Phát hiện mới: Trồng cỏ vetiver hàng rào sinh học, cải tạo đất xấu

Bài, ảnh: Minh Tuấn| 23/10/2017 20:26

KHPTO - Trải qua những thực nghiệm, ứng dụng, Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ (Đại Học Nông lâm, thành phố Hồ Chí Minh) khuyến cáo dùng cỏ vetiver làm hàng rào sinh học trong canh tác nông nghiệp, hiệu quả rõ nhất trong canh tác rau màu và cải tạo đất xấu thành đất trồng.

Ngăn côn trùng, giữ nước, chống rửa trôi

ThS. Cao Xuân Tài chủ nhiệm đề tài cho biết:Trên cánh đồng rau màu, phần lớn côn trùng gây hại có hoạt động bật nhảy, bay đoạn ngắn. Hiện tượng côn trùng di chuyển từ thửa ruộng này sang thửa ruộng kia để gây hiểm họa chủ yếu nhờ gió. Các loại nấm bệnh cũng nhờ gió đưa các bào tử phát tán đi xa. Tương tự khuyến cáo trồng cây làm hàng rào chắn gió và côn trùng cho vườn cây ăn quả, việc thiết lập những hàng rào ngăn cách giữa các thửa ruộng rau màu giúp kiểm soát sâu bệnh hại tốt hơn trên từng thửa ruộng; hàng rào bằng cỏ vetiver là giải pháp tuyệt vời.

ThS Tài giải thích: Cỏ vetiver mọc thành cụm (bụi) thẳng đứng, giống như cỏ xả. Với bộ lá dài từ 40-90cm, bản lá rộng 4-10mm, phiến lá tương đối cứng, thân và lá cỏ vetiver xếp vào nhau hướng thẳng, nửa dưới gốc bụi cỏ, cọng lá dày đặc ken cứng, nửa phía trên lá bung tự do kiểu lá xả, mịt mù. Nếu không cắt, chiều cao cỏ vetiver có thể đạt 1,5-3m, chắn gió tốt cho ruộng hoa màu. Trên cánh đồng  trồng rau màu, có bố trí hàng rào cỏ vetiver từng thửa ruộng thì sâu bọ, côn trùng (rầy, bọ nhảy...) sẽ bị hàng rào cỏ ngăn lại chờ xử lý, những ruộng không có sâu sẽ an toàn hơn. Giả sử đối với những sâu bọ côn trùng cố gắng vượt hàng rào cỏ hoặc bị gió quăng vào thì chúng bị lạc giữa ma trận của các lá cỏ, sẽ làm mồi cho cóc, ếch, nhái, bọ ngựa, kiến cao cẳng và các loài thiên địch khác định cư trong những bờ cỏ vetiver này. Hàng rào cỏ cũng giúp việc kiểm soát nước ngầm, bằng bộ rễ vận chuyển nước thẩm thấu ngược từ đất lên vùng xung quanh gốc. Khi hàng rào vetiver đủ dày, chúng chặn đứng đất và chất dinh dưỡng bị rửa trôi. Tinh dầu trong rễ cỏ vetiver có mùi thơm không hấp dẫn đối với loài gặm nhấm, trở thành rào cản sinh học đối với chuột, ngăn chặn chuột làm tổ gần hàng rào. Hàng rào cỏ vetiver cũng có tác dụng làm mềm các cơn gió, che chắn tốt hơn rau màu nếu bố trí các bờ cỏ vetiver hợp lý. Ngoài ra, việc cắt lá cỏ vetiver còn cho một lượng sinh khối rất lớn qua, rải mặt ruộng giữ ẩm và làm phân khi hoai mục, tăng cường vi sinh và dinh dưỡng cho đất.

Lưu trữ hệ vi sinh vật có lợi, cải tạo đất xấu thành đất trồng

Việc sử dụng phương pháp sinh học để phục hồi đất xấu (thoái hóa do các hiện tượng tự nhiên hoặc do quá trình canh tác) là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất bền vững. Các loại đất này bao gồm đất mặn, đất phèn, đất khô cằn, đất pha cát, đất ngập nước, đất sườn dốc, đồi trọc.

ThS Tài giải thích: “Phần lớn đất đai ở vùng khí hậu nhiệt đới có nguồn gốc từ lớp đá mẹ cổ, nghèo dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng đạm và lân trong đất rất thấp, đất bị acid hóa hoặc bị thẩm thấu chua, phèn, mặn...gây ngộ độc cây trồng. Nhưng khi trồng cỏ vetiver trên đất nào cũng sống và phát triển”. Vậy có thể trồng cỏ vetiver để cải tạo đất xấu thành đất trồng!

Các nghiên cứu cho thấy có khá nhiều vi sinh vật đất và nấm xuất hiện xung quanh rễ cỏ vetiver. Các vi sinh vật có mặt trên rễ cỏ tạo thành những đường dẫn truyền dinh dưỡng nối đất và cây. Rễ tiết ra chất hữu cơ hòa tan polysaccharide giúp cho sự chuyển hóa sinh học của đất và sự thích nghi của cây.

Các vi sinh vật gắn liền với rễ cỏ vetiver bao gồm: 1. Vi khuẩn cố định đạm. Hiện diện ở bề mặt rễ, trong các gian bào hoặc trong các tế bào rễ đã chết, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp đạm cho cỏ vetiver, sản xuất enzyme chuyển hóa N tự do thành N sinh học dưới dạng N-amonia cho cây hấp thu. 2. Vi khuẩn điều hòa sự sinh trưởng cây. Chất điều hòa sinh trưởng là những chất hữu cơ ảnh hưởng đến quá trình sinh lý của cây trồng ở nồng độ rất thấp, chất điều hòa sinh trưởng cũng bao gồm những chất chuyển hóa từ vi khuẩn. Nhiều hoc mon thực vật được sản xuất từ các vi khuẩn cố định đạm như: azotobacter, azospillum, bacilus và pseudomonas góp phần thúc đẩy sự phát triển và sự tái sinh của bộ rễ, đồng thời giúp cho cây kháng được bệnh hại. 3. Vi khuẩn hòa tan lân. Một số vi khuẩn đất, đặc biệt là vi khuẩn thuộc họ Bacilus và Pseudomonas có khả năng chuyển hóa lân không hòa tan trong đất thành dạng hòa tan bằng cách chiết ra acid hữu cơ như acid formic, propionic, lactic, glycolic, fumaric, succinic. Các acid này làm giảm pH và thúc đẩy sự phân giải phosphate.

Những hoạt động vi sinh nói trên làm sáng tỏ vì sao cỏ vetiver có thể sống trong tình trạng dinh dưỡng rất nghèo và có sức sống mãnh liệt. Vetiver có thể sống trong biên độ nhiệt từ –14 độ C đến 60 độ C, chịu khô hạn giỏi đến mức những cây cỏ khác chết khô, vetiver vẫn còn, thậm chí nắng, lửa đốt cháy luôn bụi, sau 1-2 cơn mưa sẽ đâm lá bình thường; sống được trong môi trường ngập lũ trong vòng 45 ngày. Vetiver chịu được ngưỡng biến động của pH đất từ 3-10,5. Bộ rễ vetiver có thể ăn sâu 3-5m nên có khả năng phân tán dòng chảy, ngăn cản sự xói mòn, khống chế sự dịch chuyển vật chất trên đất dốc, chắn phù sa rất hiệu quả. Vetiver có bộ rễ xốp, mọc rất nhanh và tạo sinh khối rất nhiều về số lượng, khi chết để lại mùn và vô số đường thở giúp tơi xốp đất.

Nếu trên các chân đất xấu được trồng cỏ vetiver cùng với áp dụng các giải pháp cải thiện chất lượng đất, sẽ làm tốt lên, chừng mực nào đó có thể dùng vào sản xuất nông nghiệp. Cỏ vetiver không bò lan, hoa bất thụ, những bụi cỏ lâu năm tạo sinh khối nhiều giúp cải tạo đất nhưng không mọc lan thành cỏ dại. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện mới: Trồng cỏ vetiver hàng rào sinh học, cải tạo đất xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO