Quyền lợi người mua nhà chưa được đảm bảo

Thái Đoàn| 15/03/2017 21:04

KHPT - Trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) khi gặp vấn đề liên quan tới tranh chấp, người tiêu dùng thường bị thiệt và phải nhờ đến sự phân giải của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Người mua phải “gánh” rủi ro

Theo các chuyên gia BĐS, hiện nay đa số các vụ dẫn đến tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư chủ yếu phát sinh liên quan tới chủ đầu tư cung cấp thông tin thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, sự giám sát của cơ quan quản lý chưa thật sự sâu sát. Chính vì vậy mà khá nhiều dự án triển khai rầm rộ khi các thủ tục về pháp lý chưa hoàn chỉnh hoặc không đủ khả năng tài chính dẫn tới triển khai dự án chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu. Những người mua nhà họ thực sự không am hiểu về pháp luật, phần lớn chỉ quan tâm về giá bán. Đây là kẽ hở, tạo điều kiện để chủ đầu tư có thể qua mặt được khách hàng. Trong mỗi hợp đồng mua bán nhà thường có rất nhiều điều khoản mà phần thua thiệt thường được chủ đầu tư khéo léo đổ cho khách hàng. Do đó, nếu không đọc kỹ và am hiểu tất cả các điều khoản trong hợp đồng, tranh chấp tất yếu sẽ nảy sinh. Về phía ngân hàng, do không giám sát kỹ các khoản vay của chủ đầu tư. Vì hiện nay, nhiều dự án đang được thế chấp tại ngân hàng để huy động vốn. Trong hợp đồng thế chấp chắc chắn sẽ ghi rõ là đất và nhà ở hình thành trong tương lai, đồng thời sẽ có điều khoản cho bán dự án để thu tiền trả nợ ngân hàng. Nội dung thỏa thuận thế chấp thì đã rõ nhưng vấn đề là giám sát đến đâu.

Cần chọn chủ đầu tư uy tín

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM khuyên, khi mua nhà phải chọn những chủ đầu tư uy tín. Người mua nhà phải tự biết bảo vệ mình. Việc mua một căn nhà là một tài sản rất lớn và đôi khi đó là cả một gia tài với nhiều người khi phấn đầu cả đời, nên khi mua cần quan tâm tìm hiểu thông tin thật kỹ, nhất là khi ký hợp đồng cần phải hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng.

LS. Thái Văn Chung, trưởng Văn phòng hãng luật Nguyên Giáp thì cho rằng: “Đây là điều diễn ra khá phổ biến mặc dù trách nhiệm của chủ đầu tư đã được quy định rất chặt chẽ trong Luật nhà ở, Luật xây dựng và Nghị định 99. Trong đó có nội dung yêu cầu và hướng dẫn việc công khai thông tin, báo cáo tình hình thực hiện dự án cho các cơ quan chức năng và người mua nhà trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều dự án vẫn không công bố thông tin một cách đầy đủ và chính xác. Hầu hết khi mua nhà hiện nay, người dân đều “tự bơi” xác minh thông tin. Còn cơ quan xác minh về mặt thông tin liên quan tới nhà, đất xây dựng là UBND phường, xã hoặc các phường địa chính ở các quận, huyện. Những cơ quan này chỉ cung cấp thông tin để người mua nhà tự tìm hiểu và quyết định. Còn việc kiểm tra chất lượng công trình hầu như không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Khi liên quan tới pháp luật, xảy ra tranh chấp thì chỉ có tòa án là nơi giải quyết mọi vấn đề tranh chấp. Theo tôi, phải có chế tài phạt thật nặng đối với các dự án sai phạm hoặc cho một tổ chức trung gian có thể không phải Nhà nước đứng ra tư vấn, thẩm định đối với từng chủ đầu tư, từng dự án để người mua nhà dựa vào đó làm thông tin tham khảo khi mua nhà”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi người mua nhà chưa được đảm bảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO