Phở Hòa - Pasteur: Món ngon nhớ mãi!

Hương Anh| 19/10/2017 16:21

HKPT-Gần 50 năm, trải qua những thăng trầm, không chỉ nổi tiếng ở đất Sài Thành mà hương vị của Phở Hòa Pasteur còn được nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ biết tới… Báo Khoa Học Phổ Thông - Chuyên đề Dinh dưỡng đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Xiêm, chủ quán phở Hòa nổi tiếng trên đường Pasteur,  Q.3, TP.HCM.

Thương hiệu từ người bán phở rong

- Phở Hòa có từ khi nào thưa bà?

Cách đây gần 50 năm rồi, con đường này còn được gọi là “đường phở”, bởi kéo dài mấy cây số có tới hơn chục xe phở. Nếu nói tới đi ăn phở thì ai cũng chỉ nghĩ tới đường Pasteur. Ngày đó không có quán hàng sầm uất như giờ đâu, vậy mà cũng đông khách lắm. Cứ khoảng 4 giờ chiều tôi cùng mẹ và dượng đẩy xe phở ra đường và 12 giờ đêm thì dọn vào.

- Vì sao lại có tên “Phở Hòa” mà không phải tên ông bà hay con cái của ông bà?

Phở Hòa là từ gánh phở rong của một người đàn ông tên Hòa, với chiếc xe đẩy cà tàng, ông Hòa chuyên đẩy xe đi bộ từ chợ Xóm Mới (Q. Gò Vấp), đi cả gần 20 cây số mới tới đường Pasteur để bán, mẹ và dượng của tôi phục tính chịu thương chịu khó của người đàn ông này và ông ấy có duyên bán hàng thật lạ, hàng chục xe phở rong bán cùng địa điểm nhưng hàng ông khách đông lắm. Cũng là một cái duyên, ông đã để lại gánh phở cho gia đình tôi, và không ngại truyền đạt lại một số kinh nghiệm nấu nướng. Mẹ và dượng tôi cũng là người chịu khó mày mò học hỏi, nên khi tiếp nhận gánh phở cũng nhận được sự hài lòng từ khách hàng. Cũng chính vì cảm ơn ông Hòa nên gia đình tôi không đổi tên tiệm mà giữ nguyên tên “Phở Hòa” từ ngày đó.

Làm nên thương hiệu lớn

- Tiệm đông khách từ sáng tới đêm, bí quyết thu hút khách của bà là gì?

Ngày tôi còn phụ mẹ bán ở lề đường, khách đã đông không còn chỗ ngồi, tới giờ cũng vậy, có lẽ cũng là “thiên thời địa lợi”, và có cả sự may mắn nữa. Nói thì như vậy, bởi kinh doanh đôi khi cũng nhờ sự may, song buôn bán phải có cái hậu. Tôi quy định rất rõ và rất riêng cho truyền thống nghề của gia đình. Quán có duy nhất phở bò, chỉn chu từ khâu xắt thịt, tới những cái nhỏ nhất như cọng rau thơm, lát chanh hay những bình nước mắm... Không vì vật giá tăng, hoặc chạy theo lợi nhuận, khi thấy khách đông mà thay đổi bớt giảm nguyên liệu trong một tô phở. Miếng tái luôn đầy đặn, sợi phở mềm nhưng dai, đặc biệt đồ xương hầm nước lèo, đến  thịt bò, hay cọng rau, cọng giá luôn tươi mới và sạch sẽ, nên có khách ăn sành nói: “Miếng tái của phở Hòa mới đúng là tái vì không có mùi tủ lạnh. Hay nước lèo luôn có vị rất riêng, rất vừa miệng, ăn hết cái phở cũng muốn húp hết nước lèo”.

- Đã có những thương hiệu mới của phở chiếm lĩnh thị trường, vậy mà  Phở Hòa vẫn đua cùng thời gian?

Đến đây không chỉ là những gia đình, bạn bè mà còn có những đoàn du lịch của nước ngoài, hay những vị khách nước ngoài yêu thích phở Việt Nam, nên khách hàng của tôi đa dạng lắm, người Việt nhiều và người nước ngoài cũng nhiều không kém. Nhiều nhất là người Hàn Quốc  sống bên  quận 7 và khách Nhật Bản thường đưa gia đình sang ăn trưa, ăn tối. Tôi nhớ nhiều lần khách nước ngoài ăn xong ra chỗ tôi bán và giơ ngón tay cái lên ký hiệu là “ngon số một” và cảm ơn. Đó là niềm vui khôn tả đối với gia đình tôi.

- Bà có ý định mở rộng kinh doanh?

Tôi có suy nghĩ: ít mà chất lượng. Hình như con người tôi là thế, nếu tôi không trực tiếp “nhúng tay” là không yên tâm, đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, tôi đã giảm dần việc trực tiếp đứng bán và chuyển giao dần cho các con, nhưng thói quen ra quán, trực tiếp nêm nếm gia vị, để cho tô phở được tươi ngon thì tôi mới thực sự yên tâm. Không ra quán đứng bán, tôi nhớ nghề chịu không nổi! Cũng có nhiều nơi mời hợp tác mở chi nhánh ở quận khác hay nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, nhưng tôi không muốn mở rộng ra mà chất lượng lại bị “nhạt” đi. Thế nên Phở Hòa chỉ có duy nhất tại Pasteur.

Coi trọng truyền thống gia đình

- Trong tiệm phở Hòa có treo 4 câu thơ: “Thông điệp của gia đình là đạo đức/ Vẻ đẹp của gia đình là thứ tự/ Vinh quang của gia đình là hiếu khách/ Hạnh phúc của gia đình là sự thỏa lòng”. Đó có phải là truyền thống của gia đình?

Đúng vậy! Ông nhà tôi treo lên đó như lời nhắn nhủ các con, gia đình tuy làm kinh doanh nhưng phải làm bằng cả cái tâm cái đức, lòng mến khách và sự chân thực đó là đạo lý gia truyền của gia đình. Tôi quan niệm, người Việt Nam dù cuộc sống có thay đổi thế nào thì đạo đức, sự kính trọng lễ giáo Á Đông vẫn đặt lên hàng đầu, để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sự mến khách cũng là một đức trong kinh doanh và nhất là khi phở đang trở thành món ăn đặc trưng, và có thể đại diện cho món ăn của người Việt. Đó cũng thể hiện nét văn hóa Việt để du khách nước ngoài khi họ tới Việt Nam và ra đi còn mãi dư âm…

- Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phở Hòa - Pasteur: Món ngon nhớ mãi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO