Quy định tài chính đang làm khó nghiên cứu khoa học

Anh Thư| 21/01/2018 15:26

KHPTO - Tại hội thảo chiến lược khoa học và công nghệ, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh do Đại học quốc gia TP.HCM vừa tổ chức, GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam cho rằng, muốn có bài báo SCI/SCIE, cần có ý tưởng mới, mà ý tưởng mới chỉ phát sinh trong quá trình nghiên cứu, không thể dự đoán trước hóa chất cần mua. Trong khi đó, quy định tài chính yêu cầu phải dự đoán trước chi tiết.

Chỉ có thể làm việc 2 - 3 ngày trong tuần, thời gian còn lại … nghỉ!

Hiện tại, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của nhóm nghiên cứu của GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam chỉ có thể làm việc 2 - 3 ngày trong tuần, thời gian còn lại phải nghỉ vì các hệ thống thiết bị quá tải. Để có thế làm việc hết khả năng, cần đầu tư thêm. Ngoài ra, phòng thí nghiệm cũng thiếu kinh phí để sử chữa và thay mới phụ tùng. GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam khẳng định: “Nếu được đầu tư thêm, có thể tăng gấp đôi số lượng công bố SCI/SCIE”.

Ngoài thủ tục tài chính phiền hà, thủ tục nghiệm thu đề tài hiện nay cũng rườm rà không cần thiết, chủ nhiệm đề tài mất rất nhiều thời gian để viết cuốn báo cáo giũa kỳ và cuối kỳ (3 cuốn/lần), GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam cho rằng: “Các cuốn báo cáo này hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong việc xếp hạng cho ĐHQG-HCM”.

Để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam nhận định: muốn hội nhập quốc tế thì cần phải tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực quốc tế, không nên sáng tạo ra những chuẩn mực riêng. Tiêu chí đánh giá nhóm nghiên cứu mạnh nên theo số lượng và chất lượng bài báo quốc tế SCI/SCIE (Q1 , Q2, Q3) cho nhóm nghiên cứu cơ bản. Số lượng và chất lượng patent quốc tế cho nhóm nghiên cứu ứng dụng. Các bài báo khác và các sản phẩm khác dùng để đánh giá nhóm nghiên cứu theo mục đích khác, không dùng để đánh giá nhóm nghiên cứu mạnh. Ngoài ra, tuyệt đối tránh việc "đã được cấp kinh phí rồi, đầu tư rồi thì nhường cho nhóm khác" vì ĐHQG-HCM không phải là 1 tổ chức từ thiện! Kinh phí đầu tư phải dựa vào hiệu quả hoạt động, cụ thể là số lượng và chất lượng bài báo SCI/SCIE hoặc patent quốc tế.

GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam đề xuất, cần áp dụng chủ trương "vắt kiệt sức các nhóm nghiên cứu mạnh" bằng cách tạo mọi điều kiện cho họ. Không đầu tư dàn trải. Ông cho rằng, các trường đại học trẻ và có nhiều công bố SCI/SCIE đang làm chuyện này rất tốt.

Một điều quan trọng không kém là phải đơn giản hóa thủ tục nghiệm thu đề tài. Chỉ cần cuốn báo cáo nghiệm thu 10 - 20 trang, không cần 3 cuốn báo cáo dày, kết quả đề tài đã thể hiện rõ trong các bài báo SCI/SCIE hoặc patent quốc tế (Nafosted đã áp dụng).

Cần những đề tài dài hơi khoảng 5 năm cho các nhóm nghiên cứu mạnh, kiểm tra hiệu quả từng năm. Từ đó giảm bớt thủ tục xin và giảm thời gian chết đợi chờ kinh phí, qua đó sẽ tăng số lượng công bố SCI/SCIE hoặc patent quốc tế. Theo GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam, đề tài 2 năm như hiện tại không thể có patent quốc tế.

Ông cũng đề nghị cần thay đổi tư duy khi xét duyệt, bởi muốn có bài báo SCI/SCIE tốt, cần ý tưởng mới. Ý tưởng có thể mới khi nộp hồ sơ, nhưng khi phê duyệt thì không còn mới. Không thể dự đoán chi tiết nội dung và sản phẩm như đề tài truyền thống. Để an toàn thì nên làm theo ý tưởng cũ để nghiệm thu dễ, nhưng không thể công bố SCI/SCIE.

ĐHQG-HCM cần đặt hàng trực tiếp cho các nhóm nghiên cứu mạnh, không xét duyệt như truyền thống, nhóm nghiên cứu mạnh phải cam kết cụ thể với ĐHQG-HCM, GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam nêu luôn ví dụ: cấp trực tiếp 5 tỷ trong 5 năm cho nhóm nghiên cứu Phan Thanh Sơn Nam, phải có sản phẩm 20 bài SCI/SCIE (Q1, Q2, Q3).

Đẩy mạnh phát triển các nhóm nghiên cứu ngang tầm khu vực và thế giới

PGS.TS.Lâm Quang Vinh, Ban khoa học và công nghệ Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) cho biết, đề tài cấp ĐHQG được phân làm 3 loại: A (tạo sản phẩm đột phá), B (liên ngành), C (thế mạnh của từng đơn vi). ĐHQG-HCM giao quyền chủ động cho các đơn vị căn cứ theo kế hoạch chiến lược của toàn ĐHQG-HCM và các đơn vị. Nhằm hỗ trợ triển khai kế hoạch chiến lược của các đơn vị, các đề tài, dự án KHCN cấp ĐHQG-HCM loại C, cấp cơ sở được giao về các đơn vị thành viên và trực thuộc trực tiếp quản lý ở tất cả các khâu theo định hướng chiến lược của đơn vị. Công tác tin học hóa hiện đã được áp dụng thí điểm tại Trường ĐH bách khoa vào các hoạt động quản lý KHCN gồm: cập nhật và quản lý lý lịch khoa, đăng ký và phản biện các đề tài trực tuyến. Hiện nay, Trường ĐH bách khoa đang phát triển công tác theo dõi tiễn độ các đề tài trực tuyến. Dự kiến cuối năm 2016 sẽ tổng kết và áp dụng trong toàn hệ thống ĐHQG-HCM.

PGS.TS.Lâm Quang Vinh cho rằng, cần có một quyết sách cho phép một số cơ chế và chính sách NCKH có tính đột phá; cần có các mô hình tổ chức KHCN mới để áp dụng các cơ chế và chính sách đặc biệt đó. Việc đột phá cần tập trung vào một số đơn vị với một số lĩnh vực mũi nhọn cụ thể để có thể tạo nên một hiệu quả nhất định ban đầu. ĐHQG-HCM đã có trên 80 nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực. Cần lựa chọn và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới và có thế nắm được các công nghệ chủ chốt ứng dụng đa ngành.

PGS.TS. Vũ Văn Tích, Ban khoa học và công nghệ Đại học quốc gia Hà Nội đề nghị, các nhóm nghiên cứu mạnh cần được đầu tư đồng bộ để trở thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Giảng viên tham gia nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN chỉ thực hiện định mức giảng dạy không quá 150 giờ tín chỉ quy chuẩn/năm để ưu tiên dành thời gian cho nghiên cứu khoa học. Sau 5 năm giảng dạy được nghỉ giảng dạy 1 học kỳ để tập trung toàn bộ thời gian cho nhiệm vụ nghiên cứu ở trong hoặc ngoài nước. Được cung cấp quyền truy cập thông tin khoa học từ các cơ sở dữ liệu của SCI, Sciendirect. . .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định tài chính đang làm khó nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO