Quản lý chất lượng 4.0 - Khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 16/11/2018 21:49

KHPTO - Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực về quản lý chất lượng (CL), đổi mới sáng tạo, quản trị tài sản trí tuệ, sáng nay ngày 16/11/2018 tại TP.HCM, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (gọi tắt là TĐC thuộc Sở KH&CN TP.HCM) và Hội chất lượng TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo: “Quản lý chất lượng 4.0”.

Tiếp nối những thành công của thập niên Chất lượng lần thứ nhất (1996 – 2005) và thập niên Chất lượng lần thứ hai (2006 – 2015), thành phố đã triển khai thực hiện các chương trình với các biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành và quản lý năng suất CL. Theo đó, các phong trào năng suất CL cũng góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính nhà nước bằng việc áp dụng ISO 9001 vào cơ quan hành chính.

Đỉnh điểm của phong trào là Giải thưởng chất lượng quốc gia, thành phố luôn đi đầu cả nước với 95 giải thưởng gồm 17 giải vàng, 78 giải bạc và 7 giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Hà – chi cục trưởng TĐC – cho biết, đối với công tác quản lý CL, năm 2018 Sở KH&CN đã bước đầu triển khai mô hình, phát triển phong trào năng suất thông qua việc xây dựng, hình thành các mô hình DN kiểu mẫu/mô hình năng suất điển hình về áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và CL (mô hình điểm). Trong đó, hỗ trợ nhân rộng các mô hình điểm tại các DN trên địa bàn thành phố nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và CL của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo bà Nguyễn Thu Thảo, trưởng phòng Phát triển năng suất TĐC, tổng kết hai thập niên CL, Chi cục đã tổ chức 868 lớp học (đại trà) với 30.525 lượt người tham dự; cấp giấy chứng nhận và hỗ trợ 581 DN áp dụng hệ thống quản lý CL và công cụ tiên tiến với kinh phí hỗ trợ khoảng 14 tỷ đồng.

Từ năm 2017, Chi cục thực hiện chương trình hỗ trợ theo hình thức vận dụng nhiệm vụ KH&CN nhằm đa dạng hóa các nội dung hỗ trợ và thu hút nhiều loại hình DN tham gia cũng như nâng cao hiệu quả hơn nữa đối với hoạt động hỗ trợ DN. Kết quả năm 2017, Chi cục đã hỗ trợ 824 DN với mức kinh phí hỗ trợ khoảng 8 tỷ đồng.

Nói về cơ hội và thách thức của DN trong quản lý chất lượng 4.0, TS. Ngô Văn Nhơn – chủ tịch Hội chất lượng TP.HCM – cho biết, Cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ vàng đối với Việt Nam. Chúng ta đang có lợi thế về dân số vàng và để tận dụng cơ hội này, phải thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế số, xây dựng quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Muốn như thế thì cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về quản trị DN phù hợp với xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không thay đổi, không có quyết tâm cao nắm bắt cơ hội do cuộc cách mạng sản xuất mới mang lại, DN Việt Nam có thể tụt hậu xa hơn, vì lao động chi phí thấp đang mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ, tri thức ngày càng bị nới rộng.

Dẫn chứng cho nhìn nhận “lao động giá rẻ không còn là lợi thế”, TS. Nhơn cho biết thêm, cơ cấu việc làm sẽ thay đổi khi hàng triệu công việc được thay thế bằng robot và hàng triệu công việc mới sản sinh. Nhìn cận cảnh vào ngành dệt may, ngành sử dụng lao động lớn nhất Việt Nam đã xuất hiện robot làm việc cùng con người trong các nhà máy. Theo Tổ chức lao động quốc tế, 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa, cụ thể có 86% lao động ngành dệt may của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia bị ảnh hưởng. Cùng với đó là hàng trăm ngàn người đang làm việc trong các hệ thống tổng đài trả lời của ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, pháp luật … cũng bị đe dọa.

“Trong xã hội chuyển đổi kỹ thuật số thông minh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quan niệm về chất lượng và quản lý CL sẽ thay đổi nhanh chóng”, TS. Nhơn quả quyết.

Báo cáo phân tích môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, năm 2016 Việt Nam xếp thứ 90/189 nước tham gia xếp hạng. Với sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi lợi thế cạnh tranh. Từ năm 2020 trở đi, chúng ta không cạnh tranh với các quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ hay Mexico mà là với những công ty tự động hóa của Mỹ hay Nhật Bản.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chất lượng 4.0 - Khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO