Phòng tránh tác hại của bụi mịn trong không khí

BS. NGUYỄN CÁT - VIỆT THY| 07/10/2019 14:25

KHPTO - Những ngày qua, tại TP.HCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung xuất hiện tình trạng mây mù, nhìn từ xa trông giống như sương mù chưa tan lúc rạng sáng mặc dù lúc này trời đã trưa. Các chuyên gia về môi trường và y tế đưa ra nhận định về nguyên nhân và tác động của hiện tượng này.

Bụi mịn TP.HCM ở mức cao

Trước hiện tượng bất thường trên, PGS. TS. Hồ Quốc Bằng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Viện môi trường và tài nguyên - Đại học quốc gia TP.HCM) cho rằng nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của cháy rừng ở Indonesia đã mang theo các chất ô nhiễm bay tới Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo là độ ẩm trong không khí đo được khá cao từ 95 - 100%, bên cạnh đó, trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám. Và cuối cùng là do khói bụi từ các phương tiện cơ giới, các hoạt động sản xuất cũng gây ô nhiễm đáng kể đến tình hình môi trường tại TP.HCM.

Tuy vậy, PGS.TS. Hồ Quốc Bằng cũng trấn an người dân thành phố không nên quá lo lắng vì chỉ từ 2 - 3 ngày tới, tình hình môi trường chắc chắn sẽ khả quan hơn. Cụ thể, ngày 23/9, tình hình bụi mù đã giảm đáng kể trên diện rộng.

Kết quả đo đạc của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho thấy, các chỉ số chất lượng không khí đo tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người (AQI) trên địa bàn TP.HCM ở mức 128, đây là mức cảnh báo có hại cho sức khỏe. Ngoài ra, nồng độ bụi mịn (PM) đo được là 2,5; đây là mức cũng rất cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, phổi…

Ảnh hưởng của bụi mịn đến sức khỏe

Bụi mịn là loại bụi siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng 2,5 micron hay nhỏ hơn. Bụi mịn ở đâu cũng có, có khi nhiều khi ít, có khi thấy được nhưng thường là vô hình. Phần đông người Việt khó chịu vì bụi nhưng họ không biết về bụi mịn và cho rằng cái khẩu trang là giải pháp hoàn hảo mỗi khi ra đường. Câu chuyện không đơn giản vậy. Bởi thứ bụi mịn độc không tưởng này tồn tại khắp mọi nơi: bụi ngoài đường, bụi trong xe, bụi trong nhà, bụi trong tư tưởng và bụi khói hương nhang thờ cúng...

Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và rối loạn tự kỷ ở trẻ em thông qua biến đổi DNA. Bụi và khí độc, những người đang lưu thông là những người hứng chịu trực tiếp và nhiều nhất. Không có gì bảo vệ được bạn cả. Cần biết là xe máy không có bộ xử lý khí thải như xe hơi (catalytic convertor) nên số khí độc thải ra từ xe máy còn nhiều hơn xe hơi. Cái khẩu trang mọi người đang dùng chỉ có tác dụng làm an tâm mà thôi, chứ chẳng hề lọc được bụi mịn.

Biện pháp bảo vệ sức khỏe

Máy hút bụi là phụ tá đắc lực cho những bà nội trợ. Trong máy hút bụi đứng, cũng như trong các robot, đều có bộ lọc. Những máy hút bụi tốt có công suất mạnh đều có phần lọc tương thích chuẩn HEPA. Phần lớn quý bà đều thấy bực mình vì máy trở nên yếu hẳn sau một thời gian. Thật đơn giản, các bộ lọc đó cũng cần được thay định kỳ, thường là mỗi 3 tháng. Dùng máy hút bụi với bộ lọc tốt có thể làm giảm số bụi mịn trong nhà của bạn.

Khuyến cáo bạn bè, nhất là các gia đình có em bé nhỏ: Người lớn đi làm đeo khẩu trang, hôm nào ô nhiễm quá thì nên cắt hết hoạt động ngoài trời của mấy bé. Nếu được thì mua air purifier để trong nhà, loại chuyên dụng lọc PM 2.5.Vệ sinh mũi mỗi tối. Bố mẹ cẩn thận bảo vệ sức khoẻ con mình, hạn chế ra đường, dùng khẩu trang lọc bụi mịn, sử dụng máy lọc không khí trong nhà và giữ ấm mũi họng, cổ.

Khẩu trang thông thường như khẩu trang vải không thể lọc được bụi có kích thước nhỏ. Khẩu trang y tế chỉ hạn chế 30 - 40% lượng bụi. Để ngăn được bụi PM 2.5 cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Do đó, người dân cần trang bị khẩu trang N95 hoặc N99. Nếu chỉ có khẩu trang y tế thì cần mang hai cái khẩu trang tròng vào nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng tránh tác hại của bụi mịn trong không khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO