Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Như Quỳnh| 12/10/2018 11:56

KHPTO - ThS.NCS Nguyễn Quang Trung, Trường đại học Văn Hiến khẳng định, hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã nông nghiệp (HTX.NN) kiểu mới đang là nhiệm vụ trong tâm, cấp bách trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay.

Theo ThS.NCS Nguyễn Quang Trung, HTX.NN kiểu mới phân biệt với mô hình HTX.NN kiểu cũ bởi:

- Thành lập trên cơ sở tự nguyện chứ không phải áp đặt, “từ trên xuống”.

- HTX.NN kiểu mới là tổ chức kinh tế tập thể, vì sự phát triển của kinh tế hộ xã viên, trong khi HTX.NN kiểu cũ vừa là tổ chức kinh tế, vừa là tổ chức xã hội.

- Xã viên của HTX.NN kiểu mới là thể nhân và pháp nhân (HTX.NN kiểu cũ có xã viên chỉ là thể nhân).

- Hình thức sở hữu của HTX.NN kiểu mới là sở hữu chung trên cơ sở góp vốn, đan xen giữa sở hữu tập thể và sở hữu cá thể của xã viên, khác với HTX.NN kiểu cũ là sở hữu tập thể trên cơ sở tập thể hóa tư liệu sản xuất.

- HTX.NN kiểu mới hoạt động theo cơ chế quan hệ kinh tế đa phương, tự nguyện. HTX phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự bù đắp, bảo toàn và phát triển vốn, phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh của nền kinh tế nhiều thành phần, giao lưu kinh tế, từng bước phát triển trên cơ sở luật pháp của Nhà nước. HTX kiểu cũ là cơ chế mệnh lệnh, hành chính, tập trung. Các quan hệ giải quyết đầu vào, đầu ra trong hoạt động kinh tế chủ yếu thông qua các tổ chức kinh tế Nhà nước (công ty vật tư nông nghiệp, công ty lương thực, công ty giống…, hành chính hoá.

- Ở HTX.NN kiểu mới chức năng quản lý và điều hành được tách biệt, rõ ràng. Bộ máy quản lý gồm: ban quản trị, ban kiểm soát, ban chủ nhiệm. Chủ nhiệm có thể do trưởng ban quản trị kiêm nhiệm hoặc là người do HTX thuê.  HTX được quyền tự chủ trong công tác cán bộ của mình, các chức danh chủ chốt không nhất thiết phải do người trong nội bộ HTX nắm giữ.

- HTX.NN kiểu mới có thể làm dịch vụ, hoặc vừa làm dịch vụ vừa sản xuất kinh doanh đa ngành nghề chứ không chỉ là trực tiếp tổ chức sản xuất, lao động tập trung, thủ tiêu sự độc lập của kinh tế hộ như HTX.NN kiểu cũ.

- HTX.NN kiểu mới phân phối theo vốn, lao động và mức độ sử dụng dịch vụ của HTX còn HTX.NN kiểu cũ là phân phố bình quân, bao cấp.

Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam trên lĩnh vực nông nghiệp (gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp) cho biết năm 2017 cả nước có 11.756 HTX, thu nhập bình quân khoảng 1,76 triệu đồng/người/tháng; có 33% số HTX.NN được phân loại khá, tốt, cao nhất là ĐBSCL (41,5%).

ĐBSCL hiện có 1.119 HTX.NN, trong đó 399 HTX hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo (38,3% tổng số HTX của vùng), 102 HTX chuyên về trái cây (9,8%) và 100 HTX nuôi thủy sản (9,6%). Phần lớn các HTX.NN cung cấp dịch vụ cơ bản.

Phát triển HTX.NN hiện nay tạo điều kiện để xây dựng nông thôn mới vì tiêu chí xã nông thôn mới là phải có HTX (hoặc tổ hợp tác) hoạt động có hiệu quả.

Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020” với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất các HTX, liên hiệp HTX tại vùng ĐBSCL, đặc biệt là HTX.NN; giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt của nông dân trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tăng cường sức mạnh tập thể của các thành viên, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và cư dân địa phương. Cách thức thí điểm hoàn thiện mô hình là từng bước, gối đầu nhau, xuất phát trước hết từ thí điểm hoàn thiện mô hình HTX lúa gạo, trái cây, thủy sản, sau đó đến mô hình liên hiệp HTX.

Đối với mỗi loại hình mô hình thí điểm, thực hiện cách đi theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ năm 2016 đến năm 2017) thí điểm hoàn thiện mô hình HTX. Giai đoạn 2 (từ năm 2017 trở đi): thí điểm hoàn thiện mô hình liên hiệp HTX lúa gạo quy mô tỉnh. Giai đoạn 2015-2016 khảo sát tái cấu trúc các HTX.NN không hiệu quả, lựa chọn và xây dựng 5 mô hình HTX kiểu mới cho mỗi tỉnh/thành; giai đoạn 2017-2020 mỗi tỉnh/thành xây dựng và nhân rộng 30 HTX.NN kiểu mới hoạt động thật sự có hiệu quả. Hiện 13/13 tỉnh, thành của vùng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và đã lựa chọn 175 HTX tham gia mô hình thí điểm, trong đó có 155 HTX đang hoạt động và 20 HTX sẽ được thành lập mới. Tỉnh có nhiều HTX tham gia nhất là Vĩnh Long (17 HTX), tiếp đó là Bến Tre (16 HTX), Long An (15 HTX), Sóc Trăng (15 HTX), Bạc Liêu (15 HTX), Cà Mau (15 HTX), Cần Thơ (15 HTX), Kiên Giang (14 HTX), Trà Vinh (12 HTX).

Tư duy về HTX kiểu cũ còn thường trực kéo theo sự hoài nghi về hiệu quả

Sau khi nghiên cứu về vấn đề này, ThS.NCS Nguyễn Quang Trung đã đưa ra một  số tồn tại, hạn chế:

Thứ nhất: Hạn chế lớn nhất ở các HTX.NN tham gia chương trình HTX.NN kiểu mới ở ĐBSCL hiện nay là trình độ quản trị của đội ngũ cán bộ HTX.NN, nhất là kiến thức về pháp luật, kiến thức quản trị kinh doanh.

Thứ hai: Nhận thức về bản chất, nguyên tắc và giá trị của mô hình HTX.NN kiểu mới và Luật HTX (2012) chưa đầy đủ và thấu đáo trong khi tư duy về HTX kiểu cũ còn thường trực kéo theo sự hoài nghi về hiệu quả của HTX.NN kiểu mới và tâm lý trông chờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế khác.

Thứ ba: Năng lực tài chính của HTX.NN còn hạn hẹp trong khi việc tiếp cận với chính sách tín dụng còn hạn chế, nguồn vốn góp bằng tiền không nhiều mà thường là vốn tự quản của gia đình xã viên như đất đai, tài sản trên đất không thể mang ra thế chấp hoặc sử dụng để tăng quy mô, cơ cấu vốn lưu động của HTX.NN thấp, việc sử dụng vốn điều lệ chưa hiệu quả và thặng dư HTX còn thấp.

Thứ tư: Một số HTX.NN đã được tổ chức lại theo Luật HTX (2012) nhưng chưa có đột phá trong hoạt động. Lượng sản phẩm cung ứng chưa nhiều, ít chú ý đăng ký nhãn hiệu, quyền bảo hộ, chất lượng chưa đồng đều...vì vậy khó tiếp cận được những thị trường lớn, khó tính;

Thứ năm: Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước và hỗ trợ phát triển HTX.NN ở cơ sở chưa hoàn chỉnh, năng lực quản lý tổ chức hoạt động còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước và các chuyên gia tư vấn hỗ trợ phát triển mô hình HTX.NN kiểu mới vừa thiếu, vừa yếu.

ThS.NCS Nguyễn Quang Trung đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển mô hình HTX.NN kiểu mới ở ĐBSCL đến năm 2020, trong đó có việc tiếp tục nâng cao nhận thức về HTX.NN kiểu mới của cán bộ, Đảng viên, cán bộ, quản lý, xã viên HTX.NN và nhân dân. .Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ HTX.NN, kết nối đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với việc thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX.NN kiểu mới. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành HTX.NN…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO