Phát triển 'tam nông' ở Thủ đô: Hiệu quả nhờ lấy dân làm gốc

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ| 07/06/2022 20:09

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, thời gian qua, Hà Nội đã trở thành điểm sáng của cả nước trong công tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, với phương châm “lấy nông dân làm gốc”, chương trình đã mang lại hiệu quả thực chất, góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Nghị quyết Trung ương 7 tạo sức lan tỏa sâu rộng

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế-xã hội; là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ban hành như: Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận 54-KL/TW ngày 7/8/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những chủ trương, chính sách về lĩnh vực an ninh lương thực, phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm…

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết Nghị quyết Trung ương 7 đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Cùng với các ngành kinh tế mũi nhọn, nông nghiệp đã trở thành thế mạnh, trụ đỡ cho nền kinh tế Thủ đô. Đến nay, khu vực nông thôn đã thực sự "thay da đổi thịt", trở thành miền quê đáng sống; đặc biệt xác định "lấy dân làm gốc", xây dựng nông thôn mới là "của dân, do dân và vì dân" nên đến nay đời sống của người dân đã không ngừng được cải thiện, nâng cao. 

Nghị quyết Trung ương 7 đã tạo sức lan tỏa sâu rộng đến khắp các thôn, xóm, xã, phường và đông đảo quần chúng nhân dân, một phong trào sôi nổi đã được hình thành và phát triển, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố. Kết quả đó càng khẳng định hiệu quả mà Nghị quyết mang lại và đã làm cho Đảng, Nhà nước thấy rõ hơn về chủ trương, chính sách, cơ chế và biện pháp tổ chức thực hiện công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ mới.

Trong nông nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như năm 2008, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn đạt 20.137 tỷ đồng thì đến năm 2021, con số này đã lên tới  57.559 tỷ đồng. Tỉ trọng ngành trồng trọt đã giảm từ 48,5% xuống còn 39,78%; tỉ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 49% lên 56,87%; tỉ trọng ngành dịch vụ tăng từ 2,5% lên 3,35%.

Hà Nội đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa (gồm: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn, cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25-30%); vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… đạt giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả ở một số xã thuộc các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì, Phúc Thọ đạt giá trị từ 0,5-1 tỷ/ha/năm. 

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Phật thủ, nhãn chín muộn, cam canh (Hoài Đức); bưởi tôm vàng (Đan Phượng); vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất…

Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, Thành phố đã có 14/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã (chiếm 100%) đạt chuẩn nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao và có 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Đời sống của bà con nông dân cũng không ngừng được cải thiện. Năm 2008, thu nhập bình quân khu vực nông thôn Hà Nội đạt 8 triệu đồng thì đến hết năm 2021 đã tăng trên 54,07 triệu đồng/người/năm. Các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Đan Phượng 66 triệu đồng, Gia Lâm 65 triệu đồng, Hoài Đức 64 triệu đồng, Chương Mỹ 62,5 triệu đồng,…  

Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ; 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. 

Năm 2021, ước số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 thì toàn Thành phố còn 1.363 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,06%; trong đó, có 7 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thanh Trì) không còn hộ nghèo.

Bà con nông dân tham gia dọn dẹp vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt, nông dân là chủ thể 

Theo ông Chu Phú Mỹ, với định hướng chiến lược lâu dài và xác định "xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", Hà Nội sẽ nỗ lực phát huy thế mạnh để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về tam nông cũng như những định hướng phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII mới đây.

Cụ thể, Hà Nội sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể.

Hà Nội sẽ phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng gắn với quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Về nông thôn, ông Chu Phú Mỹ cho biết Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị với quan điểm, mục tiêu tổng quát là: "Xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại". 

Đồng thời xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ và bền vững, trình độ sản xuất tiên tiến, hiện đại và chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nông dân giàu có; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt, Hà Nội không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Khuyến khích phát triển các mô hình xử lý nước thải, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tái sử dụng chất thải nông nghiệp, làng nghề phục vụ nền kinh tế tuần hoàn; phát triển các mô hình thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh. 

Bảo đảm an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn. Chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao và các dịch vụ tốt nhất đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, tăng cường phát huy vai trò tự quản, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Thiện Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển 'tam nông' ở Thủ đô: Hiệu quả nhờ lấy dân làm gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO