Rà soát nội dung dư luận bức xúc trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1

A.T| 19/10/2020 13:20

KHPTO - Ngày 11/10, Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) có văn bản đề nghị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 phải rà soát, báo cáo về nội dung dư luận phản ánh, bức xúc liên quan tới sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1.

Hội đồng thẩm định phải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp liên quan tới những phản ánh của dư luận trong những ngày qua về sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1.

Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở một số địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy sách giáo khoa lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu. Học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập.

Tuy nhiên, những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng có phản ánh về việc sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu.

Trước đó, ngày 5/10, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3977/BGDĐT-GDTH gửi giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học. Có 3 nội dung được Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm.

Thứ nhất là chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục. Kế hoạch này không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, đặc biệt “không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh”. Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Thứ hai, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1315/BGDĐT-GDTH ngày 16/4/2020 về hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Song song với đó, các nhà trường tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.

Yêu cầu thứ ba, các Sở GD&ĐT phải tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Sở chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các Sở GD&ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT (qua Vụ giáo dục tiểu học) theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát nội dung dư luận bức xúc trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO