Phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thông qua 4 trụ cột chính

NHƯ QUỲNH| 13/12/2019 07:20

KHPTO - Định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM trong thời gian tới không tiếp tục lựa chọn 4 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như trước đây, mà phát triển công nghiệp thành phố dựa trên 4 trụ cột chính:

phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển, liên kết vùng, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất như trên tại hội thảo “Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển”, do UBND TP.HCM tổ chức.

Không còn phù hợp

Theo PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu có đến 11 ngành cấp 2, có 42 ngành cấp 3, có 84 ngành cấp 4 và 107 ngành cấp 5. Do đó, việc ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu là rất rộng và dàn trải, các nguồn lực khó có thể đáp ứng. Vì vậy, định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM trong thời gian tới đề xuất không tiếp tục lựa chọn 4 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như trước đây, mà phát triển công nghiệp thành phố dựa trên 4 trụ cột chính: phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển, liên kết vùng.

Với phát triển công nghiệp công nghệ cao: xét trên phương diện tổng thể, thành phố cần thay đổi hướng tiếp cận trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp. Theo đó, ưu tiên phương thức sản xuất theo hướng sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp thay cho việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.

Sản xuất thông minh: thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển công nghiệp theo hướng sản xuất thông minh dựa trên nền tảng chất lượng nguồn nhân lực, phát triển TP.HCM trở thành đô thị thông minh và khu đô thị sáng tạo.

Nghiên cứu phát triển: là một trong những phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi sản xuất công nghiệp. Thành phố cần có những cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển trên địa bàn thành phố. Kết quả nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có thể được thương mại hóa hoặc đưa vào sản xuất ở các địa phương khác nhưng phân khúc mang lại giá trị cao nhất vẫn tập trung ở thành phố. Điều này góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng của khu vực công nghiệp thành phố.

Riêng việc liên kết vùng, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng, phát triển công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đặt trong mối quan hệ với phát triển công nghiệp cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Khai thác lợi thế về vị trí địa lý, trung tâm kinh tế lớn nhất của các nước, TP.HCM thu hút các nhà đầu tư trong cả nước đến đặt trụ sở chính, hoạt

động sản xuất có thể thực hiện ở các tỉnh. Việc các doanh nghiệp công nghiệp đặt trụ sở chính trên địa bàn thành phố sẽ giúp thành phố có nguồn thu ngân sách đáng kể từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khai thác quỹ đất giá rẻ ở các tỉnh để đầu tư xây dựng nhà máy đối với một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động phổ thông. Liên kết vùng trong sản xuất công nghiệp cần dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.

Chuyển đổi “trọng yếu”thành “theo hướng thông minh, đổi mới sáng tạo”

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài, phó hiệu trưởng Trường đại học kinh tế TP.HCM, chỉ ra rằng các ngành công nghiệp được xem là trọng yếu của TP.HCM trong nhiều năm qua đã có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển; nhưng trong bối cảnh mới với mức độ đô thị hóa cao và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các ngành này đã bộc lộ những điểm yếu, và tỷ trọng đóng góp vào GRDP đang có xu hướng chững lại, với sự lấn át từ sự phát triển các ngành dịch vụ. Với bối cảnh đó, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài đề xuất một tiếp cận phát triển mới cho các ngành kinh tế của TP.HCM theo hướng đổi mới sáng tạo, cùng với việc thiết kế môi trường phát triển đồng bộ theo quan điểm không tập trung vào một ngành cụ thể nào, mà chủ yếu là xây dựng hệ sinh thái cho tất cả các ngành cùng cạnh tranh và phát triển theo xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, tiếp cận phát triển này đề xuất hình thành một hệ sinh thái nhằm chuyển đổi các ngành kinh tế hiện hữu, bao gồm cả các ngành công nghiệp trước đây được xem là trọng yếu theo hướng thông minh, đổi mới sáng tạo và hiệu quả từ các lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ, công nghệ…

PGS.TS. Lê Hoài Quốc, chủ tịch Hội tự động hóa TP.HCM nhận định, công nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây, mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện nhất định về đầu tư đổi mới công nghệ, nhưng cho đến nay chủ yếu vẫn là thực hiện các khâu lắp ráp, gia công từ các đầu vào nguyên liệu và bán thành phẩm nhập khẩu, sau đó xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên đây sẽ là một quá trình sắp xếp lại các nguồn lực và quá trình tái cơ cấu chuỗi ngành nghề trên toàn cầu, cũng như ở Việt Nam. Vấn đề này không thể thực hiện trong thời gian ngắn nếu Việt Nam không sớm nâng cấp trình độ sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

Vẫn đang hiện hữu nhiều thách thức đặt ra đối với công nghiệp Việt Nam, trong khi nhiều nước tham gia gần như toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết đến lắp ráp và phân phối, Việt Nam hầu như chỉ tham gia ở khâu thấp nhất của chuỗi giá trị, đó là lắp ráp các chi tiết nhập khẩu từ những nước khác và phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia mà thiếu đi vai trò của các doanh nghiệp nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thông qua 4 trụ cột chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO