Phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất

THANH TÂM| 09/06/2018 08:37

KHPTO - Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM, qua thời gian triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) điểm trên địa bàn thành phố, các HTX có nhiều thay đổi, chuyển biến, phát huy được vai trò trong liên kết sản xuất: sản lượng và năng suất sản phẩm tăng lên, số lượng thành viên gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện, xã viên tham gia HTX đạt lợi nhuận cao hơn bên ngoài...

Xây dựng HTX kiểu mới, hiện đại Hiện TP.HCM có gần 70 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 15% hộ nông dân tham gia và thu nhập của xã viên cao hơn sản xuất độc lập.

Trong số gần 70 HTX đó có 41 HTX đang hoạt động với 2.235 thành viên, bình quân 54 thành viên/HTX.

Trong số 41 HTX đang hoạt động, có 24/41 hoạt động hiệu quả, chiếm tỷ lệ 58,5%; 15/41 HTX hoạt động chưa hiệu quả, chiếm tỷ lệ 36,6%; 2/41 HTX hoạt động không hiệu quả, chiếm tỷ lệ 4,9%.

Giá trị sản xuất do thành viên HTX tạo ra là 971 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả HTX, từng bước hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ và nông dân sản xuất, cũng như thúc đẩy các HTX phát triển bền vững.

Từ năm 2017, ngành nông nghiệp đề xuất xây dựng thí điểm mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

Tham gia xây dựng mô hình gồm 7 HTX là: HTX thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong và HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Lộc (huyện Củ Chi); HTX thương mại dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mai Hoa (huyện Hóc Môn); HTX nông nghiệp sản xuất thương mại dịch vụ Phước An (huyện Bình Chánh); HTX Hiệp Thành (huyện Nhà Bè) và Thuận Yến (huyện Cần Giờ).

Các HTX này tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất gắn với chế biến sản phẩm như, có trụ sở làm việc, nhà máy giết mổ, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy chế biến thực phẩm, các trạm sữa, nhà sơ chế rau, nhà sơ chế đóng gói...

Ngoài ra, lãnh đạo HTX chú trọng đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất.

HTX kinh doanh như doanh nghiệp Theo đánh giá từ Sở NN&PTNT, qua thời gian triển khai xây dựng mô hình HTX điểm, bộ mặt các HTX có nhiều thay đổi, sản lượng năng suất sản phẩm tăng lên, số lượng thành viên gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh từng bước cải thiện. Điển hình, HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội có 300 xã viên, vốn điều lệ lên 5 tỷ đồng.

Chủ tịch kiêm giám đốc HTX Nguyễn Minh Khánh, cho biết, HTX đang hướng tới mô hình chuỗi khép kín từ khâu chăn nuôi, sản xuất sữa nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.

Tổng đàn bò sữa của các thành viên là 5.000 con, hiện HTX đã xây dựng được 4 trạm thu mua sữa để tiêu thụ sữa bò tươi của các thành viên và hộ nông dân với tổng lượng thu mua khoảng 30 tấn/ngày, đồng thời vận hành nhà máy chế biến sữa cung cấp các sản phẩm sữa cho thị trường.

Đến nay, HTX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội được đánh giá là HTX tiên tiến của thành phố nhờ liên kết với nông dân chặt chẽ, mạnh dạn đổi thay, nâng chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Phước An chuyên sản xuất rau an toàn cung cấp cho các siêu thị, hơn 10 năm thành lập, HTX hiện có 62 thành viên, thu hút 92 hộ nông dân làm rau trên diện tích 17 ha có chứng nhận VietGAP. HTX đã đầu tư mua 4 xe tải, xây nhà sơ chế và sản lượng đạt 180 tấn rau/tháng.

Các mô hình HTX mới chú trọng liên kết và sản xuất chất lượng, năng suất sản phẩm của hộ tham gia HTX đều tăng, chất lượng đạt chuẩn.

Nhờ liên kết thông qua HTX, các hộ tham gia được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ổn định, khi giá thị trường cao thì HTX cũng hỗ trợ cho nông dân với cam kết thu mua tối đa 70 - 80% giá thị trường.

Liên kết nông hộ nhỏ Theo Sở NN&PTNT thành phố, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp cơ bản trên địa bàn thành phố đến 2020 là phát triển mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại theo hướng giảm dần hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tạo điều kiện và khuyến khích các hộ tham gia vào HTX. Tăng cường liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ để nông dân yên tâm sản xuất.

Trước hết vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tiến đến thành lập HTX.

Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ các HTX hiện có đổi mới, nâng cao năng lực của các HTX đang hoạt động hiệu quả...

Giá trị ngành nông nghiệp thành phố năm 2017 ước đạt 20.000 tỷ đồng, trong đó mô hình kinh tế nông hộ đóng góp trên 77%.

Để tạo thế mạnh cho các nông hộ trong tình hình mới, nhất thiết phải liên kết lại với vai trò HTX là đầu tàu, đồng hành từ sản xuất tới tiêu thụ cho nông dân.

TS. Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, nông dân thành phố liên kết lại là tất yếu vì diện tích sản xuất ngày càng thu hẹp, nhân lực lao động giảm dần, khan hiếm, nếu duy trì kinh tế nông hộ nhỏ lẻ thì rất khó tạo ra sản phẩm chất lượng, cạnh tranh. Vì vậy, xu hướng tất yếu là nông hộ nhỏ lẻ cần liên kết lại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới để sản xuất chất lượng hơn, tiến đến xây dựng thương hiệu đưa ra thị trường. Quan trọng là việc tổ chức HTX kiểu mới, có người quản lý giỏi để tổ chức sản xuất và kinh doanh thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO