Phòng bệnh thời điểm giao mùa

VŨ ÂU| 02/04/2021 14:44

KHPTO - Miền Nam có hai mùa: mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Từ tháng 4 đến tháng 5 là thời điểm g i a o m ù a . Thời điểm này nhiệt độ trong ngày chênh lệch quá cao, buổi trưa từ 36 – 37 độ C, buổi sáng từ 27 – 28 độ C. Khoảng cách nhiệt độ này làm cho cơ thể khó thích nghi, trung khu điều hòa nhiệt độ phải thay đổi liên tục.

Dễ mắc bệnh

Khi trời nóng, lượng máu trong cơ thể dồn ra vùng ngoại biên để làm nhiệm vụ giải nhiệt. Do đó lượng máu cung cấp cho hệ tiêu hóa, hệ hô hấp giảm dẫn đến cảm giác biếng ăn, ăn không ngon, mệt mỏi…. Nắng, nóng, làm nước trên toàn bộ bề mặt đường lộ, sân… bốc hơi làm tăng ô nhiễm môi trường do bụi tăng… Không khí nhiều bụi, khói… kích thích niêm mạc đường hô hấp dễ khiến người đi làm dễ nhiễm các bệnh ho, cảm, sổ mũi, viêm thanh quản, phế quản… Trời nóng, để mát mẻ nhiều đơn vị và một số không nhỏ nhà riêng trang bị máy điều hòa nhiệt độ càng kéo dài khoảng cách nhiệt độ với môi trường bên ngoài, cơ thể phải điều chỉnh khi nóng quá, khi lạnh quá đã tạo cơ hội cho các bệnh viêm mũi họng, viêm thanh quản… Ít ai ngờ là đến hồ bơi giải nhiệt cũng mắc bệnh! Do người đông nên để làm sạch nước, các loại hóa chất làm sạch nước (clor, eau de javel…) cũng được gia tăng “quân số”. Chính các loại hóa chất này là thủ phạm gây bệnh viêm tai giữa, viêm mũi họng…

Bên trong cơ thể cũng xảy ra cuộc chiến căng thẳng với sự thay đổi nhiệt độ! Khi trời nắng mồ hôi ra nhiều khiến cơ thể mất muối và một lượng chất khoáng làm cho cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Nhiệm vụ của mồ hôi đổ là làm mát bề mặt da nhưng trong quá trình tiết ra thì lỗ chân lông cũng hở. Nóng, nhớp, mùi mồ hôi, cảm giác mất vệ sinh… buộc phải tắm nhiều, nước thấm vào cơ thể qua lỗ chân lông nên dễ bị cảm lạnh. Cụ thể: sau khi tắm một lúc, trời đang nóng hừng hừng nhưng lại thấy ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức toàn thân. Thông thường khi gặp trường hợp này người bệnh thường tự dùng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt. Sau khi dùng sẽ xuất mồ hôi, đỡ đau nhức, bệnh thuyên giảm rồi tiếp tục làm việc. Khi thấy ớn lạnh, mệt lại tiếp tục dùng thuốc. Thực tế, tại bệnh viện có nhiều người nhiễm bệnh trong thời gian dài, cá biệt có người trên 10 ngày với các triệu chứng đau nhức, ho khan, khọt khẹt suốt ngày, những ai bị bệnh lâu ngày mới hết thường cho rằng virus bây giờ độc quá, cảm ho thường tình mà cả chục ngày mới hết… Thực chất, theo bác sĩ Võ Quang Phúc, môi trường bị ô nhiễm nặng nề mà người đóng vai trò trụ cột không thể nghỉ làm vì ảnh hưởng đến thu nhập gia đình. Cố đi làm, sinh hoạt như bình thường trong khi đề kháng giảm, cơ thể mệt không được nghỉ ngơi, tiếp tục chiến đấu với vi khuẩn, ô nhiễm nên bệnh kéo dài.

Món ăn hàng ngày cũng có thể là nguồn lây bệnh nếu không hợp vệ sinh! Theo BS. Nguyễn Thị Bích Thủy – Bệnh viện quốc tế Minh Anh TP.HCM: “Bệnh đường tiêu hóa tăng nhiều, đặc biệt là bệnh lý đại tràng (tiêu chảy, đau bụng…) bị nhiều hơn. Người bị bệnh đại tràng mãn cũng dễ bị tái phát hơn. Nhiệt độ hiện nay là nhiệt độ ủ vi trùng, chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh, từ 1 con sau 4 tiếng đã đủ độc tố để gây ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm mùa này mau biến chất, mau hư”.

Phòng bệnh từ xa

Khi trở thành “bảo vệ” bất đắc dĩ của nhà vệ sinh nên uống bù nước và dùng món ăn bài thuốc. LY. Đinh Công Bảy hướng dẫn: “Với trường hợp rối loạn tiêu hóa nên dùng cháo cà rốt, hạt sen”. Với món cháo nên hầm nhừ cà rốt, hạt sen với gạo trắng hoặc gạo lứt (gạo lứt khó ăn hơn nhưng trị bệnh tốt hơn) sẽ cầm tiêu chảy. Trường hợp bị đi ngoài nhiều lần nên ăn cháo trắng với thịt kho gừng, sả… Ăn cháo thịt nạc thêm gừng tươi xắt chỉ, hành, tiêu…, uống trà gừng sẽ thấy cuộc chiến vùng bụng trở nên… im ắng. Sau một hai bữa dùng món ăn làm thuốc, uống bù nước mà bệnh không thuyên giảm hoặc đi nhiều hơn chứng tỏ lượng virus đã đông đảo… nên đi khám bác sĩ để dùng thuốc tiêu diệt chúng.

Việc dùng thuốc ngay sau khi bị ớn lạnh là điều không nên vì thuốc trị cảm cúm tuy không phải thuốc kê toa nhưng vẫn có tác dụng phụ suy gan , suy thận. Nên tận dụng các bài thuốc giải cảm. Cụ thể, mua lá xông tại các chợ, siêu thị, nấu sôi dùng chăn mền phủ lại, mở nắp từ từ xông trong vòng 10 phút. Khi mồ hôi ra và người ấm thì lau khô. Dùng cháo nấu từ tía tô, hành lá, đập một quả trứng gà ta vào, dùng nóng. Nhờ phương pháp đông y nội công (ăn cháo giải cảm) và ngoại kích, xông hơi tinh dầu nóng sẽ giúp cơ thể đuổi hàn khí. Khi cơ thể ớn lạnh, bải hoải, đau nhức là lúc các loại virus, vi khuẩn đang hoành hành. Có thể nói đây là cách đuổi virus, vi khuẩn ra khỏi cơ thể mà không tốn một viên thuốc nào. Thông thường chỉ một lần là khỏe, tuy nhiên cần nghe ngóng cơ thể nếu vẫn thấy không ngon miệng, đau nhức, khó thở thì nên xông thêm lần nữa vào ngày hôm sau. Nếu không hết sốt, nhức mỏi thì nhập viện để điều trị. Khi bị ho, khàn tiếng nên uống nước giá, súc miệng nước muối, khan tiếng cần súc nước muối làm sạch vùng hầu họng để mau hết bệnh. Nếu sau một ngày mà thấy tình hình không thuyên giảm, cổ họng đau, tiếng ho có âm vang, đau… nên đi khám bệnh vì virus đã vào phế quản, phổi.

Theo BS. Võ Quang Phúc thì để phòng bệnh cúm, viêm nhiễm đường hô hấp… khi di chuyển trong thành phố cần mang khẩu trang tránh khói bụi. Chú ý: uống nhiều nước: cơ thể mất nước qua mồ hôi, đặc biệt nên uống những loại nước có muối khoáng bù chất khoáng thất thoát. Tốt nhất là uống thêm chanh muối, cam vắt, nước chanh… vì chúng đáp ứng đủ nước, khoáng chất, sinh tố C… mà cơ thể đang cần. Nên uống buổi sáng sớm giúp tăng sức bật tăng năng suất, không uống buổi tối sẽ… khó ngủ. Dinh dưỡng trong mùa này rất quan trọng, cần ăn món dễ tiêu để hệ tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng. Ăn ngay sau khi nấu xong. Ưu tiên dùng thức ăn, thức uống nhiều sinh tố C trợ lực cho hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch như: canh chua, canh hến nấu me, canh cá nấu với cà chua thì là, tôm kho khế, gà nấu thơm… Khi nhiệt độ tăng, mồ hôi thoát ra nhiều để cơ thể mát hơn vì thế cần uống nhiều nước. BS. Nguyễn Thị Bích Thủy lưu ý, hạn chế uống nước đá bởi đây có thể là nguồn lây bệnh, nếu nước làm đá không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Nên uống nước chín đun sôi để nguội.

Ngoài các bệnh thông thường nêu trên, mùa này cần cảnh giác với bệnh cúm gia cầm do virus H7N9 gây ra, bệnh nguy hiểm vì có khả năng gây tử vong. Bệnh lây từ gia cầm sang người (người nuôi, người giết mổ và người ăn phải thịt gia cầm bệnh). Người mắc bệnh có triệu chứng sốt, ho khan, đau ngực, khó thở rồi suy hô hấp, trụy tim mạch khiến tử vong nhanh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng bệnh thời điểm giao mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO