Phỏng vấn nhanh KS. Diệp Bảo Cánh - phó chủ tịch hiệp hội nhựa TP.HCM: Cần sớm có quy định về tiêu chuẩn cho ngành nhựa tái chế

28/09/2007 15:40

Nhiều ngày qua, thông tin một số sản phẩm nhựa tiêu dùng trên thị trường đã được làm bằng nhựa tái chế, thậm chí có thể là cả nhựa tái chế từ rác thải y tế khiến người tiêu dùng thật sự lo lắng. PV báo Khoa Học Phổ Thông đã trao đổi với KS. Diệp Bảo Cánh (ảnh), phó chủ tịch Hiệp hội nhựa TP.HCM xung quanh vấn đề tái chế nhựa.

Ông Diệp Bảo Cánh cho biết:

Với góc độ người đã hoạt động kinh doanh trong ngành nhựa nhiều năm, tôi xin phép cung cấp thêm một số thông tin về vấn đề này như sau: Không chỉ riêng ở Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều coi việc thu hồi - tái chế - tái sử dụng vật dụng nhựa là cần thiết và bắt buộc. Nhựa - khó tiêu hủy được trong môi trường tự nhiên, không đốt được cũng không chôn được (tiêu hủy bằng hai cách này sẽ gây ô nhiễm tổn hại môi trường nhiều hơn), vì vậy tái chế và tái sử dụng là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường. Ở các nước phát triển, ngành thu hồi tái chế nhựa còn được khuyến khích, được tài trợ về vốn, ưu đãi về thuế từ các cơ quan chức năng. Nếu đứng trên góc độ chuyên môn, nhựa đã qua sử dụng nếu tái chế đúng quy trình, đúng phương pháp thì hoàn toàn có thể sạch như là nhựa nguyên sinh. Điều quan trọng ở đây là các doanh nghiệp sản xuất nhựa tái chế, bắt buộc phải sản xuất đúng quy trình, đúng phương pháp. Một số quy tắc cụ thể như: không làm ô nhiễm nơi sản xuất và môi trường xung quanh (nước thải, chất thải phải được xử lý trước khi thải ra môi trường); phân loại theo chủng loại nhựa, nguồn gốc; dùng thiết bị sản xuất đúng chuẩn, đúng phương pháp; tùy chất lượng tái chế, sử dụng nhựa tái chế vào các mục đích khác nhau. Sản phẩm tái chế có chất lượng thấp sẽ sử dụng vào sản xuất các mặt hàng không đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Ví dụ chai PET đựng nước uống, sau thu hồi tái chế thường được dùng làm tấm trần,hoặc kéo sợi làm bông trong thú nhồi bông. Túi xốp PE thu hồi từ bãi rác pha màu đen để làm túi đựng rác...

PV: Việc sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế thay cho nguyên liệu chính phẩm có phải vì mục tiêu lợi nhuận?

- Đứng trên góc độ chuyên môn và góc độ kinh tế, tôi cho rằng nhựa tái chế - một cách quá sơ sài (như đã mô tả thông qua báo chí trong thời gian vừa qua) - để sản xuất ra các vật dụng chứa thực phẩm là điều không khả thi, khó tiêu thụ được. Hiện nay người tiêu dùng có rất nhiều sự chọn lựa về các sản phẩm nhựa có chất lượng cao, được sản xuất bởi các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, có uy tín về thương hiệu. Có thể nêu ví dụ cụ thể là chai PET đựng nước tinh khiết, sản xuất chai thành phẩm từ nguyên liệu chai PET tái chế giá thành không thấp hơn bao nhiêu, so với sử dụng nguyên liệu chính phẩm. Thực tế hầu như các doanh nghiệp ngành nhựa thường chọn cách sử dụng nhựa PET tái chế để sản xuất loại chai yêu cầu vệ sinh thấp (chai đựng thuốc bảo vệ thực vật), gần như không dùng sản xuất lại chai đựng nước vì chai sẽ có chất lượng kém, rất khó tiêu thụ. Nhựa chai PET tái chế còn một hướng giải quyết khác nữa là đem bán sang Trung Quốc. Hiện các doanh nghiệp của Trung Quốc sẵn sàng mua với giá từ 700 - 750 đô la/tấn nhựa PET phế liệu (chỉ cần băm nhỏ chứ không cần tạo hạt lại). Theo tôi được biết, Trung Quốc dùng nhựa PET tái chế để kéo sợi làm bông và làm vật liệu xây dựng.

Nhân đây tôi xin phép có một vài kiến nghị với các cơ quan chức năng: ngành tái chế về mặt tích cực phải khẳng định là ngành vô cùng cần thiết và có ích cho xã hội, nên cần phải có chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng đầu tư mua các thiết bị đúng chuẩn để làm tái chế; sớm ban hành các văn bản pháp quy có tính định lượng tiêu chuẩn rõ ràng về ngành tái chế (môi trường sản xuất, môi trường xung quanh, sản phẩm làm ra...); cần sớm có quy định tiêu chuẩn cụ thể về bao bì thực phẩm nói chung, và bao bì thực phẩm bằng nhựa nói riêng (quy định về cách ghi những nội dung khuyến cáo trên bao bì thực phẩm)...

PV: Ông có thể tư vấn cho người tiêu dùng trong việc chọn mua, và sử dụng các sản phẩm bằng nhựa trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong ăn uống?

- Chỉ mua những sản phẩm nhựa của các công ty, đơn vị lớn có uy tín về thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm nhựa dùng trong ăn uống nên chọn loại có màu sắc trong suốt, màu trắng, hoặc màu tươi. Không dùng loại có màu đen, có đốm đen không đều, màu sậm. Khi đựng thức ăn nóng (trên 800C) nên lưu ý dùng loại chuyên chịu nhiệt, ví dụ như hộp PP chịu nhiệt (loại trong suốt, thường dùng cho lò vi sóng); vật dụng nhựa dùng lâu sẽ bị lão hóa, nên thay thế khi thấy sản phẩm đã “bay” màu, trầy xước nhiều. Không nên dùng chai PET đựng nước uống sử dụng nhiều lần, lâu ngày. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phỏng vấn nhanh KS. Diệp Bảo Cánh - phó chủ tịch hiệp hội nhựa TP.HCM: Cần sớm có quy định về tiêu chuẩn cho ngành nhựa tái chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO