Quy định mới về đình chỉ tuyển sinh

Như Quỳnh| 07/10/2017 11:02

KHPTO - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22/ 2017/TT-BGDĐT, trong đó có nhiều điểm mới về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học.

Cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây: không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại điều 2 của thông tư này; tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép tổ chức hoạt động đào tạo; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải đình chỉ tuyển sinh; không đáp ứng các điều kiện về mở ngành đào tạo theo thông tư này đối với những ngành đã được mở theo thông tư 08; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ sở đào tạo bị thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học khi để xảy ra một trong các trường hợp sau đây: có hành vi gian lận để được mở ngành đào tạo trình độ đại học; vi phạm nghiêm trọng quy định về tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo; hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh; vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải thu hồi quyết định mở ngành; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Quy định về mở ngành đào tạo trình độ đại học chặt chẽ và yêu cầu cao hơn

Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo, được hội đồng đại học, hội đồng trường, hội đồng quản trị quyết nghị thông qua.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo:

- Các ngành nói chung, không phải là các ngành đặc thù đã nêu ở điểm b, c, d khoản 2 điều 2 của thông tư thì phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

- Đối với những ngành thuộc nhóm ngành ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài (trừ các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc) phải có ít nhất 6 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có 1tiến sĩ và 3 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 1thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

- Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe: Giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Ngành y đa khoa: mỗi môn học phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu, trong đó có ít nhất 9 tiến sĩ; ngành y học cổ truyền: mỗi môn học phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu, trong đó có ít nhất 6 tiến sĩ; ngành răng - hàm - mặt, ngành y học dự phòng: mỗi môn học phải có ít nhất 1 giảng viên cơ hữu và trong đó có ít nhất 7 tiến sĩ; ngành dược học: mỗi môn học phải có ít nhất 1giảng viên cơ hữu và trong đó có ít nhất 5 tiến sĩ.

- Đối với ngành đăng ký đào tạo thuộc nhóm ngành nghệ thuật phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu cùng ngành hoặc ngành gần, trong đó phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo. Những ngành chưa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam, có thể thay tiến sĩ bằng nghệ sĩ nhân dân và thay thạc sĩ bằng nghệ sĩ ưu tú.

- Giảng viên cơ hữu giảng dạy ít nhất 70% khối lượng chương trình đào tạo; khối lượng kiến thức còn lại do giảng viên thỉnh giảng đã được ký kết hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo thực hiện. Các giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đều phải có bằng cấp phù hợp với nội dung các học phần được phân công giảng dạy.

Đối với cơ sở đào tạo ngoài công lập, phải có tối thiểu 40% giảng viên cơ hữu giảng dạy ngành đăng ký đào tạo trong độ tuổi lao động.

Trường hợp triển khai đào tạo tại phân hiệu cách xa trụ sở chính hoặc không thuận lợi về phương tiện đi lại (giảng viên không thể thường xuyên đi về trong ngày để thực hiện giảng dạy) đối với ngành đào tạo đã được cho phép mở ngành đào tạo ở trụ sở chính thì điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu thuộc phân hiệu phải đảm bảo tối thiểu bằng 40% so với quy định chung.

Chương trình đào tạo của ngành đăng ký phải bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác; chương trình đào tạo và đề cương chi tiết các học phần của ngành đăng ký đào tạo được xây dựng đảm bảo chuẩn đầu ra, phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam hiện hành; chương trình đào tạo được thủ trưởng cơ sở đào tạo ban hành sau khi đã được hội đồng khoa học và đào tạo thông qua và sẽ thực hiện nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép mở ngành đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới về đình chỉ tuyển sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO