Sản xuất nông nghiệp hữu cơ – thực tế và tương lai

Tuyết Mai (ghi)| 29/10/2018 11:03

KHPTO - Trao đổi với báo KHPT về giải pháp và thực trạng nông sản hữu cơ (HC) hiện nay, Th.S Phan Văn Hiệp – Trường đại học Văn Hiến TP.HCM – cho biết, khi nói về nông nghiệp HC, chúng ta cần phải bàn đến các thành tố cơ bản của một nền sản xuất HC đúng nghĩa.

 Có 5 yếu tố chính cấu thành phương pháp canh tác HC hiện nay:

  • Hạt giống HC, được lấy từ các cây giống trồng HC, không có nguồn gốc biến đổi gen (1).
  • Đất trồng sạch, không tồn dư hóa chất (2).
  • Nước tưới sạch (3).
  • Không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trừ sâu, hóa chất diệt cỏ, các hóa chất kích thích tăng trưởng trong canh tác (4).
  • Phòng ngừa bệnh là chính, chủ yếu bằng phương pháp luân canh, sử dụng thiên địch … không chú trọng chữa bệnh cho cây trồng (5).

Trên thế giới, xu hướng canh tác HC đã phổ biến từ lâu, được nhiều quốc gia phát triển xem là xu hướng chủ đạo của phát triển nông nghiệp. Nhưng đối với Việt Nam, vẫn còn nhiều vấn đề khi áp dụng phương pháp canh tác HC trong thực tế. Xét trên các yếu tố bắt buộc của phương pháp canh tác HC, khó khăn lớn nhất nằm ở các yếu tố (1), (2) và (5). Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thiện các văn bản pháp qui của nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp HC cũng gây rất nhiều khó khăn cho việc sản xuất và tiêu thụ nông sản HC hiện nay.

Các đơn vị canh tác đúng chuẩn HC tại Việt Nam hiện nay còn rất ít, đa phần sản xuất theo các bộ tiêu chuẩn HC nước ngoài và sản phẩm dành cho xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, các sản phẩm HC chủ yếu là rau và các loại dược liệu. Tuy nhiên, các đơn vị này sản xuất theo phương pháp canh tác hướng đến mục tiêu sản xuất HC, hay còn gọi là phương pháp canh tác chuyển đổi HC. Phương pháp canh tác chuyển đổi HC tuân thủ triệt để các yếu tố (3), (4) và (5). Tuy nhiên, người sản xuất vẫn sử dụng các hạt giống đã qua xử lý hóa chất để có thể bảo quản lâu dài và tăng tỉ lệ nảy mầm. Vấn đề nan giải nhất là đất trồng, đã tích tụ rất nhiều hóa chất sau bao nhiêu năm người nông dân “ném” vào đó rất nhiều phân bón hóa học, hóa chất trừ sâu bệnh …

Tại Nhật Bản, khi canh tác HC, họ thường để đất trồng hoang hóa trong thời gian tối thiểu 5 năm để rửa trôi tự nhiên các hóa chất tồn dư trước khi xử lý đất trồng mới đưa vào sản xuất.

Nguyên tắc chủ đạo của canh tác HC là thuận theo tự nhiên, tối đa hóa sự cân bằng của hệ sinh thái, giữ được độ màu mỡ, phì nhiêu của đất trồng, giảm thiểu tác động của môi trường đến chất lượng sản phẩm. Những nguyên tắc này để người nông dân lãnh hội đầy đủ và tuân thủ chặt chẽ, đòi hỏi các cơ chế quản lý hiệu quả của nhà nước, sự quảng bá rộng rãi của truyền thông và nhất là đòi hỏi cái tâm của người sản xuất. “Những yếu tố trên hiện nay đều thiếu và yếu và nếu không khắc phục được các yếu tố trên, thì rất khó để mở rộng và phát triển nền nông nghiệp HC hiện nay của chúng ta”, ThS. Hiệp nhận định.

Thị trường nông sản HC nội địa hiện nay có qui mô rất nhỏ và có thể nói là rất hỗn loạn. Sự hỗn loạn này đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là các đơn vị sản xuất và phân phối nông sản HC hoạt động theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, đánh lừa người tiêu dùng. Điều này cũng dễ hiểu, khi chưa có Bộ qui chuẩn của nhà nước, cũng như chưa có bất kỳ một đơn vị chứng nhận độc lập nào trong nước thực hiện chứng nhận qui trình sản xuất HC. Người tiêu dùng không có bất kỳ một danh mục,  các qui chuẩn nào để xác nhận sản phẩm họ mua có đúng là sản phẩm HC hay không? Việc thiếu quảng bá các lợi ích đúng nghĩa của sản phẩm HC đến người tiêu dùng cũng gây ra sự ngộ nhận của họ đối với việc mua và sử dụng sản phẩm HC. Có thể nói hiện nay, có sự “nói quá lên” đối với các lợi ích của sản phẩm HC để đẩy giá của nông sản này lên rất cao so với mặt bằng chung để thu về nhiều lợi nhuận nhất của các nhà phân phối. Giá cả khá cao của nông sản HC so với mặt bằng chung cũng là một nguyên nhân làm cho sản phẩm HC khó tiếp cận với thị trường tiêu thụ với đa số những người có thu nhập trung bình như hiện nay.

Như phần trên đã phân tích, người tiêu dùng hiện nay không có bất kỳ một Bộ qui chuẩn HC nào để dựa vào đó nhận biết sản phẩm HC trên thị trường. Để có thể nhận biết sản phẩm HC sản xuất nội địa, gần như người tiêu dùng chỉ còn biết sử dụng kinh nghiệm và cảm quan của bản thân. Đối với các loại rau HC, do quá trình phát triển tự nhiên kéo dài hơn so với phương pháp canh tác hóa học, nên màu xanh của rau HC là màu xanh “trung thực”, không quá đậm. Các lá rau HC mọc rất cân đối trên thân, các đường gân lá nổi rõ. Thân rau HC không mọng nước như rau thường. Rau HC lâu héo úa và khi khô héo, chỉ cần phun nước qua là rau sẽ tươi lại rất nhanh. Đặc biệt các loại rau gia vị HC giữ được mùi vị đặc trưng rất đậm đà.

Sản xuất nông nghiệp HC là xu hướng phát triển của thế giới cũng như tại Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, những khó khăn đến từ sự thiếu vắng cơ chế quản lý của nhà nước, thiếu vắng sự quảng bá của các đơn vị truyền thông, yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực dựa trên tỉ suất diện tích đất nông nghiệp/dân số của Việt Nam hiện nay còn quá thấp … có thể nói thị trường nông sản HC còn rất nhiều gian nan phía trước để phát triển. Với thị trường nội địa, mới chỉ có rau sạch HC, trà HC và thịt sạch HC là đã xác lập được chỗ đứng ban đầu tương đối vững chắc ở các đô thị lớn, nơi có tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, là đối tượng tiêu thụ chính của các dòng sản phẩm này.

Vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang ở mức báo động, niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm xuống rất thấp. Phương pháp canh tác HC để cho ra đời các loại rau củ quả đầy đủ dinh dưỡng, an toàn tuyệt đối, thơm ngon sẽ góp phần giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của nhà nước, trước mắt cần ban hành Bộ qui chuẩn quốc gia về sản xuất HC; giải quyết cơ chế thành lập các tổ chức chứng nhận HC độc lập có đầy đủ uy tín và được quốc tế thừa nhận; tạo chơ chế thông thoáng cho nghiên cứu khoa học về sản xuất nông nghiệp HC …

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ – thực tế và tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO