Phát hiện nhiều hoạt tính sinh học quý trong nấm Thượng hoàng trồng tại Việt Nam

Như Hoa| 11/12/2018 22:50

KHPTO - Nghiên cứu hoạt tính kháng oxy hóa của nấm Thượng hoàng (Phellinus linteus (Berk. Et Curt.) Teng) trồng tại Việt Nam, các tác giả Trần Thị Văn Thi, Lê Lâm Sơn, Lê Trung Hiếu, Trần Văn Khoa, Trường đại học khoa học, Đại học Huế nhận thấy khả năng kháng oxy hóa của nấm Thượng hoàng trồng tại Việt Nam và các phân đoạn polysaccharide từ mẫu nấm này cao hơn nhiều so với một số mẫu Linh chi đối chứng.

Nhiều người đã phân lập giống, thuần dưỡng và nuôi trồng. Hiện nay, nấm được trồng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và bước đầu đã được trồng ở Việt Nam.Với giống và điều kiện nuôi trồng khác nhau, nấm có thể có hoạt tính sinh học khác nhau. Điều này làm cho một loài nấm có hoạt tính sinh học quý, khi phát triển ở nơi khác nhau đều cần được nghiên cứu. Trong nấm Thượng hoàng, polysaccharide (PS) là thành phần hóa học quan trọng.

PS là các polymer thiên nhiên có cấu trúc đa dạng, phức tạp và đã được nghiên cứu rộng rãi trong y học do các hoạt tính sinh học đa dạng của chúng.

Trong nghiên cứu này, nấm Thượng hoàng được mua từ nhà sản xuất tại TP.HCM, ở dạng quả thể đã sấy khô và đóng gói theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Tên loài đã được nhà cung cấp giống và nhà sản xuất xác nhận là Phellinus linteus(Berk. et Curt.) Teng.

Kết quả nghiên cứu, ở tất cả các nồng độ, tổng lực kháng oxy hóa của cao Pl-E và Pl-W của mẫu nấm Thượng hoàng đều tương đương hay vượt trội so với các mẫu nấm còn lại, trong số đó có mẫu nấm Linh chi (Ganoderma lucidum) Hàn Quốc và mẫu nấm Lim xanh thiên nhiên (Ganoderma lucidum) thu hái tại Quảng Bình. Đây là một tín hiệu rất đáng phấn khởi đối với loại nấm Thượng hoàng (Phellinus lintues) đang bắt đầu được trồng tại miền Nam Việt Nam.

Hàm lượng tổng các hợp chất phenolic của nấm Thượng hoàng là 4,60 ± 0,08 mg acid gallic/gam mẫu, cao gấp 40-50 lần so với các mẫu Linh chi đang trồng tại Việt Nam ở cùng điều kiện khảo sát. Kết quả này cho thấy các hợp chất phenolic đóng góp đáng kể trong hoạt tính kháng oxy hóa của nấm Thượng hoàng.

Nhóm nghiên cứu chưa tìm thấy công trình nào đánh giá hàm lượng tổng phenolic từ nấm Thượng hoàng, tuy nhiên kết quả trên cũng phù hợp với công bố về việc tách chiết được các hợp chất phenolic riêng lẻ từ loài nấm này. Akito Nagastu và cộng sự đã phân lập ra hợp chất phenolic gọi là meshimakobnol, đây là tên xuất phát từ tên nấm bằng tiếng Nhật (nấm Meshimkobu).

Hoạt tính kháng oxy hóa của các mẫu đều tăng theo nồng độ. Hoạt tính kháng oxy hóa của cao ethanol và cao nướcluôn luôn cao hơn các cao phân đoạn PS, trong đó lực kháng oxy hóa mạnh nhất là cao EtOH (Pl-E) và sau đó là cao nước (Pl-W). Polysaccharide đóng góp một hần trong hoạt tính kháng oxy hóa tổng này bên cạnh sự đóng góp của các hợp chất phenolic. Kết quả này cho thấy việc ngâm trong rượu hay sắc nấm Thượng hoàng trong nước đều thu được các chất có hoạt tính kháng oxy hóa cao trong chữa bệnh so với nhiều loài nấm Linh chi Ganoderma lucidum khác hiện đang được trồng tại Việt Nam.

Trong nghiên cứu này, khả năng kháng oxy hóa của cao ethanol, cao nước và các cao polyssaccharde được chiết xuất từ nấm Thượng hoàng (Phellinus linteus (Berk. Et Curt.) Teng) trồng tại Việt Nam đã được khảo sát. Hoạt tính kháng oxy hóa của mẫu nấm Thượng hoàng, thể hiện qua lực kháng oxy hóa tổng, hàm lượng các hợp chất phenolic, flavonoid đều vượt trội so với các loài nấm Linh chi khác trồng tại Việt Nam. Trong đó, các hợp chất polysaccharide cũng đóng góp phần quan trọng vào hoạt tính kháng oxy hóa này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện nhiều hoạt tính sinh học quý trong nấm Thượng hoàng trồng tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO