Phong trào sáng chế và đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển thị trường công nghệ

Mai Thy| 20/10/2018 22:42

KHPTO - Vừa qua, Sở KHCN TP.HCM đã tổ chức Lễ tổng kết giải thưởng sáng chế TP.HCM lần thứ V (2017 - 2018) và Lễ tổng kết 10 năm chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ TP.HCM (2008 - 2018). Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) 2018 diễn ra trong tuần qua, từ ngày 15 – 19/10/2018 tại TP.HCM.

Theo ông Võ Hưng Sơn – trưởng phòng Quản lý sở hữu trí tuệ (Sở KHCN TP.HCM), Chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ TP.HCM đào tạo nhân lực làm việc liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT) theo 3 cấp gồm: chuyên viên tài sản trí tuệ (TSTT), trưởng bộ phận TSTT và giám đốc TSTT. Sau 10 năm triển khai, chương trình đã đào tạo được 68 giám đốc TSTT, 104 trưởng bộ phận cùng 195 chuyên viên; 579 người tham gia tìm hiểu ít nhất một module (30 giờ học).

Tại buổi tổng kết, đại diện Sở KHCN TP.HCM cũng đã trao giấy chứng nhận hoàn thành các cấp cho học viên. Hiện nay, để được cấp giấy chứng nhận ở cấp độ nào, học viên phải hoàn thành xong 5 module ở cấp độ đó. Để hoàn tất chương trình với cấp độ cao nhất là giám đốc TSTT, học viên sẽ theo học khoảng 18 tháng, hoàn thành 15 module với tổng giờ học trên lớp là 450 giờ (tương đương 600 tiết).

Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Nguyễn Khắc Thanh – phó giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho biết SHTT luôn được xem là công cụ hữu hiệu trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Từ năm 2008, chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ (IAM) và giải thưởng sáng chế thành phố đã được Sở KHCN tổ chức như những hoạt động hỗ trợ cho việc phát triển thị trường công nghệ.

Với giải thưởng sáng chế, đó là việc duy trì một sân chơi cho các chủ sở hữu, tác giả sáng chế, góp phần gia tăng việc nộp đơn sáng chế và thương mại hóa các sáng chế đã được cấp Bằng độc quyền. 

Thực tế trong 10 năm vừa qua, Sở đã luôn nỗ lực duy trì và định hướng các hoạt động này trong khuôn khổ Chương trình phát triển thị trường công nghệ và Phong trào sáng tạo kỹ thuật của toàn thành phố.

Ông Thanh đồng thời khẳng định trong thời gian tới đây, Sở sẽ luôn đồng hành cùng chương trình IAM và các chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích trong việc thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường công nghệ tại thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào sáng chế và đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển thị trường công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO