Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: Cần nền tảng pháp lý

Báo điện tử Chính phủ| 25/04/2016 01:54

Ngày 22/4 tại TP. Đà Nẵng, Bộ KH&CN phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Ươm tạo và thương mại hóa công nghệ phục vụ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Ở nước ta, khái niệm “vườm ươm, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” còn khá mới mẻ, mới xuất hiện khoảng 10 năm trở lại đây.

Tính đến hết tháng 12/2014, cả nước có hơn 40 vườn ươm, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp được thành lập.

Trong lĩnh vực này, ra đời sớm nhất là vườn ươm CRC-TOPIC của ĐH Bách khoa Hà Nội (2003), tiếp đến là các vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (SBI); vườn ươm doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội (2006), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc (2006), các vườn ươm mới còn lại mới chỉ ra đời các năm 2008, 2009…

Mặc dù mới chỉ xuất hiện và đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng hoạt động ươm tạo đang mở ra hướng đi mới và thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ về số lượng doanh nghiệp được ươm tạo: Hòa Lạc, vườn ươm nông lâm, vườn ươm công nghệ cao TPHCM, CRC- Topica, HBI,…

Một số doanh nghiệp đã phát triển, trụ vững và bắt đầu đạt được thành công trên thương trường như: Công ty Phần mềm y tế Việt Nam với phần mềm y tế quản lý bệnh viện được cài đặt tại hơn 40 bệnh viện trong cả nước; Công ty Tuấn Linh chuyên về công nghệ xử lý chất thải rắn gây ô nhiễm đã được Ngân hàng Thế giới trao giải thưởng...

Tuy nhiên, hầu hết các vườn ươm vẫn gặp khó khăn về tài chính, kinh phí hoạt động và nhân lực.

Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài từ Hàn Quốc, Đài Loan (TQ)… cho rằng tại Việt Nam có rất nhiều ý tưởng công nghệ nhưng ít thành công do chưa có kế hoạch kinh doand, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng trong quản lý đầu tư mạo hiểm… Do vậy, chuyên gia góp ý để loại hình doanh nghiệp mới này hoạt động hiệu quả, cần có sự kết nối thông tin giữa các nhà khởi nghiệp Việt Nam với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế, được hỗ trợ tham gia các chương trình ươm tạo quốc tế.

Theo Bộ KH&CN, để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cao chất lượng, quy mô và sự liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đang xây dựng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia).

Đề án nhằm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp; cung cấp hạ tầng cơ sở, không gian làm việc chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; phổ biến và kết nối thông tin cho các thành phần khác nhau của hệ sinh thái khởi nghiệp; đối ứng vốn với nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức hỗ trợ; nâng cao hợp tác quốc tế trong hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đại diện Bộ KH&CN cho rằng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp cần rất nhiều yếu tố, nhưng trên hết cần phải xây dựng một nền tảng pháp lý cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong quá trình xây dựng nền tảng pháp lý cũng như hoạch định các chính sách, chiến lược để cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp rất cần những bài học kinh nghiệm và chia sẻ của các chuyên gia đã gợi mở hợp tác những vấn đề tư vấn trong việc hoạch định, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp này.

Lưu Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: Cần nền tảng pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO