Phát triển kinh tế hộ để hướng đến nông thôn mới bền vững

KS. Nguyễn Văn Thước| 16/02/2017 06:00

KHPT-Năm mới 2017, vấn đề phát triển kinh tế hộ cần phải được đặt ra và có những giải pháp đôn đốc nông dân thực hiện, để từng hộ ổn định cuộc sống, có tích lũy, hoàn thành các tiêu chí quy định, để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Các mô hình kinh tế hộ cần quan tâm
Tùy điều kiện nông hộ, tùy đặc điểm tự nhiên riêng từng vùng và các thông tin có được mà chủ hộ có thể chọn mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp từng mùa vụ theo các hướng sau: 
- Trong các vùng ngọt hóa khép kín bên trong nội đồng có thể chọn cây con phù hợp điều kiện riêng để thực hiện mô hình sản xuất VACB (vườn ao chuồng biogas) đa cây con theo mùa và theo nhu cầu thị trường vào các dịp lễ tết, ngày nghỉ… để bán được giá cao, tăng hiệu quả kinh tế, hoặc nuôi những loại động vật bò sát có giá trị kinh tế cao như cá sấu, rắn ri tượng, trăn, rùa… và kết hợp với chăn nuôi có thể làm thêm biogas để tận dụng năng lượng sinh học và cũng để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất và sinh hoạt, tạo môi sinh trong lành, một công đôi ba việc!
- Ở các vùng đã chuyển dịch nuôi tôm cá theo hệ sinh thái mặn - lợ ven biển, thì do điều kiện có mùa ngọt - lợ trong 5 - 7 tháng mùa mưa cũng vẫn có thể thực hiện các mô hình đa cây con thành phần phù hợp sinh thái theo mùa cho vùng mặn - lợ như cách nêu trên. Có điều, phải chọn những cây trồng vật nuôi thích nghi tốt trong điều kiện mặn - lợ nhờ mưa hoặc mặn hoàn toàn trong mùa nắng chỉ nhờ cây nước ngầm. Trong vùng đặc thù này chỉ có rau màu rễ ăn cạn, ngắn ngày, cá đồng hay cá nước ngọt là phù hợp trong mùa mưa. Những thứ khác phải cân nhắc cẩn thận, kể cả nuôi dê trên đất mặn mà nhiều nơi hiện cho hiệu quả kinh tế khá.
Ngoài ra, để phát triển kinh tế hộ, người dân không thể chỉ trông chờ sản phẩm nuôi trồng chính đơn thuần là cây lúa hay con tôm, con cá, mà cần thực hiện đa canh đa cây con và cần phải biết khai thác thêm giá trị sức lao động qua sự khéo léo, sáng tạo của từng đôi tay các thành viên trong hộ. Cần chú ý khai thác tốt nghề truyền thống hay các nghề lẻ tiểu thủ công nghiệp nông thôn, như may thêu, đan đát, dệt chiếu, làm bánh cốm, làm mắm, ép chuối khô… và cần giữ uy tín, kỹ năng tinh xảo để có thương hiệu riêng, để hướng đến phục vụ và phát triển du lịch cộng đồng cùng ngành du lịch.

Các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan
Những cây trồng vật nuôi, ngành nghề nêu trên đều có thể giúp nhiều nông dân phát triển tốt kinh tế hộ nếu ai nhạy bén nắm bắt thông tin đúng và sáng tạo, cần cù trong lao động. Tuy nhiên, cần hình thành cộng đồng tương trợ nhau trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, bằng việc tổ chức lại sản xuất, hợp tác, liên kết hỗ trợ nhau mọi mặt là rất cần thiết. Để người có thông tin, giỏi kỹ thuật chỉ cho người chưa biết, người khá, giỏi giúp đỡ người kém, nhằm phục vụ tốt cho sản xuất, bảo vệ thành quả lao động và tiêu thụ tốt sản phẩm cộng đồng làm ra. Và quan trọng hơn là vấn đề quy hoạch sản xuất cây con gì, ở đâu, quy mô nào… cần được đặt ra và phải thực hiện thống nhất, tuân thủ nghiêm túc, sao cho trong từng vùng phải đảm bảo được nguyên tắc "đa canh hộ nhưng chuyên canh vùng và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm", để có uy tín và đủ sức mạnh cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thương trường, nhằm có thị trường ổn định, bền vững.
Nhưng muốn tăng sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa một cách tốt đẹp thì vấn đề ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng nhằm hạ giá thành cũng cần phải được quan tâm đúng mức và phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm theo hướng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu riêng của doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến, để dần củng cố mọi mặt thành thương hiệu uy tín nhằm đủ sức cạnh tranh trên thương trường trong quá trình hội nhập kinh tế. Mặt khác, trong hoàn cảnh sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô nông hộ hiện tại ở các xã nông thôn mới thì vấn đề tiết kiệm bằng hạn chế chi tiêu không cần thiết để tạo vốn mở rộng sản xuất theo kiểu vết dầu loang là an toàn, bền vững hơn hết, vì khỏi vay hỏi thì không phải trả lãi sẽ đỡ tốn chi phí và dành được nhiều thời gian cho sản xuất.
Để kinh tế hộ được phát triển tốt, mang về hiệu quả cao mọi mặt và bền vững thì đòi hỏi người chủ hộ hoặc bộ máy lãnh đạo tổ chức sản xuất phải có trình độ nhất định về nhiều mặt, nhất là kiến thức kinh tế, kỹ thuật, kỹ năng quản lý điều hành trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, cần sự năng động, nhạy bén, sáng tạo để giúp cộng đồng phát triển kinh tế hộ bền vững theo các kiểu làm "kinh tế né” linh hoạt của nhiều nông dân sản xuất giỏi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế hộ để hướng đến nông thôn mới bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO