Quốc Tử Giám - Huế, ngôi trường danh giá

VŨ HÀO| 22/12/2016 05:44

KHPT - Trường Quốc Tử Giám (Quốc học đường) ra đời năm 1803, ở cách thành phố Huế 5 km về phía tây, tại làng An Ninh Thượng, Hương Trà. Nơi này hiện được xem là một điểm đến du lịch văn hóa - giáo dục kỳ thú.

Theo Đại Nam sử ký toàn thư, trường Quốc tử giám đầu tiên đã được thành lập từ năm 1076, dưới thời Lý, ở kinh đô Thăng Long (trong khuôn viên Văn Miếu, Hà Nội ngày nay). Sau này, vua Gia Long quyết định xây dựng tại kinh đô Huế vào tháng 8/1803, một trường học có tầm cỡ quốc gia, đặt tên là Đốc học đường (hay Quốc học đường). Đến tháng 3/1820, vua Minh Mạng căn cứ vào lịch sử, lại đổi tên trường thành Quốc Tử Giám.

Lúc ra đời, trường nằm bên cạnh Văn Miếu, mặt quay ra sông Hương. Thời Gia Long, quy mô trường còn nhỏ, chỉ gồm một tòa chính ở giữa và hai dãy nhà tả hữu, dùng làm chỗ để quan chánh, phó đốc học giảng dạy. Sang thời Minh Mạng, quy mô của trường được phát triển lớn hơn, năm 1821, vua cho dựng tòa Di Luân Đường, một tòa giảng đường và hai dãy nhà học hai bên, mỗi dãy 19 phòng học. Đến thời Tự Đức, trường tiếp tục được mở mang, xây thêm một tòa nhà 9 gian. Xung quanh trường có tường gạch bao bọc.

Nhận thấy trường xa kinh thành bất tiện, đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong thành nội. Trường lúc ấy gồm có: chính giữa là Di Luân Đường; hai bên là hai dãy phòng học; trước mặt là hai dãy cư xá của sinh viên, phía sau là tòa Tân Thơ Viện, hai bên là nhà ở của quan Tế Tửu, Tư Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các giáo chức. Năm 1923, Tân Thơ Viện được trưng dụng, trở thành Bảo tàng Khải Định (Musée Khải Định), nên trường phải lập một thư viện mới đặt tên Thư viện Bảo Đại, ở phía sau Di Luân Đường. Từ đó đến tháng 8/1945, Quốc Tử Giám không có sửa sang gì nữa.

Cả cơ sở vật chất lẫn tổ chức hoạt động khá hoàn chỉnh dưới thời Tự Đức. Các phòng học kiên cố được xây dựng theo phong cách kiến trúc “thuộc địa” của người Pháp. Nền nhà xây cao để tránh lụt, bên trong tòa nhà có hệ thống hồi lang chạy bao quanh cả 4 mặt, nền nhà được lát gạch hoa, trần nhà đóng phông bằng ván ép. Tấm bia Huỳnh Tự Thư Thanh (nghe tiếng đọc sách) ngày xưa vốn đặt trong phạm vi Trường Quốc Tử Giám ở phía tây chùa Thiên Mụ, cũng được mang về và vị trí của nó vẫn đặt phía trước của Di Luân Đường. Ngoài ra còn có tấm bia Thị Học khắc nội dung chính là khuyến khích việc học của vua Tự Đức, thường thân hành đến thăm trường, khảo sát trình độ học vấn của các giám sinh. Nhà vua hay chữ này thường tổ chức những buổi Thị Học (xem xét việc học tập) nhằm động viên sĩ tử phát huy hết tài năng của mình trong học tập. Trên bia Thị Học, vua Tự Đức làm một bài văn và 4 bài thơ nội dung khuyên răn các Giám sinh (học sinh trường Giám) phải cần mẫn, trung thực trong việc học.

Vào học Quốc Tử Giám là mơ ước của biết bao nho sĩ ưu tú. Xét về mặt hành chính, Quốc Tử Giám là trường dạy “làm quan” duy nhất trên toàn đất nước, nên tất cả sĩ phu nuôi mộng công hầu khanh tướng đều quy tụ về đây. Những người đã thi đỗ tú tài, cử nhân tiếp tục học tập chờ đợi thi đỗ cao hơn, sẽ được bổ khuyết vào hàng ngũ quan lại của triều Nguyễn. Thời Gia Long, triều Nguyễn chỉ mở các khoa thi hương, đến thời Minh Mạng mới mở các khoa thi hội, lấy đỗ tiến sĩ.

Những người theo học ở Quốc Tử Giám được gọi chung là Giám sinh. Để phân biệt, người học được Tôn Nhơn Phủ chọn giới thiệu gọi là Tôn sinh, người do các địa phương cử lên học gọi là Cống sinh, con các quan vào trường gọi là Ấm sinh. Hàng tháng, các Giám sinh được triều đình cấp học bổng, lương thực... Với gần 150 năm tồn tại, Quốc Tử Giám đã đào tạo hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn. Trong số họ, đa số trở thành những quan chức ưu tú, là sĩ phu yêu nước thương dân như Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp...

ANH_2_si_tu_tat_ta_leu_chong_di_thi_1

ANH_8__mot_thi_sinh_trung_tuyYn_ao_rong_diYu_hanh_qua_cac_giam_khYo_Nam_YYnh_nYm_1897.

Sĩ tử lều chõng đi thi - Ảnh: T.L

Với bề dày lịch sử, Quốc Tử Giám - Huế là một trong những di tích đặc biệt quý hiếm, là học viện quốc gia duy nhất trong thời quân chủ ở nước ta. Hiện nay đã được UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc Tử Giám - Huế, ngôi trường danh giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO