Phẫu thuật thành công bệnh nhân bị thận ứ nước bằng nội soi tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản

Hoài Vũ| 03/12/2018 09:45

KHPTO - TS.BS. Trương Hoàng Minh, trưởng khoa ngoại niệu ghép thận Bệnh viện nhân dân 115 cho biết đã phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân bị thận ứ nước bằng nội soi tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản.

Bệnh nhân N.V.L, nam, sinh năm 1976, khởi phát triệu chứng đau hông lưng phải âm ỉ khoảng 1 năm, đã đi khám nhiều nơi, ghi nhận tình trạng thận ứ nước độ I, nhưng không ghi nhận sỏi hay u bướu đường tiết niệu.

Cách nhập viện 4 tháng, bệnh nhân đến khám tại khoa khoa ngoại niệu - ghép thận, Bệnh viện nhân dân 115 và được chẩn đoán hẹp khúc nối bể thận - niệu quản phải. Bệnh nhân được các bác sĩ đặt ống thông JJ niệu quản phải ngược dòng qua nội soi. Sau đó, tình trạng đau hông lưng phải giảm.

Sau 3 tháng, bệnh nhân được rút sonde JJ. Tuy nhiên sau 2 ngày, tình trạng đau hông lưng phải tái phát kèm theo sốt nhẹ 38 độ C. Bệnh nhân được nhập viện Bệnh viện nhân dân 115 với chẩn đoán viêm thận bể thận phải, hẹp khúc nối bể thận - niệu quản phải độ II.

Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, kháng viêm trong vòng 7 giờ. Sau khi tình trạng ổn định (hết sốt, hết đau hông lưng phải, bạch cầu máu về bình thường, marker phản ứng viêm CRP máu bình thường, xét nghiệm nước tiểu và cấy nước tiểu âm tính) bệnh nhân được các bác sĩ khoa ngoại niệu - ghép thận, Bệnh viện nhân dân 115 tiến hành phẫu thuật nội soi tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản phải. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong thời gian 2 giờ 30 phút.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân diễn tiến ổn định, không sốt, được rút dẫn lưu, ra viện sau 4 ngày điều trị.

Theo TS.BS. Trương Hoàng Minh, hẹp khúc nối bể thận niệu quản là bất thường phần nối bể thận và niệu quản, gây cản trở nước tiểu từ thận xuống niệu quản, sự tắc nghẽn lưu thông nước tiểu giữa bể thận với niệu quản dẫn đến việc bể thận bị giãn to, còn gọi là thận ứ nước. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, thận có thể bị hủy hoại hoàn toàn. Bệnh thường gặp ở trẻ em, cũng có thể gặp ở người lớn, nam gặp nhiều hơn nữ.

Nguyên nhân của bệnh này có thể do tắc hẹp bẩm sinh; do mạch máu chèn ép vào niệu quản; do niệu quản cắm vào bể thận ở vị trí bất thường; do viêm nhiễm tạo sẹo hẹp; do khối u lành hoặc ác tính của đường tiết niệu…

Bệnh nhiều khi không có biểu hiển triệu chứng gì cho nên thường tiến triển một cách âm thầm cho đến khi xuất hiện các biến chứng thận ứ nước, suy thận. Cũng có khi người bệnh thấy đau hông lưng một bên, đau mơ hồ lâu ngày hoặc đau quặn, đau cách hồi kèm với buồn nôn và nôn do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản khi uống nhiều nước hay dùng lợi tiểu; tiểu máu; nhiễm trùng tiểu; sỏi bể thận.

Trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, niệu đồ tĩnh mạch, cắt lớp vi tính có thể thấy hình ảnh bể thận trên chỗ hẹp giãn to trong khi niệu quản dưới chỗ hẹp có kích thước bình thường.

Về điều trị, các bệnh nhân bị hẹp khúc nối bể thận - niệu quản không triệu chứng phát hiện tình cờ, thận ứ nước nhẹ (độ I), chức năng thận chưa thay đổi nhiều thì có thể điều trị bảo tồn không phẫu thuật, nên theo dõi thường xuyên.

Phẫu thuật được chỉ định khi có các triệu chứng, thận giãn to ứ nước (độ II, III) làm suy giảm nhiều chức năng của thận.

Các phương pháp phẫu thuật tạo hình bể thận niệu quản hoặc cắt thận mất chức năng có thể thực hiện nội soi hoặc mổ mở tùy theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu. Các phẫu thuật tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản có thể giúp cải thiện tình trạng ứ nước, cũng như chức năng của thận về bình thường, do đó cần phát hiện bệnh sớm để có các chỉ định điều trị cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phẫu thuật thành công bệnh nhân bị thận ứ nước bằng nội soi tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO