Hồi sinh những dòng kênh

Khởi Giao| 13/03/2023 09:29

Nhóm bạn trẻ Sài Gòn Xanh đến thu gom rác, khơi thông dòng chảy cho Kênh Hy Vọng (quận Tân Bình). Kênh Hy Vọng là một trong những dòng kênh ô nhiễm nhất TP.HCM. Dòng kênh như chết đi vì không thấy nước, rác thải ngập ngụa, từ thùng xốp, bọc nylon đến xác động vật chết, thủy tinh vỡ…

Những con kênh sẽ lại trong xanh

Sài Gòn Xanh là tên của nhóm bạn tuổi đời ngoài 20, yêu môi trường. Họ chủ yếu là sinh viên, nhân viên bất động sản, lái xe công nghệ, công nhân tự do... Các bạn trẻ ấy không ngại ngâm mình từ những dòng kênh đen đến các con rạch nhỏ với tầng tầng lớp lớp rác rưởi để dọn sạch, đem lại sự sống cho những con kênh, con rạch ấy. 

Trước khi dọn rác, nhóm sẽ đi khảo sát trên địa bàn TP.HCM, xem khu vực nào có rác thì quay video lại, sau đó liên hệ với chính quyền địa phương nhờ hỗ trợ xe rác. Hôm sau cả nhóm tập trung chia việc, người vớt rác bề mặt, dùng rổ vớt rác ở phía dưới mặt nước cho vào bao nilon, người thu gom, người kéo rác đến điểm tập kết.

Theo anh Nguyễn Lương Ngọc (27 tuổi, trưởng nhóm Sài Gòn Xanh) sau hơn 3 tháng hoạt động, ban đầu chỉ có 2 thành viên, đến nay nhóm đã có 10 thành viên chính thức và hơn 150 tình nguyện viên đăng ký tham gia. Dự kiến cuối tháng 2/2023, số lượng tình nguyện viên sẽ tăng lên trên 200 người.

“Ý tưởng vớt rác trên kênh rạch và thực hiện các video tuyên truyền về môi trường của nhóm lấy cảm hứng từ nhóm Padawara tại Indonesia. Với hoạt động vớt rác vì môi trường, chúng tôi hy vọng mọi người ngày càng có ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường”, anh Ngọc chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ của nhóm yêu môi trường này cho biết, mới đầu tham gia, thấy dòng nước đen ngòm, hôi thối, rác chất đống, bản thân cũng ngại. Qua vài lần tham gia, như bị “ghiền” sau khi nhìn lại thành quả một dòng kênh xanh, thực sự nghĩ rằng mình đã làm được một việc không phải đơn giản.

Anh Ngọc nói: “Các thành viên tham gia trong công việc vớt rác đều được trang bị quần áo bảo hộ lao động, găng tay, có sức khỏe để vận chuyển rác trong lúc thu gom. Trong quá trình thu gom rác, cũng gặp nhiều nguy hiểm như mảnh sành, kim tiêm, hóa chất dễ gây bỏng da, dị ứng da, hô hấp… Tôi cho các bạn tiêm ngừa uốn ván đảm bảo sức khỏe và có bảo hiểm y tế để các bạn an toàn hơn trong công việc”.

Sắp tới, nhóm sẽ làm thêm các mảng như trồng cây, xử lý pin, xóa những bức tường bị xịt sơn giúp tăng vẻ đẹp của TP.HCM. Nhóm sẽ dọn dẹp rác thải ở khu vực rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh). Đây cũng là một trong những “điểm đen” về ô nhiễm của thành phố.

Với nỗ lực vớt rác những con kênh đang ô nhiễm tại TP.HCM, đầu tháng 2/2023 vừa qua, Thành Đoàn TP.HCM đã tặng bằng khen cho nhóm Sài Gòn Xanh nhằm động viên tinh thần các bạn trẻ.

Với nỗ lực vớt rác những con kênh đang ô nhiễm tại TP.HCM, đầu tháng 2/2023 vừa qua, Thành Đoàn TP.HCM đã tặng bằng khen cho nhóm Sài Gòn Xanh nhằm động viên tinh thần các bạn trẻ.

Ông Doãn Trường Quang - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM đã gửi lời cảm ơn đến các bạn trẻ của nhóm Sài Gòn Xanh. Theo ông Quang, có thể mọi người đều thấy rác nhưng không phải ai cũng có thể xắn tay áo lên để làm. Việc làm của nhóm giúp lan tỏa những điều tốt đẹp và nâng cao ý thức của mọi người. Ông Quang hy vọng nhóm duy trì hoạt động này một cách an toàn.

TP.HCM: Xã hội hóa đầu tư, làm xanh sạch những dòng kênh

Vào ngày 27/10/2016, Thành ủy TP.HCM triển khai Chương trình hành động số 15-CTrHĐ/TU chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, TP.HCM thực hiện bồi thường và di dời được 2.479/20.000 căn nhà, đạt 12,4% so với chỉ tiêu. Đến năm 2020, số lượng nhà trên và ven kênh rạch cần di dời được xác định là 21.100 căn. Giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, đặt chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách (nhóm 1 và 2), dự kiến nhu cầu vốn là 18.073 tỷ đồng.

Ông Kiên cho biết, các dự án thực hiện mục tiêu kép - vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị bao gồm dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật qua địa bàn các quận Bình Thạnh, Gò Vấp; dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho khu vực cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh).

Dòng kênh lại xanh sau khi được các bạn trẻ dọn sạch rác rưởi, đem lại sự sống cho những con kênh, con rạch ấy.

Ngoài ra còn 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, có 8 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư công; 6 dự án đã phê duyệt dự án bồi thường, nay chuyển tiếp và tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Hiện TP.HCM tập trung nguồn lực thực hiện những dự án lớn như rạch Xuyên Tâm, Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Nhằm làm xanh, sạch những dòng kênh, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, TP.HCM quyết tâm thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Trần Kiên cho biết Sở Xây dựng TP.HCM đã làm việc với Quận 7 và ủng hộ quận nghiên cứu thực hiện 3 đề án xã hội hóa đầu tư. Nếu được UBND TP.HCM thông qua,  đây là “dự án mẫu” và sẽ triển khai áp vào các dự án khác.

TP.HCM tập trung nguồn lực thực hiện những dự án lớn như xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Cụ thể, ông Kiên cho biết thêm, các dự án được đề xuất thí điểm gồm: Dự án ao Song Tân hơn 21.240 tỷ đồng, dự án rạch Bần Đôn 3.100 tỷ đồng và dự án sông Ông Lớn gần 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, muốn xã hội hóa, bắt buộc phải mở rộng ranh giải tỏa đền bù, còn nếu không mở rộng ranh, không thể xã hội hóa được vì không có nguồn thu. Khi doanh nghiệp vào đầu tư, họ phải bỏ ra một số tiền rất lớn để đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng…, nên phải có một quỹ đất nào đó để bù lại.

Vào ngày 23/2/2023, TP.HCM khởi công giai đoạn 2 dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Con kênh được cải tạo đi qua 7 quận, huyện.

Con kênh này là trục kết nối hạ tầng giao thông từ quận 12 đến Gò Vấp, Tân Bình tới Bình Thạnh, huyện Bình Chánh...; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM trong tương lai.

Theo người dân địa phương, mấy chục năm về trước, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vẫn trong xanh, mát rượi. Mỗi ngày, tàu bè qua lại dễ dàng; họ chở trái cây, chở cát vào cho dân xây nhà ở. Nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư trong khu vực trở nên đông đúc kéo theo rác thải, ô nhiễm. Dòng kênh xanh biến mất, thay vào đó là mặt nước đen ngòm, hôi thối.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được cải tạo đi qua 7 quận, huyện. Con kênh này là trục kết nối hạ tầng giao thông từ quận 12 đến Gò Vấp, Tân Bình tới Bình Thạnh, huyện Bình Chánh...; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM trong tương lai.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Quản lý dự án thuộc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Đô thị TP.HCM (chủ đầu tư), cho biết giai đoạn 2 này hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng cho toàn dự án: Xây kè bê tông hai bờ kênh, nạo vét lòng kênh, xây đường giao thông chạy dọc hai bờ kênh rộng 7 - 12m, có vỉa hè 3m. Ngoài ra, giai đoạn này còn xây 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, ba cây cầu cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh...

Sau khi dự án hoàn thành, dòng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được hồi sinh. Theo đó, ngoài hiệu quả chống ngập được nâng cao, dự án còn giải quyết ô nhiễm đem lại bầu không khí trong lành, dòng nước xanh trong cho người dân.

Một con kênh khác cũng được hồi sinh và chỉnh trang là kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, đường Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua địa bàn quận có đoạn cống hộp và cống hở. Cống hộp có ưu thế là người dân không còn xả rác bừa bãi, mùi hôi thối cũng không còn; khu vực dân cư lân cận sạch sẽ, văn minh hơn. Con đường cũng giúp giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường Âu Cơ, Thoại Ngọc Hầu và một số con đường nhỏ. Đối với đoạn đường cống hở, tuy mặt bằng không đẹp, nhưng cây xanh nhiều nên không khí mát mẻ.

Ông Trần Phúc Chương, Phó Chủ tịch UBND Quận 11, cho biết, đường Kênh Tân Hóa - Lò Gốm đi qua địa bàn quận đã giúp cho khu vực đường liên quận phát triển như Trịnh Đình Trọng, Tống Văn Trân, Lạc Long Quân, Khuông Việt… Từ con đường kênh, đoạn đường từ Quận 11 đi qua các Quận Tân Phú, Quận 6, Quận Tân Bình rất gần, thay vì trước kia phải đi đoạn đường dài gấp 2-3 lần.

Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm được thực hiện từ năm 2010 gồm lắp đặt cống hộp, xây dựng đường đi trên cống hộp trên địa bàn; xây dựng đoạn kênh hở; đầu tư mở rộng, nắn dòng chảy và làm đường dọc kênh.

An Nguyễn (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh những dòng kênh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO