Sản xuất và xuất khẩu gạo phải theo tín hiệu thị trường

GIA PHÚ| 12/11/2018 18:53

KHPTO - Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) kết hợp với Bộ công thương, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội thảo “Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới”. Tại hội thảo, các nhà quản lý nông nghiệp và các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo.

Khối lượng gạo thơm xuất khẩu (XK) tăng cao

Theo Tổng cục hải quan, ước khối lượng gạo XK trong tháng 10/2018 đạt 264,5 ngàn tấn, kim ngạch 135,56 triệu USD, so với cùng kỳ 2017 tăng 22,96% về lượng và tăng 31,8% về giá trị. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2018, ước khối lượng gạo XK đạt 5,15 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD. So với cùng kỳ tăng 6,62% về lượng và tăng 21,49% về kim ngạch.

Cơ cấu gạo XK cũng tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp; tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, có chất lượng và giá trị cao. Chủng loại gạo XK thay đổi rất rõ, theo đó, gạo cao cấp 1,050 triệu tấn, trung bình là 870,56 triệu tấn; cấp thấp 91,52 ngàn tấn; gạo thơm các loại 1,437 triệu tấn; gạo nếp đạt 637,484 ngàn tấn; gạo Japonica 86,86 ngàn tấn... Có được kết quả này là nhờ những thay đổi tích cực trong chiến lược XK.

Theo các chuyên gia, mặc dù gạo Việt Nam đã XK tới nhiều thị trường trên thế giới nhưng vẫn phụ thuộc rất nhiều vào 4 thị trường châu Á chủ yếu, gồm: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Philippines, trong khi nhu cầu gạo của 4 thị trường này lên xuống khá thất thường. Do vậy, để XK gạo ổn định và bền vững cần đẩy mạnh công tác xúc tiến để hạt gạo Việt vào được nhiều thị trường hơn nhằm phân tán rủi ro. Việc mở rộng hợp tác và đi sâu khai thác các thị trường mới không chỉ giúp tăng sản lượng và kim ngạch XK mà còn giúp hoạt động XK gạo bền vững hơn.

Ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu - Bộ công thương cho rằng, chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam giai đoạn

2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 là giảm dần lượng gạo hàng hóa XK nhưng giữ ổn định và tăng trị giá XK gạo; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng XK; tăng tỷ lệ gạo XK trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam. Cơ cấu thị trường điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu thị trường XK và xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới.

Chưa có sự gắn kết và thiếu quy hoạch đồng bộ

Theo ông Trần Văn Công, phó cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong số 4,686 triệu tấn gạo XK trong 10 tháng đầu năm, gạo phẩm cấp cao, chất lượng cao chiếm tới 80% cơ cấu XK. Đặc biệt, gạo thơm các loại có khối lượng XK lớn nhất, chiếm đến 1,438 triệu tấn. Tuy nhiên, chất lượng gạo thơm hiện nay chưa đồng nhất mà có sự pha trộn, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín gạo thơm của Việt Nam. Có một vấn đề đặt ra khi chuyển đổi cơ cấu diện tích trồng lúa từng địa phương chưa có một sự gắn kết, và thiếu quy hoạch đồng bộ cho nên diện tích trồng lúa thơm diễn ra manh mún.Trên thực tế, người nông dân đồng bằng sông Cửu Long trồng rất nhiều giống lúa thơm, có một số xuất được sang thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và một số thị trường khu vực châu Phi.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng, hiện nay bà con trồng nhiều giống lúa thơm khác nhau nên khi thu hoạch không tạo ra được sản phẩm hàng hóa lớn, mỗi loại chỉ xuất bán được một vài container là hết hàng, muốn xuất bán số lượng lớn khoảng 30 - 40 ngàn tấn/tàu như trước đây thì không được vì không có đủ sản lượng.

“Để có khối lượng lớn, các doanh nghiệp phải đi mua gom các giống lúa thơm khác nhau trộn lại như vậy chất lượng sẽ không đồng nhất, làm ảnh hưởng tới chất lượng gạo thơm XK và ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp. Nếu chất lượng gạo thơm không ổn định sẽ là một nguy cơ đối với thị trường và như vậy việc tạo dựng thương hiệu gạo thơm của Việt Nam sẽ có vấn đề!”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của Bộ NN&PTNT, nhưng do thiếu tính liên kết trong quy hoạch sản xuất nên đến nay nghề trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, không tạo được một sản phẩm hàng hóa cùng chủng loại với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thường xuyên của thị trường. Đó là hạn chế lớn nhất trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất và xuất khẩu gạo phải theo tín hiệu thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO