Ra mắt tập sách “Tuổi trẻ Việt Nam và những ca khúc chống xâm lăng”

ĐƯỜNG TIỆM CẬN| 21/12/2020 22:13

KHPTO - Với độ dày gần 800 trang, tập sách “Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam” của tác giả Trần Văn Nhiệm (bí danh trong hoạt động bí mật là Ba Nhiệm) vừa được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM phát hành đã khiến TS. Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc - tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ cảm thấy “sốc” vì sức nặng của đề tài mà tác giả đã thể hiện, bất chấp giới hạn của tuổi tác, sức khỏe, và cả sự am tường về chuyên môn.

Theo TS. Nguyệt, xuất phát từ niềm đam mê ca hát, không khí thời cuộc và sự trải nghiệm cá nhân, khi dấn thân trong phong trào thanh niên học sinh - sinh viên ở quê nhà Bến Tre, trong chiến khu hay giữa lòng phố thị Sài Gòn, chàng thanh niên Trần Văn Nhiệm thích hát và hay hát không chỉ mê đắm những lời ca điệu nhạc du dương lãng mạn hay những ca từ, âm điệu rực lửa, đầy khí phách hùng tráng, mà còn đắm mình trong những cảm xúc da diết bằng một tình yêu dân tộc, nghĩa đồng bào.

Cuốn sách này có thể giúp người đọc hiểu rõ về bối cảnh ra đời của dòng nhạc cải cách từ sự du nhập của âm nhạc phương Tây; cũng như những phát hiện thú vị về các ca khúc được nhiều người yêu thích.

Vẫn theo TS. Nguyệt, chính những ca khúc cách mạng của giai đoạn chống Mỹ (thập niên 70) và những ca khúc tươi sáng sau năm 1975 đã khơi dây tinh thần trách nhiệm công dân của những người trẻ Việt Nam thế hệ Hồ Chí Minh hôm nay.

Theo nhạc sĩ Lê Thanh Văn, cuốn sách này được tác giả hoàn thành ở tuổi 83, được sắp xếp theo trình tự diễn tiến của lịch sử; hình ảnh của hai cuộc chiến đấu thần kỳ của dân tộc Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần được tái hiện rất sinh động nhưng cũng rất nhân văn thông qua các ca khúc; cùng với đó là những lời bình sâu sắc…

“Giữa thời điểm hiện nay, tập sách của anh như hồi kèn đánh thức nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ vốn đang say sưa với dòng nhạc thị trường”, nhạc sĩ Lê Thanh Văn, nhấn mạnh.

Tác giả Trần Văn Nhiệm tự nhận không phải là người trong giới sáng tác nhạc, chỉ là người cảm nhận âm nhạc. “Tôi vốn dĩ không phải là người trong giới sáng tác âm nhạc, cũng không phải là người nghiên cứu chuyên môn thuần túy, mà chỉ là người hưởng thụ, cảm nhận và hâm mộ những dòng ca khúc cách mạng Việt Nam”, ông nói.

“Tôi rất thích hát và hay hát. Đến trường, với tôi hồi bấy giờ là học hát. Tôi không thể nào quên không khí ca hát dưới mái trường làng. Những bài hát làm tôi phát mê và yêu thích lạ thường, bởi chúng không chỉ hay về âm nhạc và giai điệu, mà cả ở lời hát yêu nước, thương giống nòi, và không hiểu sao tất cả mãi cuốn hút tôi, đến say mê”, tác giả chia sẻ.

Tác giả Trần Văn Nhiệm nhìn nhận: “Đất nước ta đang ở thời đại chịu nhiều tác động từ nền kinh tế thị trường, nhiều thách thức lớn và nhiều thời cơ, vận hội lớn, cùng với đó là sự tiếp nhận những luồng văn học nghệ thuật khác nhau thông qua giao lưu văn hóa - kinh tế quốc tế, Internet và mạng xã hội.

Với riêng tôi, tôi có nỗi âu lo về sức sống của nhạc truyền thống cách mạng, những tác phẩm đỉnh cao của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam trong chống xâm lăng, giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ dần mai một theo thời gian.

Âm nhạc mà những thế hệ nhạc sĩ cách mạng trước đây sáng tác, là thứ vũ khí sắc bén đã phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Những khúc hát đó từng nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết quân dân, tình yêu quê hương đất nước.

Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam là một công trình mà cá nhân tôi đã dành hàng chục năm ấp ủ, công phu sưu tập, biên soạn với ước mong góp giữ cho mai sau những tinh hoa từ những ca khúc mang tầm giác ngộ lòng dân Lạc Hồng quyết vì non nước yêu quê hương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt tập sách “Tuổi trẻ Việt Nam và những ca khúc chống xâm lăng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO