Phát triển đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?

23/12/2006 04:54

Mức tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm của ĐBSCL đến 10,41% so với cả nước 7,5 - 8%. Dù thế, hiện nay đồng bằng này đang đối diện với một nghịch lý về mặt xã hội: đồng bằng đã sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy hải sản và 70% sản lượng trái cây cả nước; nhưng đời sống của nông dân không chỉ nghèo khó mà còn yếu kém về mặt văn hóa và tinh thần; trình độ học vấn thấp hơn mức bình quân của cả nước ! Trước tiến trình toàn cầu hóa và sự gia nhập vào WTO của đất nước, những nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế của ĐBSCL càng trở nên cấp bách.

Báo Khoa Học Phổ Thông giới thiệu bài viết của TS. Trần Văn Đạt, nguyên chuyên gia của Tổ chức lương nông Liên hiệp quốc (FAO) về sách lược và quy hoạch phát triển vùng đất giàu tiềm năng này.

Đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với một nghịch lý

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do phù sa thượng nguồn của sông Đồng Nai, Cửu Long và nước biển bồi đắp; cho nên đất đai thấp, bằng phẳng, nhiều sông rạch và rất phì nhiêu, nhưng đời sống của người dân còn rất khó khăn.

Lý do nghèo khó của nông dân phát xuất từ một đời sống hoàn toàn dựa vào nền nông nghiệp. Giá cả nông sản chính như ngũ cốc trên thế giới sút giảm liên tục từ giữa thập niên 1970, trong khi chi phí đầu vào, đặc biệt phân hóa học, thuốc sát trùng và nhân công tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, còn thiếu chính sách trợ giúp phù hợp cho nông dân sống trong cảnh nghịch lý này, nên tình trạng nghèo khó không thể tránh được. Thông thường, sự nghèo khó bắt buộc nông dân cố gắng sản xuất nhiều thêm để sinh tồn, để đủ nuôi gia đình; cho nên, mức sản xuất ngày càng tăng thêm, sản lượng lúa dư thừa dành cho xuất khẩu, nhưng gia đình họ vẫn còn sống trong thiếu thốn!

Trên thế giới, chưa thấy một nước nông nghiệp nào trở nên giàu mạnh. Chỉ thấy các nước phát triển, trong quá trình tiến bộ của họ, đã chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp qua công nghiệp, dịch vụ và thông tin. Nước Mỹ trong giai đoạn lập quốc, nông nghiệp chiếm 90%, năm 1900 còn 40% và hiện nay dưới 1%, nhưng họ vẫn sản xuất dư thừa thực phẩm. Cho nên, ĐBSCL phải dứt khoát tranh thủ chuyển mình phát triển kinh tế với tỉ trọng nông nghiệp giảm dần, tăng tốc phát triển công nghiệp nhỏ và vừa, dịch vụ và du lịch; nếu không, cần phải có giải pháp trợ cấp đầy đủ để nông dân có đời sống tốt hơn, không quá cách xa đô thị, như từng thấy ở các nước phát triển.

Những nỗ lực chủ yếu cho phát triển ĐBSCL

Trước tiến trình toàn cầu hóa và sự gia nhập vào WTO của đất nước, những nỗ lực xây dựng và phát triển kinh tế của ĐBSCL càng trở nên cấp bách để xóa đói giảm nghèo và cải tiến mặt văn hóa và giáo dục hầu hội nhập mau lẹ vào cộng đồng thế giới.

Để thay đổi bộ mặt hiện nay của ĐBSCL, cần có một số sách lược và quy hoạch thích đáng:

- Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của vùng để không còn độc canh lúa gạo mà phải kết hợp với thủy sản, chăn nuôi, dịch vụ và du lịch. Trong 30 năm qua (1975 - 2005), Trung Quốc đã giảm đất trồng lúa được 7 triệu hecta để dành cho các sản xuất khác có lợi tức cao hơn. Ở ĐBSCL, cần phát triển các khu công nghiệp chế xuất, đô thị hóa nông thôn để giúp chuyển đổi lao động nông nghiệp sang công nghiệp nhỏ và vừa và dịch vụ, nhằm giảm tỉ trọng nông nghiệp. Cần tăng nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp chế xuất, kinh tế biển, dịch vụ và du lịch trong vùng. Cần nâng cao tầm cạnh tranh quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên cho phát triển nhanh công nghiệp chế biến nông sản và khuyến khích xây dựng các thương hiệu nông sản, nhất là đặc sản Việt Nam.

- Cần có chiến lược xuất khẩu gạo để vừa thu được kim ngạch cao vừa giúp nông dân tăng lợi tức. Không nên đặt chỉ tiêu xuất khẩu gạo hàng năm mà quên đi đời sống và lợi tức của người trồng lúa. Điều này có thể thực hiện được nếu Việt Nam và Thái Lan không cùng nhau cạnh tranh tăng xuất khẩu, giá gạo thế giới sẽ không còn giảm, trái lại có khuynh hướng tăng lên. Theo thống kê của cơ quan FAO, từ khi Việt Nam tăng gia xuất khẩu gạo trong thập niên 1990, giá gạo thế giới liên tục sút giảm. Gần đây Việt Nam lại tăng xuất khẩu hàng năm từ 4 lên 5 triệu tấn gạo và Thái Lan từ 8 lên 10 triệu tấn gạo đang làm giá gạo dao động không ít. Nhưng nông dân của cả hai nước được hưởng lợi ích gì? Một chuyên gia quốc tế bảo: “châu Âu không cần gạo trợ cấp!”. Trung Quốc và Malaysia có chính sách lúa gạo khôn ngoan hơn, chỉ sản xuất lúa đủ đảm bảo tự túc 90% và 65%, theo thứ tự. Việt Nam cần xét lại chỉ tiêu xuất khẩu gạo hàng năm, hạ giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng, ngoài cải tiến quản lý xuất khẩu. Người viết rất ngạc nhiên nhận thấy rằng gạo xuất khẩu Việt Nam không có mặt nhiều ở thị trường Bắc Mỹ, trong khi gạo Thái Lan tràn ngập, chiếm hơn 90% thị trường này.

Thái Lan có lợi thế cho xuất khẩu gạo hơn Việt Nam về cả chất lượng và giá thành. Vì nước này chỉ sản xuất lúa gạo chất lượng cao chủ yếu nhờ nước trời, ít sử dụng chất nông hóa và tưới tiêu để xuất khẩu; trong khi nước ta trồng lúa năng suất cao, chất lượng kém hơn trong điều kiện thâm canh tưới tiêu để xuất khẩu. Hy vọng Việt Nam chỉ cần sản xuất đủ lúa năng suất cao năng thâm canh cho mục tiêu an ninh lương thực và tập trung nghiên cứu và sản xuất lúa chất lượng cao trong mùa mưa để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu.

- Chính sách hỗ trợ nông nghiệp phù hợp với WTO: Cần có những chiánh sách hỗ trợ cho nông dân và các doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với các đòi hỏi của WTO, như phát triển hạ tầng cơ sở nông nghiệp (đường sá, điện, thủy lợi), ứng dụng công nghệ mới, khảo cứu, khuyến nông, cung cấp thông tin thị trường, phát triển nguồn nhân lực. Chính phủ đã có Nghị định 66, chủ yếu phát triển ngành nghề nông thôn được hưởng ưu đãi đầu tư, gồm có vốn và đất đai, nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp trong chiều hướng này. Nên nhớ rằng theo đòi hỏi để gia nhập WTO, Việt Nam chỉ có thể dùng 10% giá trị nông sản để hỗ trợ nông nghiệp.

- Cần tái phân lợi tức cho các vùng sản xuất nông sản xuất khẩu: Các lợi tức xuất khẩu thu hoạch được từ hải thủy sản, lúa gạo, một số nông sản công nghiệp cần được phân phối trở lại các nơi sản xuất này để tiếp tục đầu tư phát triển và cải tiến đời sống kinh tế xã hội nông thôn. ó

Kỳ sau: Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Cần có một kế hoạch tổng thể

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO