc tưới không phải làm gì. Tới ngày thu hoạch chỉ việc giở mùng lên, chui vào hái quả. Sau 2 lần cách nhau 1 tuần, hái hết quả thì cuốn mùng đem về giặt sạch, cất vào kho và sẽ trùm cho những cây cam khác khi quả đã to.

Về chi phí cho việc may mùng trùm cho cam, tính ra khoảng 150 - 200 ngàn đồng/cây. Dự đoán về độ bền mùng tuyn sẽ dùng được 3 - 4 năm. Như vậy chi phí trùm mùng cho mỗi gốc cam cũng chỉ 50 - 70 ngàn đồng mỗi vụ, tùy cây to, nhỏ. Nếu so với giá bán cam 60-70 ngàn/kg thì chi phí may mùng một vụ tương đương 1 kg thành phẩm; so với số cam hao hụt nếu không trùm mùng thì ít hơn. Trong thời gian 3 tháng trùm mùng không cần dùng đến thuốc trừ sâu, không tốn công xịt thuốc, bớt chi phí được một ít. Hiệu quả xã hội cho thấy chủ vườn trùm mùng rất yên tâm vì ngăn được bướm ma mắt đỏ chích cam. Tiếng lành về cam trùm mùng sạch, an toàn lan ra khiến vườn cam được nhiều người đặt mua với giá cao hơn 5 ngàn/kg và người làm vườn không bị ảnh hưởng sức khỏe vì thuốc trừ sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng kiến: Bao nguyên cây để bảo vệ quả cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO