Sản xuất polymer trương nước từ kỹ thuật hạt nhân

BÍCH VÂN| 07/08/2009 15:10

Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, từ nhiều năm nay, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu tạo sản phẩm polymer trương nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, có khả năng tối ưu với độ hút nước 200 lần, được nhà nông rất quan tâm.

Các tập đoàn lớn trên thế giới ở Nhật, Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Canada… đều có những công trình nghiên cứu về sản phẩm giữ nước từ nguồn nguyên liệu là các sản phẩm dầu mỏ, trong đó có polymer. Với các tác nhân khâu mạch khác nhau, sản phẩm tạo ra có khả năng hấp thụ nước rất cao từ 80 - 600 lần đối với nước cất và 60 - 80 lần đối với nước muối sinh lý. Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu triển khai ứng dụng polymer giữ nước trên lĩnh vực y tế, dược phẩm, tã lót, đặc biệt là trong ngành nông, công nghiệp.

Tại Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng đã ký hợp đồng với Công ty Vietsopetro để mua sản phẩm polymer tận thu dầu khí trong quá trình khai thác mỏ dầu ở ngoài khơi. Năm 2003, Viện công nghệ hóa học cũng đã nghiên cứu thành công vật liệu giữ nước, giữ ẩm từ bã mía, mùn cưa có độ hấp thu nước vài trăm lần, và đã được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tại vùng đất bazan các tỉnh Tây Nguyên trên cây cà phê, cây bông vải, và cây bắp. Tuy nhiên mức độ gắn kết giữa polymer và các loại bột, sợi chưa cao khiến vật liệu bị thoát nước nhanh.

Bằng kỹ thuật biến tính bức xạ gamma, từ năm 2003 - 2005, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu chế tạo được vật liệu polymer giữ nước có khả năng tối ưu với độ hút nước 200 lần, không bị rữa, giữ nước tương đối ổn định, khắc phục được những nhược điểm của polymer được chế tạo theo kỹ thuật thông thường. Đây cũng là mục tiêu mà dự án “Sản xuất polymer trương nước ứng dụng trong nông nghiệp” của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được Sở khoa học và công nghệ tỉnh tiếp tục đầu tư 200 triệu đồng để triển khai theo quy mô thử nghiệm. ThS. Lê Hải, trưởng phòng công nghệ bức xạ - Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho biết, trong thời gian đầu, nhóm nghiên cứu vừa hoàn thiện quy trình, vừa sản xuất sản phẩm bước đầu cho một số công ty như Công ty cổ phần mía đường La Ngà (100 kg), Công ty công nghệ sinh học Hưng Phát An - Gia Lai 250 kg. Tháng 4/2007, nhóm nghiên cứu hoàn tất kế hoạch nhập nguyên liệu và bắt tay vào sản xuất, cung ứng cho các cơ sở triển khai ứng dụng là Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng, Công ty TNHH Đức Minh - Đà Lạt, Công ty cổ phần mía đường La Ngà, Công ty công nghệ sinh học Hưng Phát An - Gia Lai và Công ty TNHH Lương Nông - TP.HCM. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được 4,4 tấn sản phẩm. So với kế hoạch đặt ra, chỉ đạt 25% khối lượng sản phẩm do giá nguyên liệu nhập khẩu gia tăng. Hiện nay, đơn vị chỉ còn đủ nguyên liệu để sản xuất hơn 10 tấn sản phẩm (theo phân bổ kinh phí của dự án). Tuy nhiên, vấn đề đáng mừng là sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật đặt ra, đã tìm được địa chỉ tiêu thụ và được nông dân các vùng rau, hoa, cà phê, tiêu, mía đường trên địa bàn Tây Nguyên tín nhiệm. Giá thành sản phẩm là 35.000 đồng/kg. Sau khi tính toán mọi chi phí, lợi nhuận thu được trên 1 tấn sản phẩm là 1.150.000 đồng.

Do dự án mới chỉ sản xuất ở quy mô thử nghiệm với sản lượng nhỏ, nên tất cả những phát sinh trong quá trình đưa sản phẩm vào ứng dụng trên đồng ruộng sẽ được điều chỉnh dần. Vấn đề cơ bản, với kỹ thuật chiếu xạ ở liều chiếu tối ưu 10 - 20 kilogrey, tại liều 0,9 và 7 kilogrey thì sẽ xảy ra quá trình polymer hóa bức xạ và biến tính bức xạ các hệ polymer, từ đó tạo ra loại vật liệu mới, mà polymer có khả năng hút nước và trương nước phục vụ canh tác nông nghiệp là một trong những ứng dụng phổ biến nhất hiện nay trên thế giới.

BÍCH VÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất polymer trương nước từ kỹ thuật hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO