Phát triển đô thị thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

N. HOA| 20/06/2020 07:40

KHPTO - Tại hội thảo khoa học “Văn hóa và văn minh đô thị ở các nước Đông Nam Á trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM phối hợp với Trường đại học mở TP.HCM tổ chức, một số nhà khoa học đã thảo luận về kinh nghiệm của Singapore, qua đó Việt Nam có thể rút được nhiều kinh nghiệm.

Với tham luận: “Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh của Singapore và bài học cho Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, tác giả Nguyễn Thị Ngọc Trân, Trường đại học sư phạm TP.HCM cho biết, tại Singapore, chính quyền số được xây dựng trên khẩu hiệu: “Chính quyền dùng số hóa làm cốt lõi và phục vụ bằng cả trái tim”. Dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người dân và thi hành pháp luật nghiêm minh, Singapore đã duy trì được hệ thống chính phủ điện tử ở mức độ cao khi cam kết 98% các dịch vụ công đều có thể tiếp cận online. Mọi hoạt động của người dân liên quan đến bộ máy công quyền, mọi vấn đề đều có thể giải quyết thông qua hệ thống điện tử tự động từ trên xuống dưới.

Chính phủ Singapore đã đầu tư nhiều vào các dự án mới nhằm phát triển đô thị thông

minh. Có nhiều chương trình tài chính đa dạng để đảm bảo rằng các nỗ lực đổi mới được thực hiện bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ là dễ dàng và có giá cả phải chăng. Singapore phát triển thêm hai quận đổi mới, đó là Khu kỹ thuật số Punggol và Khu đổi mới Jurong, nằm trên một quận phía bắc ở Block 71 - nơi có hơn 500 công ty khởi nghiệp. Các quận đổi mới nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp mới như an ninh mạng và sản xuất tiên tiến.

Singapore đã triển khai hệ thống giao thông một cổng thông tin toàn diện, gọi là One Monitoring. Trong hệ thống này, người dân có thể truy cập thông tin giao thông thu thập từ các camera giám sát được lắp đặt trên đường và xe taxi bằng GPS. Họ cũng đã thực hiện chương trình quản lý chất thải với việc lắp đặt trên đường phố các thùng rác thông minh, tự động sạc bằng năng lượng mặt trời cùng hệ thống lưu trữ điện phòng khi không có ánh nắng. Thùng rác có kích cỡ khá nhỏ gọn nhưng nhờ một hệ thống nén nên có thể chứa lượng rác lớn gấp 8 lần. Nó còn có hệ thống cảm biến để nhận biết khi thùng rác đã đầy và tự động gửi tin nhắn thông báo đến điện thoại của nhân viên vệ sinh.

Năm 2001, Singapore khởi công xây dựng Khu đô thị tri thức One North với mục tiêu phát triển thành phố tri thức và nâng cao chất lượng sống của không gian đô thị. Dự án có tổng diện tích 200 ha với thời hạn 20 năm, được chia làm 3 giai đoạn với định hướng xây dựng một đô thị giàu tính nhân văn, trong đó con người có đủ thời gian để suy ngẫm và học hỏi từ công việc và cuộc sống. Tại One North, mọi người có thể đi bộ đến nơi làm việc, không gian công cộng được tận dụng dành cho những buổi tụ tập bạn bè hay ăn trưa cùng đồng nghiệp, không gian trở thành nơi gắn kết con người, tạo nguồn cảm hứng cho giới lao động tri thức giao lưu, suy ngẫm và sáng tạo.

Sự thành công của One North được đúc kết ở 3 đặc điểm: đô thị sinh thái One North bao gồm nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm sinh học, đồng thời ứng dụng nghiên cứu đó cải tạo môi trường sống và trong các tòa kiến trúc xung quanh; cơ sở hạ tầng thông minh (LCT) giúp One North có sự kết nối cao với những nguồn thông tin mở; sự kết hợp hài hòa giữa quần thể các kiến trúc lịch sử được bảo tồn và các công trình mới đa công năng gồm khách sạn, căn hộ, văn phòng, giải trí, tạo nên không gian văn hóa đa dạng phong phú, đồng thời giữ gìn cảm nhận nơi chốn trong đô thị.

Ngoài ra, trong công tác xây dựng quy hoạch đô thị, Singapore còn có bộ khung quy hoạch để đảm bảo hài hòa tất cả những ý kiến, nhu cầu của người dân. Ý kiến của người dân sẽ tương đương với ý kiến của các chuyên gia. Hoặc các chuyên gia sẽ phải cân đối, hài hòa để tất cả những người dân đủ mọi tầng lớp, đủ mọi sắc tộc cảm thấy hài lòng và thấy được lợi ích các mặt của quy hoạch đô thị. Như vậy, mọi người dân đều có khả năng giám sát và phối hợp quản lý đô thị.

Tham khảo từ Thái Lan và Singapore

Với tham luận “So sánh chiến lược cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Singapore và Thái Lan - tham khảo cho Việt Nam”, tác giả Văn Trung Hiếu, Ban dân tộc TP.HCM đã so sánh hai chiến lược sớm nhất của khu vực là Thái Lan và Singapore đề ra một số tham khảo sau:

Một là, cần có một nguồn vốn lớn để cho doanh nghiệp vay vốn để triển khai công nghệ in 3D tại Việt Nam. Có thể chọn một số ngành mà Việt Nam có thể mạnh trên thị trường thế giới để hỗ trợ, nhằm sản xuất sản phẩm rẻ hơn cung cấp cho thị trường thế giới.

Hai là, do chủ trương của Việt Nam là tiến bộ đi đôi công bằng xã hội, Việt Nam có thể đưa thêm chỉ tiêu giống của Thái Lan “giảm sự chênh lệch xã hội từ 8,5 lần năm 2010 xuống 4 lần vào năm 2032 hoàn toàn chuyển đổi sang hệ thống phúc lợi xã hội trong vòng 20 năm và phát triển ít nhất 20.000 hộ gia đình thành “Nông dân thông minh” trong vòng 5 năm”. Bởi theo số liệu của Thái Lan trong giai đoạn 2004 - 2010, chênh lệch giữa thu nhập trung bình của 20% hộ khá giả nhất với 20% hộ nghèo nhất đã tăng từ mức 7 lần lên 8,5 lần.

Ba là, giao cho các công ty viễn thông (trong đó có Viettel) nhanh chóng chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin băng thông rộng, nhanh hơn nhằm để kêu gọi các đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tích hợp Internet trong sản xuất.

Bốn là, các cơ sở giáo dục mạnh dạn đổi mới nội dung giáo dục, với nội dung dạy học sinh cách sử dụng các công nghệ, cách sáng tạo công nghệ. Lưu ý là sách giáo khoa hiện giờ của ta toàn đề cập đến các thành tựu khoa học thời cách mạng công nghiệp lần thứ hai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển đô thị thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO