Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần xây dựng các “hạt nhân sáng tạo”

N. QUỲNH| 19/01/2020 19:54

KHPTO - Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học “Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Từ lý luận đến thực tiễn”. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ, khoa văn hóa học cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là sự chủ động nắm bắt trào lưu, xây dựng các “hạt nhân sáng tạo”.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng, công nghiệp văn hóa là một ngành hàng sản xuất và dịch vụ văn hóa - kinh tế đặc thù, được xây dựng trên nền tảng sáng tạo nội dung văn hóa và cơ chế quảng bá - tiêu thụ sản phẩm như mặt hàng kinh tế trên thị trường. Công nghiệp văn hóa hình thành từ giữa thế kỷ 20, đã trải qua quá trình “nhào nặn”, “gọt giũa” liên tục xuyên suốt các thập niên cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21, bởi tác động của công nghệ số và trào lưu văn hóa đại chúng vốn thay đổi liên tục. Một số quốc gia nhạy bén nắm bắt được tình hình ấy đã chủ động tái đánh giá bản chất và đặc điểm ngành công nghiệp văn hóa, chủ động xây dựng các “hạt nhân sáng tạo” nội dung văn hóa, các cơ quan chuyên trách và cơ chế quảng bá - tiêu thụ sản phẩm văn hóa.

TS. Trương Văn Minh, khoa văn hóa cho rằng, công nghiệp văn hóa vừa là một khái niệm trong khoa học vừa là một khu vực sản xuất trong nền kinh tế. Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, qua các giai đoạn thời gian khác nhau, nội hàm của khái niệm này cũng có nhiều thay đổi và bổ sung dẫn đến cách hiểu cũng khác nhau, từ e dè cho tới đón nhận một cách lạc quan. TS. Minh đã bàn về các giai đoạn xuất hiện của khái niệm công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, qua đó cho thấy thái độ đối với những ngành sản xuất ra sản phẩm và dịch vụ có nội dung văn hóa và hàm lượng sáng tạo đang được coi là mũi nhọn của nhiều nền kinh tế trên thế giới hiện nay.

Nguy cơ làm mờ đường biên văn hóa

Toàn cầu hóa thúc đẩy nền văn hóa quốc gia giao lưu, tiếp xúc và đối thoại với nhiều nền văn hóa khác nhau. Quy mô tiếp xúc văn hóa mở rộng từ phạm vi khu vực cho đến toàn cầu, cùng một lúc nhiều nền văn hóa tiếp xúc với nhau với cường độ tiếp xúc cũng gia tăng rất nhiều, nhờ vào thành tựu của khoa học công nghệ cũng như phương thức giao lưu đa dạng, phong phú và thậm chí khó kiểm soát bởi quá trình tương tác vừa trực tiếp vừa gián tiếp thông qua thương mại, phân công lao động toàn cầu, truyền thông đa phương tiện. ThS. Dương Trường Phúc, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cảnh báo, đây thực sự là cơ hội để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc nhưng đồng thời cũng có thể làm mờ những đường biên văn hóa, dẫn đến nguy cơ vong hóa dân tộc. Do vậy, trong quá trình hội nhập, cần nhận thức rằng việc tiếp nhận giá trị văn hóa ngoại nhập trên cơ sở tôn trọng và chọn lọc để làm giàu bản sắc văn hóa bản địa, để luôn là nguồn cung cấp năng lượng và động lực cho sáng tạo văn hóa.

TS. Dương Viết Huy, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch nhận định, trong xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp văn hóa trên nền tảng kỹ thuật số có thể được hiểu là công nghiệp văn hóa số. TS. Dương Viết Huy nói: “Có nhiều quan điểm cho rằng hiện đại hóa nền văn hóa có thể mất đi giá trị văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, trong thế giới phẳng này, công nghệ liên tục phát triển là xu thế không thể đảo ngược. Mọi quốc gia, mỗi con người cần phải chủ động tham gia tiến trình đó để tránh bị lạc hậu và bị bỏ lại đằng sau. Vì vậy, công nghiệp văn hóa số là một xu hướng tất yếu của công nghiệp văn hóa”.

Để phát triển văn hóa Việt Nam trong tình hình mới, TS. Huy đề nghị, ngoài bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cần thiết phải ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp văn hóa số không thể chỉ bằng ý nguyện của những người làm công tác quản lý văn hóa mà cần có sự tham gia của các nhà khoa học về công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực liên quan khác như kinh tế, luật, tài chính, môi trường... Nhóm nhân lực này mới chỉ mang tính dẫn dắt tư duy, tính khoa học để huy động nguồn lực của xã hội, việc triển khai cụ thể lại phải cần lực lượng lao động lành nghề, hiện đại.

Nếu Nhà nước kiến tạo chính sách phùhợp với từng ngành, từng đối tượng cụ thể trên nền tảng hạ tầng công nghệ tương xứng thì các ngành công nghiệp văn hóa mới có thể phát triển được về chất và lượng. Ngược lại, nó có thể vẫn phát triển nhưng chỉ trên một phạm vi (địa lý, lĩnh vực) nhỏ mà không có sự liên kết đồng bộ trong cả nước. Những yếu tố trên là các nút thắt quan trọng cần từng bước được tháo gỡ theo thứ tự ưu tiên. Có thể như vậy thì sự nghiệp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu và phùhợp với thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần xây dựng các “hạt nhân sáng tạo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO