Phát triển mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững

H. VŨ| 24/05/2020 11:27

KHPTO - Mới đây, Ban quản lý dự án VnSAT Cần Thơ cùng Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Cần Thơ tổ chức tọa đàm phát triển mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững.

Mô hình liên kết sản xuất (SX) và tiêu thụ lúa gạo do Bộ NN&PTNT triển khai từ năm 2010 là phương thức SX theo hướng phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp (DN) và nông dân. Nhiều năm qua, việc thực hiện mô hình này tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đem lại hiệu quả to lớn, đó là chất lượng và giá trị lúa gạo của Việt Nam đã từng bước được nâng cao rõ rệt.

PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh - nguyên giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) cho biết: Có thể nói, SX lúa gạo mà có sự liên kết giữa 4 nhà là tốt nhất, nhưng trong đó quan trọng nhất vẫn sự liên kết bền vững giữa người SX và DN tiêu thụ sẽ mang lại lợi ích hài hòa cho tất cả các bên tham gia nếu như được thực hiện một cách toàn diện và quyết liệt.

Khi chuỗi lúa gạo của chúng ta đã hình thành liên kết, không chỉ giúp DN xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng mà còn tháo gỡ bài toán khó cho nông dân về chi phí SX và đầu ra cho lúa gạo. Đây chính là nền tảng vững chắc để tăng thu nhập cho người trồng lúa, góp phần đẩy mạnh và nâng cao giá trị lúa gạo trên thị trường. Đồng thời là tiền đề quan trọng để thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo tại Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung phát triển bền vững lâu dài.

Ông Phạm Trường Yên - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho rằng: TP. Cần Thơ có diện tích đất nông nghiệp 114.621 trong tổng số 140.000 ha đất tự nhiên, chiếm trên 80% diện tích, trong đó trên 87.000 ha canh tác lúa. Cần Thơ định hướng SX nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, thành tựu công nghệ cao nên sản lượng lúa vẫn đảm bảo trên 1,3 triệu tấn/năm. Riêng năm 2020, ước thực hiện đạt 1.332.485 tấn. Đối với vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, xuống giống 79.244 ha, sản lượng đạt 571.825 tấn, lúa hè thu 2020 xuống giống 74.100 ha, dự kiến sản lượng ước khoảng 434.260 tấn. Lúa thu đông 2020, dự kiến khoảng 64.000 ha, sản lượng ước khoảng 326.400 tấn. Tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trở lên chiếm trên 80%.

Theo ông Yên, hiện nay nông dân SX lúa gạo trên địa bàn khá thuận lợi vì đã có nhiều DN đứng ra liên kết với nông dân và hợp tác xã để cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra như: DNTN Hiếu Nhân, DNTN Trung Thạnh, Công ty CP NN CNC Trung An, Công ty TNHH nông sản Vinacam Cờ Đỏ, Công ty Nông trường sông Hậu, Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ, DNTN Thắng Lợi 2... với hình thức thu mua cao hơn giá thị trường từ 100 - 150 đồng/kg. Lợi nhuận thu được từ việc thực hiện cánh đồng lớn cao hơn ngoài mô hình 2 - 2,8 triệu đồng, do áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên giá thành SX giảm so với nông dân ngoài từ 180 - 300 đồng/kg.

Ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết: Gần 10 năm nay, công ty triển khai mô hình liên kết SX lúa gạo trong cánh đồng lớn ở các tỉnh ĐBSCL đều đem lại kết quả cao. Trước mắt, nông dân được công ty hỗ trợ vật tư nông nghiệp đầu vào và bao tiêu đầu ra, chính vì vậy nông dân yên tâm SX chú trọng về chất lượng giúp việc xuất khẩu của công ty khá thuận lợi. Bình quân mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 150.000 tấn gạo, chỉ đáp ứng khoảng 40% cánh đồng lớn ở ĐBSCL.

Theo ông Bình, hiện trong nước có hơn 200 DN xuất khẩu lúa gạo, nhưng khó nhất hiện nay có rất ít DN đứng ra liên kết bao tiêu lúa gạo cho nông dân, vì đa phần các DN không đủ nguồn lực tài chính đứng ra liên kết. Nếu liên kết thì DN phải lo toàn bộ đầu vào cho nông dân và có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm đầu ra, giá có thể cao hơn vài trăm đồng/kg so với bên ngoài.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nông dân và hợp tác xã quan tâm “làm thế nào để phát triển cánh đồng lớn trong thời gian tới một cách bền vững?”. Xoay quanh vấn đề này, ông Phạm Trường Yên - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết thêm, việc xây dựng cánh đồng lớn nhằm phát huy tinh thần hợp tác của nông dân về nhiều mặt, xóa tình trạng SX nhỏ lẻ manh mún, tạo điều kiện giúp nông dân áp dụng được đồng bộ tiến bộ kỹ thuật một cách triệt để và trong điều kiện cánh đồng lớn.

Hiệu quả khoa học kỹ thuật được phát huy cao nhất, sự hợp tác có phân công giúp sử dụng nguồn vật tư, công sức hiệu quả hơn, cánh đồng lớn cũng tạo điều kiện thúc đẩy cơ giới hóa, công nghiệp hóa nhanh và hiệu quả hơn. Nghĩa là, giá thành SX sẽ thấp. Đặc biệt, trong thời gian qua thông qua dự án VnSAT, Cần Thơ đã hỗ trợ nông dân nhiều mặt về kỹ thuật tiên tiến để áp dụng SX trong cánh đồng lớn giúp tăng năng suất, giảm chi phí tối đa. Đồng thời, giúp DN quan tâm, liên kết với nông dân và hợp tác xã tốt hơn để cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, tiêu thụ sản phẩm.

Cho đến nay, các cánh đồng lớn đều cho kết quả theo một hướng tích cực đó là năng suất, chất lượng lúa cao hơn làm riêng lẻ. Giá thành SX thấp. Sự liên kết tiêu thụ với DN tốt hơn tập quán làm riêng lẻ, năng suất giá cả đều cao, tiêu thụ lúa ổn định hơn. Tất cả những điều này giúp nông dân tránh được cảnh “được mùa mất giá”, thu nhập không ổn định. Bảo đảm thu nhập của nông dân cao hơn tập quán làm riêng lẻ, năng suất giá cả đều cao, tiêu thụ lúa ổn định hơn, nông dân được lợi nhiều mặt từ cánh đồng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO