Phụ huynh cần quan tâm khi trẻ đau bụng

CẨM NGỌC| 05/01/2020 19:08

KHPTO - Trẻ dưới 2 tuổi, chưa diễn tả được cảm giác đau bụng. Vì vậy, các bà mẹ cần biết trẻ đau như thế nào để có hướng xử trí kịp thời.

Cứ ngỡ do thời tiết thay đổi, khiến bé mệt nên chị Huyền ra hiệu thuốc gần nhà mua vài viên thuốc cảm cúm cho con uống. Sang ngày thứ ba, bé Ngọc Anh bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày và nôn ra nước vàng. Chị Huyền vội đưa con gái đến Bệnh viện nhi đồng thành phố, cấp cứu.

Những dấu hiệu nguy hiểm

Nhập viện trong tình trạng cơ thể bị suy nhược, mất nước do nôn và tiêu chảy gây ra, bé Anh gần như bị kiệt sức.

Qua các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phúc mạc. Sau gần một tuần điều trị, uống thuốc, truyền nước, sức khỏe của bé dần hồi phục.

Các bác sĩ cho biết, rất may chị Huyền đã đưa con đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng của bé.

PGS.TS. Nguyễn Gia Khánh, khoa tiêu hóa, cho biết: “Đau bụng là một triệu chứng rất thường gặp ở trẻ em. Khi trẻ bị đau bụng, tùy mức độ cơn đau, trẻ thường quấy khóc, biếng ăn, không chịu chơi đùa. Nếu cơn đau dữ dội, trẻ khóc ưỡn người từng cơn, khóc thét, tái người, vã mồ hôi, bỏ ăn...”.

Những biểu hiện trên thường đi kèm với các triệu chứng khác như: nôn vọt, nôn liên tục, nôn ra nước vàng hoặc tiêu chảy ra phân nước, phân có máu. Đôi khi trẻ không đi tiêu được, bụng sẽ bị trướng, kèm theo sốt.

Khi gặp tình trạng bất thường như vậy, ba mẹ tuyệt đối không được cho bé dùng bất cứ loại thuốc giảm đau nào.

Lời khuyên của bác sĩ

Căn cứ vào các biểu hiện của đau bụng, người không có chuyên môn rất khó đoán bệnh. Ba mẹ phải theo dõi sức khỏe của trẻ thường xuyên. Nếu thấy tình trạng trên lặp lại nhiều lần, cần đưa bé đến bệnh viện ngay.

Đối với các bé dưới 2 tuổi, đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân: ngoại khoa cấp cứu và nội khoa.

Những nguyên nhân ngoại khoa cấp cứu cần được chẩn đoán và xử trí sớm như lồng ruột, tắc ruột, giun chui ống, viêm tụy cấp, viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, xoắn ruột, thoát vị bẹn nghẹt.

Trong trường hợp này, tình trạng bệnh thường ngày càng nặng, kèm theo nôn, trướng bụng. Trẻ cần được khám và chẩn đoán phân biệt bằng nhiều biện pháp như chụp X-quang, siêu âm. Nếu chữa trị chậm, bệnh thường để lại nhiều biến chứng như hoại tử ruột, ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.

Trường hợp đau bụng do nguyên nhân nội khoa ít nguy hiểm hơn, thường kèm theo các triệu chứng: tiêu chảy, sốt, nôn, đau bụng giun.

Ngoài các dấu hiệu đau bụng trên, trong một số trường hợp, bạn có thể tự chẩn đoán xem bé rơi vào tình trạng đau bụng nào.

Chẳng hạn, khi trẻ bị đau bụng âm ỷ ở phần dưới rốn, ấn tay vào thấy có khối cứng, có thể trẻ bị táo bón. Bạn nên chờ vài giờ, sau khi trẻ đi tiêu, nếu thấy hết đau, bé chỉ cần uống thuốc nhuận tràng do bác sĩ kê đơn là được.

Nếu bé bị đau thắt bụng, dù bên trái, phải hay phía trên rốn, bạn nên đưa bé đi khám ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh cần quan tâm khi trẻ đau bụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO